Cách thức hạn chế dị ứng thuốc

Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 05:31, 25/03/2015

Thuốc được dùng để phòng và điều trị bệnh, nhưng thuốc cũng là tác nhân gây dị ứng (dị ứng nguyên) và được gọi là dị ứng thuốc.
Hầu như tất cả các loại thuốc đều có thể gây dị ứng, tùy thuộc vào cơ địa mẫn cảm của người sử dụng…
Các phản ứng xảy ra do dị ứng thuốc có thể xuất hiện ngay sau khi dùng thuốc hoặc khi dùng thuốc đã lâu ngày và thậm chí sau khi ngưng dùng thuốc. Các phản ứng này có thể xảy ra từ mức độ từ nhẹ đến nặng, trong trường hợp nghiêm trọng như sốc phản vệ có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Yếu tố nguy cơ gây dị ứng thuốc
Do bản chất hóa học của thuốc: Đó là tính kháng nguyên không đồng đều giữa các loại thuốc, do bản chất cấu trúc hóa học, trọng lượng phân tử của thuốc, sự chuyển hóa của thuốc trong cơ thể, sự hình thành các sản phẩm trung gian và sự liên hợp của những sản phẩm này với thành phần protein của cơ thể.
Cơ địa của bệnh nhân: Các yếu tố di truyền, tính đáp ứng miễn dịch của người bệnh có vai trò rất quan trọng trong quá trình xuất hiện các bệnh cảnh lâm sàng của dị ứng thuốc. Vì vậy, khi dùng một thuốc để điều trị có người bị dị ứng, có người không và mức độ xuất hiện dị ứng giữa các cá thể cũng khác nhau (có người chỉ bị dị ứng nhẹ, có người bị nặng).Và cũng tùy thể tạng, có người dùng thuốc trong thời gian dài không sao nhưng đến thời điểm nào đó bỗng dưng lại bị dị ứng.
Dị ứng thuốc còn phụ thuộc vào cách sử dụng thuốc: dùng nhiều lần, dùng không đủ liều, dùng kéo dài, dùng kết hợp nhiều thuốc một lần và đặc biệt việc tự ý dùng thuốc của người dân… sẽ tạo và làm gia tăng nguy cơ dị ứng thuốc.
Ngoài ra dị ứng thuốc còn phụ thuộc vào đường sử dụng thuốc,lứa tuổi... Tình trạng nhiễm khuẩn thường làm tăng khả năng khả năng dị ứng thuốc…
Một số biểu hiện của dị ứng thuốc
Mày đay
Cach thuc han che di ung thuoc-hinh-anh-1
Nổi mày đay
Đây là một biểu hiện thường gặp nhất của dị ứng thuốc với các biểu hiện nóng bừng, râm ran trên da như côn trùng đốt, ngứa (đây là cảm giác khó chịu nhất, xuất hiện sớm, thường làm người bệnh mất ngủ) và xuất hiện những sẩn phù màu hồng nhạt đường kính vài mm đến vài cm, thường là hình tròn, xuất hiện nhiều nơi, có khi tụ thành từng đám, tại những nơi có tổ chức dưới da chắc hơn như lòng bàn tay, bàn chân, đầu… Kèm theo sẩn phù ở da đôi khi có khó thở, đau bụng, đau khớp, chóng mặt, buồn nôn, mót rặn, sốt cao…
Các biểu hiện trên có thể xuất hiện nhanh (sau vài phút) hoặc chậm (sau vài ngày) dùng thuốc. Các loại thuốc đều có thể gây tình trạng mày đay, hay gặp hơn cả là kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, vaccin, huyết thanh, vitamin ….
Mày đay tái phát trong thời gian ngắn, ban vừa mất đi lại xuất hiện trở lại. Nếu tái phát hàng ngày trong thời gian một tháng trở lên là mày đay mãn tính.
Viêm da dị ứng do tiếp xúc
Khi bị phản ứng này, người bệnh có biểu hiện là các mụn nước, kèm theo ngứa và tiến triển theo nhiều giai đoạn. Thời gian mẫn cảm tiềm tàng ít nhất là 5 ngày giữa lần tiếp xúc đầu và lần tiếp xúc thứ hai với dị nguyên. Vùng tổn thương chính là chỗ dị nguyên tiếp xúc với biểu hiện ngứa, đỏ da, sưng nề...
Có rất nhiều loại thuốc khác nhau gây viêm da dị ứng do tiếp xúc như các thuốc dùng ngoài da: Các loại mỡ sulfamid, neomycin, các thuốc sát khuẩn, penicilin, ampicilin, streptomycin, aminazin, các thuốc kháng histamin tổng hợp… Dùng đường uống, tiêm cũng có thể gây viêm da dị ứng do tiếp xúc. Việc ngừng tiếp xúc với các thuốc gây viêm da dị ứng tiếp xúc có thể dẫn đến sự giảm bớt triệu chứng bệnh sau 2 – 3 ngày.
Cách nào hạn chế dị ứng thuốc?
Phù Quincke - một trong những biểu hiện của dị ứng thuốc.
Phù Quincke
Cach thuc han che di ung thuoc-hinh-anh-2
Ảnh minh họa
Phù quincke thường ở mặt gây phù mặt, với biểu hiện mi mắt sưng mọng không mở mắt được, môi sưng to làm khuôn mặt biến dạng. Phù Quincke còn xuất hiện ở cổ, ngực, bụng tạo thành từng mảng lớn nổi gờ trên mặt da, màu trắng hoặc hồng nhạt, rắn chắc, cũng có trường hợp gặp ở phía trong cẳng tay, đùi, bộ phận sinh dục. Ngoài ra, phù nề còn thấy ở niêm mạc đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu.Phù Quincke thanh quản là nguy hiểm nhất, với triệu chứng xuất hiện đầu tiên là nói giọng khàn, ho khan, sau đó thấy khó thở vào, rồi khó thở cả hai thì, vẻ mặt tím tái, hốt hoảng, lo lắng. Trường hợp này phải cấp cứu kịp thời.
