Đa phần đại lý sản xuất phân bón bằng công nghệ... cuốc xẻng, xe trộn bê tông

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:07, 27/09/2016

Hệ thống sản xuất và kinh doanh phân bón của Việt Nam hiện nay vẫn được coi là tự phát vì "nơi nào làm được, nơi đó làm". Cho nên, thực trạng này đã dẫn đến tình trạng nhiều nhà sản xuất phân bón làm ăn bất hợp pháp để đẩy giá thành sản phẩm lên cao.

Thực trạng thị trường

Tại cuộc họp báo, trước hội thảo lập lại thị trường phân bón Việt Nam và bảo vệ người tiêu dùng diễn ra ngày 26.9, đại diện Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, từ tháng 8.2015 đến quý 1/2016, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã tổ chức điều tra trên 80% tỉnh, thành cả nước,đã có hơn 800 cơ sở sản xuất phân bón bao gồm: tập đoàn, tổng công ty, công ty, chi nhánh.

Trong đó, riêng TP.HCM có 491 công ty, chi nhánh, trong đó có 267 đơn vị sản xuất phân bón, chính những nơi này là cái nôi dễ phát sinh sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường. Còn tại các nơi khác như tỉnh Long An có 42 công ty, tỉnh Đắc Lắc có 37 công ty, Hà Nội có 22 công ty, tỉnh Đồng Tháp có 22 công ty, tỉnh Thanh Hóa có 22 công ty, tỉnh Đồng Nai 47 công ty và Quảng Nam có 5 công ty...

Đa số các đơn vị đều sản xuất phân bón bằng công nghệ cuốc xẻng, xe trộn bê tông và không có phòng thí nghiệm. Trong khi đó, việc tổ chức cung ứng thì chồng chéo, phân bón trong Nam đưa ra Bắc, phân bón ngoài Bắc đưa vào Nam cùng một tên phân bón, cùng một chủng loại, cùng một hệ số hàm lượng... Hệ thống đại lý thì quá nhiều bất cập, đơn cử như việc nhiều đại lý ở ĐBSCL đã tự trang bị xe trộn bê tông trong nhà để pha trộn phân bón bất hợp pháp. Các yếu tố trên đã làm đội giá thành phân bón lên cao, khiến nông dân nghèo phải chịu, phải mua.

Hàng loạt sai phạm

Với tầm quan trọng của phân bón, thời gian qua,Nhà nước đã có nhiều nghị định và thông tư đã ban hành như Nghị định 113, Nghị định 191, và Nghị định 15 CP, Nghị định 163, Nghị định 185 và mới nhất là Nghị định 202 của Chính phủ... và 8 thông tư từ các Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình hình sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn tiềm ẩn, gây bức xúc và thiệt hại lớn, chưa được giải quyết thỏa đáng, tình hình ngày càng phát triển tinh vi và phức tạp hơn...

Cụ thể là đã phát triển trong các cơ sở sản xuất phân bón, trong các đại lý kinh doanh phân bón và trong các phòng kiểm định, kiểm nghiệm, bởi lẽ ở đó vẫn còn hệ thống lợi ích nhóm bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ, tham gia tiếp tay cho gian thương

"Các thành phần này được xem như quả bom nổ chậm phá hoại nghị định, thông tư, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân", hiệp hội nhận định.

Theo số liệu điều tra những năm qua, cả nước có hàng loạt công ty, tổ hợp sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Cụ thể như: Công ty TNHH Việt Nam (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bìNPK hàm lượng dinh dưỡng 53%, tuy nhiên kiểm tra tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%.

Hay Công ty CP Quốc tế Đông Trung (Lâm Đồng), đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53%, tuy nhiên kiểm tra tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 8,2%. Công ty này còn bị cho là có lợi ích nhóm và kiểm tra đến 3 lần mới bắt được quả tang.

Đặc biệt, trường hợp của Công ty CP Đầu tư Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ Việt Pháp Hà Nội, đã phát hiện 600 tấn phân bón NPK có nhiều bao bì giả mạo in tên các công ty phân bón uy tín như của Bình Điền, Phú Mỹ, Lâm Thao, Cà Mau... Theo kết quả giám định mẫu tại Viện khoa học hình sự (Bộ Công an), thành phần chính trong phân bón NPK tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 1,9%, còn lại là bột đá vôi...

Ngoài ra còn nhiều sai phạm đến từ các đơn vị khácnhư: Công ty Đông Hải (Đà Nẵng), Công ty Tân Trường Sinh (Hải Dương), Công ty CP Thuận Phong (Đồng Nai)...

Còn theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), hàng năm sau khi kiểm tra tình hình sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng, kết quả cho thấy bình quân mỗi năm có gần 4.000 vụ vi phạm.

Tuyết Nhung

tuyetnhung