Ăn yến sào như thế nào cho hiệu quả?
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 22:32, 26/05/2015
1. Công dụng của yến sào
Yến sào có giá trị dinh dưỡng cao, gồm hơn 18 loại axit amin cần thiết và 31 nguyên tố quý hiếm, trong đó có những loại axit amin mà cơ thể không tự tổng hợp được. Sản phẩm được sử dụng cho nhiều đối tượng như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh...
Nhờ hàm lượng 50-55% protein cần thiết cho quá trình tăng trường, yến giúp trẻ tăng sức đề kháng, phát triển trí tuệ. Ngoài ra, các thành phần axitsialic, axitaspartic, phenylalamine, lysine, trytophan… có trong yến còn giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, trí não và kích thích hệ tiêu hóa.
Yến sào cũng giúp người già chống lão hóa và bệnh tật; phục hồi sức khỏe; tăng khả năng trao đổi chất; tăng cường miễn dịch; cải thiện chức năng tim và giảm huyết áp… Ngoài ra, yến còn được dùng để bồi bổ người bệnh, giúp người ốm mau hồi phục thể lực.
Yến sào được sử dụng cho nhiều đối tượng như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh...
Việc dùng yến sào liều lượng cao và tần suất dày đặc, do tâm lý nóng lòng muốn yến phát huy tác dụng là một sai lầm. Khi cơ thể hấp thu không hết dưỡng chất có trong yến sẽ gây lãng phí. Ngoài ra, sử dụng yến quá liều lượng còn dễ gây lạnh bụng, tiêu chảy do yến có tính hàn.
2. Dùng đúng đối tượng và liều lượng
Yến sào là thực phẩm bổ dưỡng, tuy nhiên không phải ai ăn cũng tốt và không phải ăn càng nhiều càng tốt. Với từng đối tượng cụ thể, liều lượng yến ăn vào hàng ngày cũng cần có lưu ý nhất định:
Nên dùng tổ yến thường xuyên và đều đặn mỗi ngày với một lượng vừa đủ cho từng người thay vì dùng cách đoạn với liều lượng lớn. Vì yến sào dùng thường xuyên mới mang lại hiệu quả tốt nhất.
Cho người lớn tuổi:
Cháo tổ yến gà xé |
Tháng đầu tiên: mỗi ngày dùng 1 chén khoảng 5gr, nên dùng khoảng 150gr yến/tháng
Tháng thứ 2 trở đi: nên dùng cách ngày 1 lần đều đặn khoảng 6-7gr, nên dùng khoảng 100gr yến/tháng
Cho trẻ em:
Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, hay mắc các bệnh do môi trường thay đổi thì việc dùng yến sào sẽ giúp bé bổ xung thêm nhiều acid amin, canxi, protein và các nguyên tố vi lượng khác có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giúp bé hấp thụ và tiêu hóa tốt hơn qua màng ruột. Bé được dùng tổ yến thường xuyên chóng lớn, tăng cường kích thích sinh trưởng của các tế bào…
Bé dưới 12 tháng tuổi không nên dùng yến sào.
Trẻ em từ 1 đến 3 tuổi: đây là giai đoạn cơ thể bé cần củng cố hệ miễn dịch để tránh các bệnh thông thường như: ho, cảm lạnh, cảm cúm … Trong giai đoạn này bé chỉ nên dùng 50gr yến sào trong 1 tháng và dùng đều mỗi ngày. Tránh cho bé dùng trước khi dùng bữa ăn chính trong ngày, vì vị ngọt của yến sào sẽ làm bé biếng ăn. Nên cho bé ăn thử để tránh trường hợp cơ thể không tiếp nhận yến sào. Nếu bé có dấu hiệu đau bụng thì nên ngừng việc cho bé ăn.
Trẻ em từ 3 đến 10 tuổi: cơ thể trẻ đang trong quá trình phát triển trí tuệ lẫn thể chất, giai đoạn này việc bổ sung dinh dưỡng là điều cần thiết nhất. Nên cho trẻ dùng đều đặn cách ngày 1 lần khoảng 6-7gr/ngày (100gr yến trong 1 tháng).
Phụ nữ mang thai:
Yến sào có thể coi là nguồn dinh dưỡng bổ sung hoàn hảo cho người mẹ và đứa con sắp chào đời, sử dụng tổ yến có thể cung cấp cho cơ thể một lượng dinh dưỡng phong phú, giúp tăng cường sức khỏe cho cả mẹ lẫn bé. Ngoài ra, phụ nữ khi mang thai dùng yến sào sẽ nhanh lấy lại sức khỏe nhờ hoạt chất EGF có trong yến sào. Các bà mẹ nên chú ý cách dùng qua từng giai đoạn phát triển thai nhi như sau:
Mang thai tháng 1 – 3: trong giai đoạn này không nên dùng yến sào.
Mang thai tháng 4 – 7: giai đoạn này hệ thống tiêu hóa thai nhi đã ổn định, hệ thống miễn dịch bắt đầu phát triển nên việc bổ sung nguồn dinh dưỡng lúc này là cần thiết. Các bà mẹ nên dùng đều đặn cách ngày khoảng 7gr yến. Trung bình 1 tháng khoảng 100gr yến.
Mang thai tháng 8,9: giai đoạn này thai nhi đã phát triển đầy đủ, bé dành thời gian phần lớn là để ngủ. Nên trong giai đoạn này, việc bổ sung nhiều nguồn dinh dưỡng là không cần thiết. Các bà mẹ nên giảm liều lượng còn khoảng 5gr yến sào. Nên dùng cách ngày, trung bình 1 tháng khoảng 70gr yến.
