Theo mô hình Nhật Bản, Đồng Tâm Long An chuyển thành CLB Long An

Thể thao - Ngày đăng : 17:30, 03/12/2015

Để chuyển đổi sang mô hình chuyên nghiệp như bóng đá Nhật Bản, CLB Đồng Tâm Long An (ĐTLA) sẽ chủ động 'cắt mác' nhà tài trợ, và lấy tên địa phương làm tên chính cho CLB.

ĐTLA là một thương hiệu lớn của bóng đá VN. Bảng thành tích quốc nội của ĐTLA khá lẫy lừng, trong đó có 2 lần vô địch V-League năm 2005 và 2006; vô địch cúp Quốc gia năm 2005; đoạt siêu cúp quốc gia năm 2006. Cái tên ĐTLA cũng thường được nhắc kèm với tên tuổi của hai nhân vật có tiếng của bóng đá VN là cựu chủ tịch CLB Võ Quốc Thắng và HLV Henrique Calisto người Bồ Đào Nha.

Thế nên người hâm mộ hẳn sẽ không tránh khỏi bị sốc khi lãnh đạo CLB quyết định không giữ lại cái tên đã trở nên rất đỗi thân quen đó. Tuy nhiên, người yêu bóng đá nên mừng cho đội bóng bởi sau khi cắt tên đơn vị tài trợ, CLB Long An sẽ chính thức bước vào một chặng đường mới theo mô hình chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quan trọng là sẽ… kiếm được nhiều tiền hơn.
Theo mo hinh Nhat Ban, Dong Tam Long An chuyen thanh CLB Long An-hinh-anh-1
ĐTLA đang được nhãn hàng Kappa tài trợ trang phục thi đấu trong 2 năm liên tiếp 2016 và 2017 với trị giá hợp đồng 2 tỷ đồng/năm; cùng khoản tiền tài trợ chừng 20 tỷ/năm để gắn tên Cảng Long An trên ngực áo.
Ông Võ Quốc Thắng khẳng định: “Với tư cách là chủ tịch HĐQT công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), sau một vài chuyến khảo sát tại Nhật Bản, tôi đã khuyến khích các CLB tại VN đi theo hướng mà bóng đá Nhật áp dụng bấy lâu nay. Đó là một CLB nên có nhiều doanh nghiệp đồng tài trợ, có thể là 8 đến 10, mà cũng có thể là hàng chục, hàng trăm nhà tài trợ. Trên thế giới, CLB Manchester City hay Arsenal của Anh cũng chọn mô hình tương tự. Với CLB Long An, khi không còn tên Đồng Tâm nữa, thì đội bóng sẽ được tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ khác nhau, chứ không chỉ giới hạn bởi duy nhất một nhà tài trợ. Bóng đá VN đã từng xảy ra  sự cố nhiều đội bóng giải thể khi ông chủ không còn mặn mà. Thế nên nếu có nhiều ông chủ thì điều đó sẽ khó xảy ra, không có ông chủ này, đã có ông chủ khác nuôi đội. Điều đó tạo nên sự vững bền, lâu dài. Đội bóng có thể tồn tại 30 năm, 50 năm, thậm chí là vĩnh viễn”.

Hiện tại, Công ty cổ phần bóng đá Long An đã có 10 sáng lập viên và sẽ sớm ra mắt trong thời gian tới sau khi hoàn thành thủ tục pháp lý và nhận được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh.

Theo ông Võ Quốc Thắng: “Doanh nghiệp nào đóng góp 20% cổ phần sẽ được cầm chịch và ngoài việc phải bảo toàn vốn như VPF, công ty sẽ huy động các nhà tài trợ, các nguồn quảng cáo với số tiền không bó hẹp. Có thể 5, 10 tỉ đồng, mà cũng có thể chỉ... 1 triệu đồng; đội bóng sẽ tiếp nhận hết. Công ty phải hoạt động minh bạch, rõ ràng, có quy chế và do Đại hội cổ đông quyết định. Công tác giám sát hoạt động của CLB Long An sẽ được giao cho một công ty kiểm toán quốc tế”.
Như vậy, nếu theo cách làm của các CLB bóng đá Nhật, thì ông Võ Thời Nhiệm, đương kim chủ tịch CLB, sắp tới có thể… mất chức để nhường cho cổ đông nào có tỷ lệ góp vốn cao nhất. Ông Nhiệm chia sẻ: “Tôi có chút hơi lưu luyến khi nghĩ lại những kỷ niệm, dấu ấn mà ĐTLA để lại. Nhưng đã đến lúc phải biết hy sinh cái tên Đồng Tâm để đội bóng mang đúng nghĩa là tài sản của địa phương, của người dân Long An. Nếu cứ mang mãi tên Đồng Tâm, sẽ rất khó kiếm được nhiều tiền vì nhà tài trợ nào cũng nghĩ, có ông Đồng Tâm ở đó rồi, nhảy vào làm gì!”.
Hiện Công ty cổ phần bóng đá Long An đang nỗ lực kêu gọi các nguồn tài trợ. Càng có được nhiều nguồn tài trợ thì công ty càng lớn mạnh, và đội bóng sẽ càng có chỗ dựa vững chắc về tài chính. Ngoài nuôi đội 1, khoản tiền thu được sẽ còn nuôi cả bóng đá trẻ và đào tạo ra được nhiều cầu thủ giỏi, cung cấp tài năng cho tuyển quốc gia.
Hoàng Anh 
Ảnh: dongtamlongan.com

Một Thế Giới