HLV Hoàng Anh Tuấn: 'Để thắng Thái Lan phải có nhiều trung tâm như Viettel, PVF, HAGL'
Thể thao - Ngày đăng : 06:56, 05/09/2015
HLV Hoàng Anh Tuấn đã không giấu được nỗi buồn sau thất bại 0-6 của U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan. Ông khẳng định ĐT U19 và nền bóng đá Việt Nam còn phải học hỏi rất nhiều nếu muốn vượt qua đối thủ Thái Lan trong tương lai.
Thất bại trước U19 Thái Lan ở chung kết là trận thua thứ ba liên tiếp trong 3 năm, là lần thứ tư trong 5 năm, U19 Việt Nam phải nhận HCB ở lịch sử tham dự giải U19 Đông Nam Á. Nhưng đó là một thất bại hoàn toàn đúng khi người Thái đã tỏ ra quá mạnh, quá vượt trội so với U19 Việt Nam.
Ông Hoàng Anh Tuấn thừa nhận: “Tâm lý thi đấu của các cầu thủ U19 Việt Nam là không tốt. Sau bàn thua thứ 2, U19 Việt Nam đã bị vỡ trận. Chúng ta sẽ còn rút ra được rất nhiều bài học từ chuyên môn tới tâm lý tới công tác chuẩn bị sau thất bại này. Hãy nhìn lứa cầu thủ U19 Thái Lan này, họ đã được đầu tư rất bài bản, rất tốt suốt thời gian qua”.
Đúng như ông Tuấn đã nói, bàn thắng ở phút 56 của Suksan cho U19 Thái Lan là bước ngoặt khiến thế trận thay đổi và đẩy U19 Việt Nam vào thảm bại. Trong 90 phút thi đấu, đội bóng của chúng ta để thủng lưới tới 6 bàn. Đây cũng là thất bại đậm nhất của U19 Việt Nam trong lịch sử dự các trận chung kết. Đau lòng hơn, đây là trận chung kết có tỉ số chênh lệch lớn nhất trong lịch sử 13 trận chung kết của giải đấu.
Lứa U19 Thái Lan cũng là một đội bóng có kinh nghiệm và trình độ vượt trội so với U19 Việt Nam. Nhìn U19 Thái Lan chơi bóng, chúng ta thấy phảng phất hình bóng của ĐT Thái Lan: kỹ thuật, nhuần nhuyễn cả trong cự ly ngắn và dài, đơn giản, chính xác và hiệu quả.
Tư tưởng xây dựng lối chơi đồng bộ cho nền bóng đá Thái Lan rõ ràng đang mang tới những thành công. Từ U19 tới U23, từ ĐT Olympic cho tới ĐTQG, Thái Lan đang xây dựng được một môi trường đồng bộ rất tốt, qua đó, rút ngắn rất nhiều con đường phát triển của những cầu thủ trẻ.
Thành công ấy tới từ kế hoạch “nhất thể hóa” nền bóng đá của "kiến trúc sư" trưởng Kiatisuk Senamuang. Việc hoạch định một chiến lược thống nhất ấy cũng là mơ ước của nhiều thế hệ người làm bóng đá ở Việt Nam.
Bản thân ông Tuấn cũng phải thừa nhận: “Thái Lan hơn chúng ta về chuyên môn. Đặc biệt là bản lĩnh thi đấu. Chúng ta cần quay lại đào tạo trẻ và làm lại bài bản hơn. Cách khắc phục để Việt Nam thắng Thái là cần có nhiều trung tâm như Viettel, PVF, HAGL”.
Trong một chừng mực nào đó, những mô hình đầu tiên có sự thống nhất về tôn chỉ đào tạo từ đầu tới cuối ở bóng đá Việt Nam đã xuất hiện. PVF, Viettel, HAGL hay trước đó là SLNA và Hà Nội T&T là những điển hình. Tuy cách làm khác nhau, các lò đào tạo này đều đã xây dựng nên hệ thống trẻ với những đặc trưng riêng biệt rất rõ ràng.
Vấn đề của nền bóng đá trong tương lai là phải thống nhất những thế mạnh riêng biệt ấy của từng hệ thống đồng thời cố gắng tìm ra một định hướng đào tạo chung để lắp ghép các mảnh rời rạc ấy với nhau. Khi nền tảng trẻ ấy được định hình, ĐTQG của tương lai mới có cơ hội vươn tầm Đông Nam Á để tiến ra châu lục.
Thất bại trước Thái Lan, một lần nữa (lại một lần nữa), nói với chúng ta về bài học ấy.
Thanh Hà/ Thể thao & Văn hóa