HLV Miura: “Tôi muốn thắng Thái Lan, nhưng tỉ số 4-0 hay 5-0 là khó...“

Thể thao - Ngày đăng : 16:27, 12/10/2015

Thua có phần tức tưởi 0-1 trên sân Thái ở lượt đi do thua người, HLV Miura tự tin tuyên bố trong buổi họp báo: "Tôi muốn có được chiến thắng trước Thái Lan  nhưng tỷ số 4-0 hay 5-0 là khó..."

Thời HLV Alfred Riedl, ông rất sợ đối đầu với Thái Lan qua lời phát biểu có lúc mang chút sự tức giận (với truyền thông) xen lẫn sợ hãi: “Đội tuyển Thái Lan không có điểm yếu!”. Thế mà lần đầu dẫn dắt đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan ở Tiger Cup 1998 trên sân Hàng Đẫy, thầy trò HLV Riedl đã có chiến thắng oanh liệt đến 3-0 ở bán kết. Một trận thắng làm nức lòng người xem nhưng HLV Riedl sau đó vẫn phải thừa nhận đó là chiến thắng có phần may mắn.

Nghĩ về hai chiến thắng làm “tắt điện” đội tuyển Thái Lan

Đó là hai chiến thắng đi vào lịch sử một tại bán kết Tiger Cup 1998 (thắng 3-0) và một ở chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2008 thời HLV Calisto (thắng 2-1).
Di tim cach thang Thai Lan hop ly nhat-hinh-anh-1
Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup 2008 thời HLV Calisto 

Nếu chiến thắng năm 1998 nhờ yếu tố sân nhà và sự may mắn rất nhiều thì chiến thắng năm 2008 được cả Đông Nam Á ca ngợi là chiến thắng bằng lối chơi thông minh và lòng quả cảm.

HLV phó phụ trách thủ môn Dương Ngọc Hùng tại Tiger Cup 1998 kể lại: “Hồi đấy HLV Riedl rất lo lắng trước trận bán kết gặp Thái Lan. Ông liên tục hỏi anh Tam Lang và tôi về bóng đá Thái và rất đăm chiêu mỗi khi xem băng ghi hình của đội bóng này. Để giải tỏa bài toán tâm lý cho các cầu thủ Việt Nam khi ấy, ông khuyên mọi người đừng xem báo chí phân tích nhiều vì sẽ nặng nề thêm. Ông lo lắng nhưng vẫn cố tạo ra sự thoải mái cho các cầu thủ như được về thăm gia đình vào ngày nghỉ hoặc pha trò nói những chuyện vui trong các buổi tập, các bữa ăn… Cuối cùng khi lên đấu pháp ông cũng rất kỹ trong việc giao việc cụ thể cho từng cá nhân và khoanh vùng những cầu thủ đáng chú ý của Thái Lan…”.

Đó là một trận đấu mà bàn thắng khá sớm của tiền vệ Trương Việt Hoàng đã giải tỏa tâm lý cho toàn đội. Bàn thắng mà Việt Hoàng rất liều lĩnh với cú lao vào sút bóng trước gầm giày của trung vệ đối phương và đã thành công.

Sau bàn thắng đó, Thái Lan dồn lên tấn công dồn dập nhưng thiếu may mắn khi bóng hoặc bị thủ môn Tiến Anh phá ra hoặc sút cận thành mà ra ngoài. Từ đó Thái Lan hứng chịu thêm 2 bàn thua đều từ những pha phản công nhanh một do Hồng Sơn và một do Văn Sỹ Hùng thực hiện.

Nhưng trận thắng 2-1 trên sân Rajamangala (Bangkok) ở AFF Suzuki Cup 2008 mới là chiến thắng đáng tự hào. Thắng ngay tại thánh địa của bóng đá Thái, nơi 6 vạn người Thái Lan từng tự hào với chiến thắng của đội tuyển Thái trước Hàn Quốc ở tứ kết Asian Games 13. Một chiến thắng quả cảm bằng lối chơi thông minh với những pha phản công sắc như dao xuất phát từ một tập thể năng động và gắn kết làm nên bởi HLV Calisto và thế hệ cầu thủ sinh năm 1981-1985.

