Cách ăn giúp người cao tuổi né bệnh tim mạch

Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 15:00, 06/12/2013

Bệnh tim mạch được gọi là "kẻ giất người thầm lặng", một khi có các vấn đề tim mạch xảy ra chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của người bệnh sẽ bị giảm. Do đó, nên biết cách “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, bằng ăn uống đúng cách.

Nguy cơ: phần lớn do ăn uống

Những người có các yếu tố sau nên đi khám sức khỏe định kỳ để được tầm soát và phát hiện bệnh sớm:
  • Tuổi tác:  Càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao
  • Giới tính: Nam chiếm tỉ lệ cao hơn nữ. Tuy nhiên khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh thì tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ lại tương đương nhau.
  • Di truyền.
  • Tăng cholesterol máu.
  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường.
  • Béo bụng.
  • Hút thuốc lá.
  • Lối sống tĩnh, ít vận động.
  • Thường xuyên bị stress, trầm cảm

Ngoài lý do khách quan như di truyền, giới tính và tuổi tác, các yếu tố còn lại do cách ăn và lối sống. Vì vậy, điều chỉnh thực đơn và năng vận động đúng cách sẽ giúp nhiều cho người cao tuổi tránh bệnh tim mạch.

Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý
Biện pháp phòng chống bệnh tim mạch hiệu quả nhất chính là xây dựng chế độ ăn hợp lý, tập thể dục đều đặn, ngưng hút thuốc, giảm cân với những người bị thừa cân béo phì.
  1. Ăn đủ theo nhu cầu, dựa vào mức độ hoạt động thể lực để tránh bị thừa cân béo phì.
  2. Chú ý các loại rau quả tươi là những thực phẩm ít năng lượng, cung cấp vitamin và những chất chống oxy hóa giúp phòng ngừa các bệnh mãn tính như ung thư, đái tháo đường, xơ vữa động mạch là những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Ngoài ra, ăn nhiều các loại rau quả còn giúp ăn ít những thực phẩm có chứa nhiều chất béo và các loại thức ăn nhanh.
  3. Hạn chế các thực phẩm nhiều béo bão hoà và cholesterol: Mỡ động vật (trừ mỡ cá), da heo, da gà, lòng phủ tạng động vật. N có thói quen sử dụng các loại dầu thực vật.
  4. Giảm một phần đạm động vật thay bằng đạm thực vật như đậu hủ, đậu nành, đậu xanh, đậu đen.. Thực đơn nên có cá ít nhất 2 lần/tuần, cá chứa nhiều chất béo không no và là nguồn đạm dễ tiêu hoá phù hợp với người lớn tuổi. Hạn chế các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, gà rán, lạp sườn, thịt hộp.
  5. Giảm thói quen ăn mặn. Không ăn muối quá 5g/ ngày, giảm sử dụng các thực phẩm ẩn chứa nhiều muối như cà, dưa muối chua, tương, chao, mắm, cá khô, thịt cá kho mặn, giảm sử dụng  các loại nước chấm, muối nêm thêm trên bàn ăn.

Ngoài ra, nên tập thể dục đều đặn, mỗi ngày trung bình khoảng 30 phút và hầu hết các ngày trong tuần. Loại hình thể dục tuỳ theo tình trạng sức khoẻ, loại hình phù hợp nhất là đi bộ mức độ vừa phải, chạy xe đạp chậm, hoặc bơi lội... Có thể tư vấn thêm loại hình thể dục từ các thầy thuốc chuyên khoa.

Hà Lê ghi (Theo BS.CK1 Nguyễn Thị Ánh Vân, Phó khoa Dinh dưỡng Lâm sàng, Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM).

Một Thế Giới