Canh cải cá rô: Món bổ dưỡng bỗng trở thành độc hại
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 12:00, 14/04/2015
Canh cải cá rô không chỉ là một món ăn ngon mà còn là một vị thuốc. Tuy nhiên, vẫn cần phải có lưu ý khi ăn món ăn này.
Canh cải cá rô là một món ăn tuy dân dã nhưng rất được yêu thích. Dù trời nắng nóng hay se lạnh, một bát canh cải cá rô rất "đưa cơm".
Canh cải cá rô không chỉ là một món ăn ngon mà còn là một vị thuốc.
Về mặt dinh dưỡng, cá rô có chứa 74,2 g, protein 19,1 g, lipid 5,5 g, tro 1,2 g và các chất khoáng vi lượng như calcium 16,4 mg, phosphor 151,2 mg, Fe 0,25 mg, vitamin B1 (thiamin) 0,01 mg, B2 (riboflavin) 0,1 mg, acid nicotinic 1,9 mg.
Tính ra cứ 100g cá rô cung cấp 126 kcal.
Theo đánh giá của Đông y, thịt cá rô có vị ngọt, tính bình, các tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị.
Cải thường dùng để nấu cá rô là loại cải bẹ xanh, có vị hơi ngăm đắng. Loại cải này có tác dụng thông khí, làm khoai khoái vùng ngực, hông, điều hòa thận khí, trừ đờm, ra mồ hôi.
Thông thường khi nấu canh cải cá rô, người ta thường cho thêm lát gừng để chống tanh, làm tăng hương vị món ăn. Gừng này giúp tiêu thực, làm ấm tỳ vị ra mồ hôi, giải cảm, giải nhiệt, chống nôn...
Tựu chung lại, món canh cải cá rô không chỉ là bát canh xuông mà còn là một bát thuốc có tác dụng bổ khí huyết, ích tỳ vị, tiêu thực, làm ra mồ hôi, giải độc.
Món ăn này rất tốt cho những người khí huyết suy, ăn ngủ kém, suy nhược thần kinh, cơ thể gầy yếu hay bị cảm lạnh, nôn mửa, ho có đờm, táo bón...
Nếu trong người đang có tình trạng sốt thì tuyệt đối không được ăn canh cải cá rô.
Vì sốt làm cơ thể đang bị mất nước, lại ra mồ hôi nhiều. Nếu ăn canh cải cá rô vào càng làm cơ thể ra mồ hôi.
Bình thường thì không sao nhưng khi đang sốt mà ra mồ hôi quá nhiều sẽ khiến tình trạng mất nước trầm trọng, gây nguy hiểm cho cơ thể.
Vậy mới biết, món canh cải cá rô bổ dưỡng như thế, nhưng nếu không biết ăn mà đúng cách, đúng lúc thì sẽ trở thành độc hại.
Theo soha