Sốc phản vệ
Là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất nếu không được chẩn đoán sớm và xử lý kịp thời. Sốc phản vệ có thể xuất hiện ngay ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc (nếu xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao).Phản ứng dị ứng này có thể xảy ra ở bất kỳ đường dùng nào tiêm, uống, bôi, xông, nhỏ…) nhưng đường tiêm tĩnh mạch là nguy hiểm nhất.
Sốc phản vệ xuất hiện có thể nhẹ với các biểu hiện (đau đầu, chóng mặt, có trường hợp nổi mày đay, mẩn ngứa, phù Quincke, nôn hoặc buồn nôn, đau bụng, đái ỉa không tự chủ, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, khó thở) sau khi dùng thuốc, đến nặng (với biểu hiện hoảng hốt, sợ chết, choáng váng, ngứa ran khắp người, khó thở, co giật, đôi khi hôn mê, đau bụng, da tím tái, niêm mạc nhợt, đồng tử giãn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được). Trường hợp trầm trọng hơn có thể xảy ra ngay trong những giây phút đầu tiên với tốc độ chớp nhoáng. Người bệnh hôn mê, nghẹt thở, da tím tái, mạch, huyết áp không đo được và có thể tử vong…
Tuy nhiên, cần cảnh giác với những dấu hiệu sớm cảnh báo sốc phản vệ như ngứa bàn chân, bàn tay, tê môi và lưỡi, khó thở, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, hốt hoảng…
Hội chứng Lyell và Stevens – Johnson
Hội chứng Lyell còn gọi là hội chứng hoại tử thượng bì nhiễm độc, là tình trạng nhiễm độc da dị ứng nghiêm trọng nhất. Bệnh xuất hiện từ một vài giờ đến 1-2 tuần sau khi dùng thuốc. Người bệnh mệt mỏi rã rời, sốt rất cao, rét run, bàng hoàng, mất ngủ, ngứa khắp người, trên da xuất hiện rất nhiều mảng đỏ, có khi có những ban xuất huyết, một vài ngày sau, lớp thượng bì tách khỏi da, khẽ động vào là có thể tuột ra từng mảng (dấu hiệu Nikolski dương tính). Cùng với viêm loét các hốc tự nhiên là viêm phổi, gan, thận... Người bệnh trong tình trạng nhiễm độc nặng, nhanh dẫn đến tử vong.
Hội chứng Stevens – Johnson (còn gọi là hội chứng viêm loét cấp tính da và niêm mạc do thuốc). Sau khi dùng thuốc vài giờ, đến một hai tuần người bệnh sốt cao, mệt mỏi ngứa khắp người, nổi ban đỏ và bọng nước trên da, viêm loét các hốc tự nhiên (miệng, mắt, mũi, tai, họng, hậu môn, sinh dục), có thể tổn thương gan, thận, thể nặng dễ gây tử vong.
Làm gì để hạn chế?
Dị ứng thuốc là một tai biến, nhiều khi rất nguy hiểm, gây tổn thương ở hầu hết các cơ quan, từ ngoài da đến nội tạng. Việc cấp cứu và điều trị nhiều khi rất phức tạp, kéo dài, tỷ lệ tử vong cao, nhất là đối với các phản ứng tức thì mà bệnh nhân ở xa cơ sở y tế không được cấp cứu kịp thời.
Việc dự phòng dị ứng thuốc không đơn giản, và nhiều khi ngay cả bản thân thày thuốc cũng không thể lường trước được phản ứng của từng bệnh nhân đối với một loại thuốc nào đó. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất tai biến do thuốc (trong đó có dị ứng thuốc), đối với bác sĩ, khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân nên lựa chọn thuốc phải có sẵn trên thị trường, ít tác dụng phụ, phù hợp với điều kiện kinh tế của bệnh nhân và phù hợp với cơ địa người bệnh.
Với người bệnh, khi có bệnh cần phải đi khám để được bác sĩ kê đơn dùng thuốc phù hợp; Không tự ý dùng thuốc điều trị bệnh; Không nên lạm dụng dùng các loại thuốc kháng sinh (vì các tai biến do thuốc thì kháng sinh chiếm tỷ lệ cao nhất). Người bệnh chỉ nên sử dụng các loại thuốc khi biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và đã được cấp visa của Bộ y tế; Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc... Nếu đang dùng một thứ thuốc mà phát hiện bị ngứa, nổi mẩn đỏ, khó thở, phải lập tức ngưng ngay thuốc đó và báo cho thầy thuốc biết.Người đã có tiền sử dị ứng, đặc biệt là bị hen suyễn, phải thận trọng khi dùng thuốc.Nếu đã phát hiện có biểu hiện dị ứng với một loại thuốc nào thì sau này không được dùng loại thuốc đó nữa và khi đi khám chữa bệnh nên báo cho thầy thuốc biết để thầy thuốc tránh cho dùng, sẽ chỉ định loại thuốc khác thay thế.
DS. Hoàng Thu / SKĐS

Một Thế Giới