Cách cho bé ăn để mau hết bệnh
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 12:26, 29/10/2013
Khi trẻ bị bệnh sẽ rất biếng ăn, kém hấp thu dẫn đến thiếu năng lượng, các chất dinh dưỡng nên có nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao, giảm khả năng đề kháng khiến bệnh lâu khỏi hơn. Do đó, khi trẻ bị bệnh, bố mẹ nên chú ý bổ sung dinh dưỡng là điều rất quan trọng.
Ba nguyên tắc chung cần nhớ
Khi trẻ bị cảm sốt hay bị bất kỳ bệnh nào đó, bố mẹ cũng nên nhớ những nguyên tắc cơ bản sau:
Chia nhỏ bữa ăn
- Đối với trẻ đang bú mẹ hay bú bình: Nên cho trẻ bú nhiều lần trong ngày, kéo dài thời gian bú. Sau 2-3 tiếng mẹ cho bú lại để tiết ra sữa mới. Nếu trẻ khó bú thì có thể vắt sữa ra bình rồi đút cho trẻ uống bằng muỗng nhỏ.
- Đối với trẻ đang ăn dặm hoặc trẻ lớn: Nên chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa ăn nên cách nhau khoảng 2 giờ để trẻ hấp thu tốt hơn.
Bổ sung dầu mỡ
Nhiều bố mẹ thấy con bệnh thường kiêng cho ăn dầu mỡ. Thực tế dầu, mỡ giúp làm tăng năng lượng khẩu phần ăn vì vậy nên bổ sung thêm lượng dầu, mỡ vào bột hoặc canh cho bé.
Bù mất nước
Ngoài ra, khi trẻ bị bệnh thường kèm sốt nên rất dễ mất nước. Bố mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước để bù lại, có thể là nước lọc, nước trái cây, nước canh. Nếu trẻ thiếu nước nhiều có thể cho uống dung dịch bù nước theo chỉ định của bác sĩ.
Dinh dưỡng khi bé bệnh đường hô hấp
- Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ tiêu. Nên tăng thêm 1 bữa/ngày cho đến khi trẻ có dấu hiệu tăng cân trở lại.
- Khi cho trẻ ăn nên để trẻ ngồi thẳng giúp dễ ăn và tránh sặc.
- Khi trẻ ăn bố mẹ nên quan sát có thức ăn nào khiến trẻ bị ho không. Vì có thể có những thức ăn trẻ bị dị ứng, gây ho khiến bệnh lâu khỏi.
- Ngoài ra, bố mẹ nên thường xuyên làm sạch mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý, cho trẻ bú nhiều hơn bình thường và cho uống nhiều nước.
Cách ăn cho trẻ bệnh tiêu chảy
- Trẻ bú mẹ: Tiếp tục cho bú, bú nhiều lần. Cho trẻ uống thêm nước oresol sau khi bú.
- Đối với em bé bú bình: Không pha sữa loãng quá. Uống thêm dung dịch bù nước sau mỗi lần đi tiêu.
- Đối với bé đang ăn dặm: Nên chia nhiều bữa, ít nhất là 6 bữa/ngày. Ăn đủ bốn nhóm thực phẩm (béo, đạm, bột đường, vitamin và khoáng chất).
- Nên chọn thức ăn mềm, dế tiêu, tăng cường những thực phẩm giàu đạm (thịt, cá, trứng, sữa…), giảm chất xơ (ăn ít trái cây, ngũ cốc, rau) để tránh tăng nhu động ruột.
- Không nên cho trẻ uống nước có gas, nhiều đường.
- Khi trẻ hết tiêu chảy nên cho trẻ ăn thêm 1 bữa/ngày cho đến khi trẻ tăng cân lại và giúp phục hồi cơ thể sau khi trẻ bệnh.
- Nếu nghi ngờ trẻ tiêu chảy là do bất dung nạp đường lactose có trong sữa (trẻ có dấu hiệu đi tiêu nhiều hơn sau khi dùng sữa) thì nên đổi sang sữa không chứa lactose. Nếu nghi ngờ do trẻ dị ứng với loại sữa đang dùng thì nên đưa đi khám tại các chuyên khoa về dinh dưỡng.
Thức ăn cho bé bị trào ngược dạ dày thực quản
- Khi bệnh này, trẻ rất dễ bị nôn ói, vậy khi cho trẻ nằm nên kê đầu cao lên khoảng 30 độ so với mặt phẳng.
- Nên làm đặc thức ăn của trẻ bằng cách thêm bột vào sữa hoặc dùng sữa cho trẻ hay bị nôn ói.
- Cần chia nhiều bữa ăn trong ngày.
- Nếu nghi ngờ trẻ nôn ói do dị ứng với sữa đang dùng hay thành phần trong sữa thì nên đưa đi khám ở chuyên khoa dinh dưỡng.
Cách ăn cho trẻ đang táo bón
- Nếu trẻ dưới 6 tháng đang bú mẹ hoàn toàn mà bị táo bón nên cho uống thêm nước.
- Nếu mẹ bị táo bón khi cho con bú cần điều chỉnh chế độ ăn uống của mẹ.
- Cho trẻ ăn nhiều rau xanh và quả chín để bổ sung chất xơ giúp tăng nhu động ruột, có thể thêm chất xơ từ các loại sữa.
- Không ăn nhiều bánh kẹo, nước có gas vì dễ gây đầy hơi, đau bụng.
Hà Lê
Ảnh bìa: Bệnh nhi tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (Ảnh Nghĩa Phạm)