Đã đến lúc cầu thủ cần dinh dưỡng chuyên nghiệp
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 15:24, 21/02/2014
Là người lên thực đơn cho đội tuyển U19, bác sĩ Nguyệt đã theo sát và ấn tượng với thực đơn ăn uống của các đội khách mời, trong đó có đối thủ As Roma.
“Tôi thấy As Roma thực sự chuyên nghiệp khi trước ngày khai mạc giải một tuần, bác sĩ dinh dưỡng của họ đã gửi thực đơn cho ban tổ chức chi tiết đến từng bữa, từng ngày”, bà Nguyệt nói. Trong thực đơn đó, những yêu cầu về nguyên liệu hết sức nghiêm ngặt, thực phẩm phải tươi ngon, phải có nguồn gốc rõ ràng, có các chứng nhận an toàn thực phẩm.
Về khẩu phần, thực phẩm của họ được cân đong trước khi nấu, thậm chí từng lát thịt cá, lát bánh mì cũng được quy định trọng lượng. Bữa sáng, bữa ăn trước trận đấu, sau trận đấu đều được thiết kế chi tiết. Thành phần các bữa ăn luôn được yêu cầu có rau củ luộc, trái cây tươi và các loại hạt rất tốt cho sức khỏe, cho tim mạch như hạt điều, hạt phỉ, hạt óc chó, hạt hạnh nhân...
Sở dĩ họ chặt chẽ như vậy và bắt phải đo lường thực phẩm trước khi nấu để cầu thủ có thể tự kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể đủ hay dư, bác sĩ giải thích. “Và mỗi cầu thủ của họ phải tự giác nạp đủ lượng thức ăn đúng theo đúng nhu cầu của cơ thể”, bà nói.
Khán giả tại sân đã chứng kiến As Roma đã có sự vượt trội về thể lực không chỉ ở chiều cao mà còn ở sức bền trong quá trình tham gia thi đấu.
Điều U19 cần để ra biển lớn
Gần 100% học viên của học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG thiếu kiến thức về dinh dưỡng trong thể thao nhà nghề, theo khảo sát nhanh do các chuyên gia dinh dưỡng của công ty Nutifood và Trung tâm dinh dưỡng Tp.HCM thực hiện.
Trong 78 cầu thủ, 100% các em có chiều cao dưới trung bình theo chuẩn mà của Tổ chức y tế thế giới đưa ra, 3 cầu thủ thấp còi suy dinh dưỡng, ảnh hưởng thể lực của mỗi người.
Trên sân cỏ vừa qua, các chàng trai U19 Việt Nam thấp hơn đối thủ nhiều. Và sau cuộc đọ sức 90 phút, nhiều “chiến binh” kiệt sức nằm ngay ra sân, dù kỹ thuật rất tốt.
Ông giải thích, dinh dưỡng chuyên nghiệp có nghĩa là ăn không phải theo thói quen, ăn không phải chỉ vì ngon mà ăn cũng là một cách tập luyện, phải rất nghiêm túc khi thực hiện và có mục tiêu rõ ràng, để gặt hái được nhiều thành công.
Nhưng ý thức dinh dưỡng với vận động viên nhà nghề trong nước còn là chuyện mới, chưa quen.
Học ăn uống chuyên nghiệp
Các cầu thủ học cách thiết kế thực đơn chuyên nghiệp với bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp. |
Bên cạnh đó, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM cũng được mời đến chia sẻ kiến thức, cùng đưa ra một thực đơn ước lượng để khi ra nước ngoài các cầu thủ có thể hình dung được mình ăn bao nhiêu và ăn những thực phẩm như thế nào là đủ nhu cầu.
Trong khi đó, lực sĩ Phạm Văn Mách chia sẻ bài học thực tiễn về ý chí để tuân thủ chế độ dinh dưỡng để trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
Có lẽ, đã đến lúc các cầu thủ của Việt Nam cũng phải học theo đội bạn để mỗi chuyến đi tập huấn hay đi thi đấu ở nước ngoài sẽ không phải khệ nệ xách mì gói theo nữa.