Thời HLV Miura và nỗi ám ảnh sau trận lượt đi

Năm tháng trước, tại Rajamangala, thầy trò HLV Miura đã thua trong một thế trận tử thủ. Ý đồ kiếm 1 điểm từ sân khách với lối chơi cứng rắn nhằm làm chùn chân các đôi chân kỹ thuật của đội tuyển Thái đã “vỡ” khi Minh Châu nhận thẻ đỏ ở giữa hiệp 2. Trong thế 10 chống 11 đấy, đội tuyển Việt Nam đã thua một bàn từ cú sút xa trong vô số cơ hội mà học trò HLV Kiatisak tạo ra.

Lối chơi đấy khiến HLV Miura bị lên án rất nhiều nhưng ông lại có cái lý riêng của mình khi đặt ra thế trận đấy. Đó là ngăn cản đối phương thực hiện lối đá sở trường và hạn chế việc cầm bóng giữ thế chủ động của đội bóng này. Ông cho rằng mọi việc chỉ thất bại sau khi Minh Châu nhận thẻ đỏ khiến đội tuyển Việt Nam mất người và không thể chống chọi trước sức ép mạnh mẽ.

Cuộc hội ngộ tại Mỹ Đình sẽ khác rất nhiều khi tất cả các quân bài đều đã ngửa. Thái Lan vẫn không thay đổi lối chơi bằng chứng là trong cuộc họp báo sáng 12.10 còn khiêu khích mời đội tuyển Việt Nam chơi đôi công. Tất nhiên đó chỉ là đòn gió bởi đá đôi công với Thái Lan là tự sát. Chắc chắn thầy trò HLV Miura dù kín tiếng nhưng vẫn phải chơi thứ bóng đá như đã từng giăng ra để đối phó với Iraq: Phòng ngự chặt, phản công.

Thái Lan luôn xây dựng lối chơi tấn công mạnh mẽ trong đó có việc sử dụng các hậu vệ chơi dâng cao và đây cũng là một trong những nút thắt giải quyết việc bế tắc bàn thắng của Thái Lan. Tất nhiên càng dâng cao thì sẽ càng hở sườn và vấn đề là đội tuyển Việt Nam sẽ khai thác vào những khoảng trống đấy như thế nào.

Một bàn thắng sớm ở hiệp 1 như Tiger Cup 1998 sẽ là tuyệt vời để tiếp tục tạo ra thế trận có lợi nhưng để có được lối chơi bén và thông minh giống AFF Suzuki Cup 2008 thì mới đủ để làm người Thái sợ hãi.

Rõ ràng là toàn đội Thái Lan đến Mỹ Đình không mang nỗi sợ nào và thay vào đó là sự cao ngạo. Từ sự cao ngạo đấy có thể dẫn đến chủ quan và đấy là một điểm nhấn để thầy trò HLV Miura vốn lặng lẽ lên tiếng bằng hành động.

+ HLV phó Klairung Treejaksung (Thái Lan): “Chúng tôi không gặp khó khăn về áp lực tâm lý. Đội Thái Lan thi đấu với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á luôn bị các đối thủ soi kỹ vì đội nào cũng muốn đánh bại Thái Lan. Vì vậy chúng tôi luôn nhắc cầu thủ của mình phải giữ được sự tỉnh táo và tập trung tốt. Thái Lan luôn thi đấu với tư tưởng chơi tấn công và chúng tôi luôn mời gọi đội tuyển Việt Nam chơi đôi công để có trận đấu đẹp…”.

+ HLV Toshiya Miura (Việt Nam): “Thái Lan và Iraq có cách chơi khác nhau, vì vậy tôi có sự chuẩn bị và cách tiếp cận trận đấu khác nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là giành chiến thắng. Thái Lan nhỉnh hơn đội tuyển Việt Nam vì có nhiều cầu thủ tốt nhưng tôi có mục tiêu cùng đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng trước Thái Lan và gây tiếng vang lớn ở khu vực châu Á. Tôi muốn có được chiến thắng trước Thái Lan  nhưng tỷ số 4-0 hay 5-0 là khó…”.

Huy Hoàng

>> Khi Kiatisak hiểu các cầu thủ Việt Nam rất thích... nhậu!
>> Thông tin nóng về thiệt hại vụ cháy tại khu đô thị Xa La
>> Cô giáo xăm chân bị học sinh mách lên Ban giám hiệu: tôi mê truyện chưởng
>> Vì sao Phó chủ tịch xã cưới vợ 14 tuổi cho con?

Một Thế Giới