Tổ yến chưng gà ác rất tốt cho sức khỏe |
Trong thành phần của yến sào có chứa chất acid syalic có tác dụng hồi phục nhanh cơ thể khi bị tổn thương hồng cầu, một số acid amin có hàm lượng cao như aspartic acid (4,69%), proline (5,27%) giúp phục hồi các tế bào cơ, mô tế bào. Đặc biệt acid syalic và Tyrosine giúp phục hồi nhanh cơ thể bệnh nhân ung thư sau xạ trị, hóa trị, bệnh nhân sau khi mổ (nhất là về phổi, thận). Chính vì thế, việc bổ sung nguồn dinh dưỡng từ yến sào đối với người bệnh là điều rất cần thiết
Người bệnh đang trong giai đoạn điều trị nên dùng đều đặn mỗi ngày 1 chén yến chưng đường phèn, trung bình dùng khoảng 150gr yến sào 1 tháng.
Tuy nhiên, tổ yến không phải là thuốc nên hoàn toàn không có chức năng chữa bệnh như những lời đồn thổi.
Những người muốn tăng cường sức khỏe thì nên bổ sung yến từ từ một cách lâu dài với liều lượng thích hợp khoảng 5gr/ngày là đủ. Cách này vừa đảm bảo cơ thể nhận đủ dinh dưỡng từ yến, vừa hợp lý về kinh tế, không lãng phí nguồn dưỡng chất quý này. Nếu không có nhiều thời gian, có thể dùng các sản phẩm yến sào chế biến sẵn, dĩ nhiên phải lưu ý về hàm lượng tinh chất yến trong mỗi chai – thông thường khoảng 5% là đủ cho cơ thể.
3. Cách chế biến.
Có nhiều cách ăn yến tùy theo thể trạng vào khẩu vị. Nhưng thử học hỏi cách ăn bát trân như vua chúa thời xưa thì có một số cách chế biến sau:
“Yến thả”: Đây là cách “ăn mặn”, dùng như món khai vị trước khi ăn cỗ.Gần giống như ăn xúp trước khi vào tiệc.
Người ta cho tổ yến vào ngâm nước lã, muốn nhanh thì đun nước sôi. Ngâm trong một giờ hay lâu hơn một chút, khi thấy tổ yến bắt đầu “tơi” thì vớt lên, nhặt sạch nếu như có lông chim hoặc các thứ bụi bẩn tỉ như rêu núi bám vào. Sau đó, chọn kéo ra từng sợi yến. Sợi nhỏ, dai, trắng xanh như sợi miếng tàu. Chọn gà giò hay gà mái tơ, nhưng phải là giống gà ri, cắt tiết, làm lông, mổ bụng moi sạch lòng gan ra, mới cho vào nồi nước đun “sủi tăm”, đừng để lửa quá già, thịt chín quắt mất ngon đi. Gà chín tới đem xé từng miếng nhỏ.
Bây giờ mới xếp bát con ra. Nên nhớ là bát con như bát ăn chè. Sợi yến đặt xuống dưới, đưa vào nồi“hấp cách thủy” cho chín, rồi rắc thịt gà xé lên trên. Khi ăn, múc nước dùng thật trong, thật nóng chan vào. Như thế là ăn “yến thả”.
“Tần yến”: Món “tần yến” công đoạn một sơ chế giống như “yến thả” nhưng lại dùng chim câu. Chim phải để nguyên con, vật lông, làm cho hết lông tơ, mổ moi bỏ ruột, rồi cho sợi yến cùng với đậu xanh đãi vỏ, một nhúm nếp hoa vàng, điểm thêm mấy cái tai mộc nhĩ... Sau khi nhồi căng, lấy kim chỉ trắng khâu kín lại và đặt vào chiếc bát canh to, cũng đem “hầm cách thủy” cho thật nhừ.
"Chè yến”: Cũng vậy, yến ngâm tơi nhặt sạch, hấp chín… cũng đều hấp cách thủy, để không bị tiết chất bổ ra ngoài. Xong rồi, đường kính trắng hòa với nước đem đun. Nước đường như thể có thể tạm gọi là trong. Đập lòng trắng trứng cho vào để kết tủa hết tạp chất sau đó dùng khăn sô sạch lọc lại nước đường. Thứ nước đường sau khi lọc trong vắt tựa như pha lê. Lúc ấy lấy lại đun sôi, mới múc vào những chiếc bát, trong lòng đã“giâm” sợi yến.
Chè yến dùng tráng miệng không chỉ bổ mà còn mát dạ. Vì yến có tính “hàn” nên yến tráng miệng nên ăn hơi âm ấm.
"Yến hấp đường phèn”: Đường phèn là chế phẩm từ mật mía mà ra. Phải chọn loại đường phèn trong vắt. Dù cục to hay nhỏ cũng long lanh trong suốt như cục pha lê đập vỡ.
Món này ít cầu kỳ, nhưng cũng không thể bảo là ít công phu. Từng chiếc bát mẫu xinh xinh, lòng men sứ trắng tinh, những cục đường phèn trắng muốt ở dưới, từng sợi yến trắng xanh óng ánh thả lên trên. Đôi khi còn cắt thêm một lát nhân sâm đặt lên trên nữa,vào giữa bát. Cả bát yến giống như một bông hoa trắng, mà cái nhị vàng ngà là lát nhân sâm kia, đưa vào hấp chừng ba chục phút… Món này có thêm nhân sâm, cũng là một vị thuốc đại bổ, tốt cho người dưỡng bệnh, người già…
T.H