Lạp xưởng, ăn sao cho đúng?
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 15:04, 19/01/2014
Lạp xưởng là một loại thức ăn có khá nhiều nguy cơ cho sức khoẻ. Đa số lạp xưởng được làm từ thịt heo, với phụ liệu là mỡ heo, ruột heo... (thời gian sau có một số lạp xưởng được làm từ tôm, thịt gà hay bò), chứa khá nhiều cholesterol và các axít béo no không tốt cho tim mạch và các bệnh liên quan đến chuyển hoá lipit máu nói chung.
Lạp xưởng cũng thường có nhiều muối, nên ảnh hưởng không tốt đến huyết áp. Do phương pháp chế biến và thời gian bảo quản, lạp xưởng thường không còn vitamin nhất là các vitamin tan trong nước, nên ăn nhiều lạp xưởng cũng có thể làm mất cân đối khẩu phần.
Để lạp xưởng có màu đỏ đẹp và bảo quản lâu, người sản xuất phải dùng thêm các phụ gia tạo màu, tạo mùi, chống nấm mốc... và nếu nhà sản xuất sử dụng các loại phụ gia không nằm trong danh mục cho phép thì có thể nguy hiểm cho sức khoẻ, không những tức thì mà còn về lâu dài.
Trong quá trình chế biến, các lò lạp xưởng thủ công thường dùng ánh nắng để làm khô, nếu không che chắn tốt lạp xưởng có thể bị bám bụi, khói, nhiễm vi khuẩn, trứng giun sán...
Ngoài ra, lạp xưởng là thức ăn khô, nên quá trình bảo quản tại gia đình nếu bị ẩm mốc... cũng có thể gây ngộ độc.
Tuy nhiên, lạp xưởng lại là một món ăn được nhiều người ưa thích. Để an toàn cho sức khoẻ nên lưu ý một số vấn đề chung: chọn mua loại lạp xưởng đảm bảo vệ sinh (của các công ty lớn, có uy tín, có đăng ký chất lượng sản phẩm, các thông tin sản phẩm được ghi rõ trên bao bì, được đóng gói cẩn thận, hút chân không để ngăn chặn nấm mốc và vi khuẩn).
Không ăn quá nhiều (lượng đạm trong khẩu phần hàng ngày nếu vào khoảng 150g, và đã ăn ba cây lạp xưởng thì ngày hôm đó không ăn thêm các thức ăn giàu đạm như cá, thịt, trứng...); giảm bớt lượng chất béo no từ các món ăn khác (thức ăn chiên quay, các loại nhiều da, mỡ, phủ tạng động vật, bơ, margarine, shortening...) trong bữa ăn có lạp xưởng; bảo quản tại gia đình trong môi trường khô ráo, mát, tốt nhất là cho vào ngăn mát tủ lạnh; rửa sạch trước khi chế biến.
Cuối cùng: áp dụng các phương pháp chế biến không thêm dầu mỡ như hấp, nướng, bỏ lò... thay vì chiên.
ThS.BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn dinh dưỡng – an toàn thực phẩm, đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM. (Nguồn: sgtt.vn)