Hoa anh đào, loài hoa mang linh hồn võ sĩ đạo
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 18:20, 04/03/2016
Người Nhật Bản có câu nói bất hủ: “nếu là hoa, xin làm hoa anh đào. Nếu là người, xin làm một võ sĩ đạo” (a flower is a cherry blossom, a person is a samurai). Điều đó phần nào nói lên sự cao quý của hoa và lòng ngưỡng mộ dành cho quốc hoa của Nhật Bản.
Hoa anh đào cũng được người Nhật Bản coi là biểu tượng của sự vô thường (mujō), vô ngã (muga) trong cuộc đời. Hoa anh đào được coi là biểu tượng của sức sống, của tình yêu, của ý chí mãnh liệt và sự thăng hoa tuyệt diệu của đời sống tinh thần. Mặc dù hoa anh đào có mặt nhiều nơi trên thế giới, nhưng Nhật Bản là một đất nước được coi là xứ sở của hoa anh đào.
Và hoa anh đào Nhật Bản (Sakura - no - hana) trở thành biểu tượng của xứ mặt trời mọc. Sakura viết theo chữ Hán Việt được gọi là cây Anh (theo tự điển Hán Việt của Thiều Chửu). Chữ Anh bao gồm chữ Mộc (cây) bên trái + 2 chữ Bối (quý giá) bên trên + chữ Nữ (thiếu nữ) ở dưới chữ Bối và ngồi dựa vào chữ Mộc. Chữ viết nêu ra một khái niệm về cây Anh đào, cây được xem như là loại cây quý với hình ảnh nhẹ nhàng của người con gái đứng tựa bên cây.
Sức sống mãnh liệt của hoa anh đào
Hoa anh đào có màu từ trắng toát đến đỏ sẫm. Một điều đặc biệt là hoa xuất hiện trước khi có lá và màu lá anh đào cũng khác nhau tùy từng cây. Sức sống mãnh liệt và kiên cường của hoa anh đào làm cho người ta từ ngạc nhiên đến ngưỡng mộ. Những cành hoa tưởng chừng yếu đuối mảnh mai đó lại chịu được nhiệt độ -10oC. Hoa nở rộ tươi thắm, tràn đầy sinh lực trong khi thời tiết lại rét như muốn cắt da. Có những năm thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ hạ xuống thấp hơn nữa mà hoa đã nở rộ thì một điều bất ngờ kỳ diệu đã xảy ra: chính những cành hoa đã nở đó tự cuốn tròn lại như những nụ hoa chưa nở để rồi sau đó sẽ trả lại sắc màu rực rỡ cho đất trời. Đó là một sự tự điều chỉnh thú vị, khó có thể tìm thấy ở những loài cây khác. Khi anh đào ra lá, có những cây ban đầu lá ửng nâu, có cây lá màu hồng nhạt, có cây lá màu lục nhạt pha vàng…
Hoa đào Tây Bắc (Việt Nam) - Ảnh: Internet |
Lá mỏng, nhẵn, hình trái xoan hoặc thuôn ngọn giáo, tròn hay hơi thon hẹp lại ở gốc, mép lá có răng cưa. Từ thế kỷ thứ VIII, Hoàng đế Nhật Bản đã ra lệnh trồng nhiều loại anh đào rất đẹp. Vào thế kỷ XVII, Đại Công tước Hideyoshi cho tổ chức những Hội thưởng hoa tại vùng núi Yoshino. Mỗi loài hoa đều có bảng tên kèm theo danh sách những người đến thưởng lãm vẻ đẹp tuyệt vời và thánh thiện của những đám mây hoa (hoa vân - Hana no kumo). Hoa anh đào có ý nghĩa rất đặc biệt đối với người Nhật Bản. Vào khoảng thời gian cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 hàng năm khi hoa anh đào nở, người dân Nhật Bản tổ chức lễ hội, cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp từ những cành hoa, những đóa hoa tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng.
Nhiều người cho rằng, dường như phong tục ngắm hoa anh đào bắt nguồn từ một lễ hội tôn giáo của nhà nông, được tổ chức từ 3/3 đến 8/4, trước khi công việc đồng áng của một năm bắt đầu. Người nông dân cắt cành hoa anh đào trên núi và mang về treo lên hiên nhà, sau đó tổ chức tiệc của làng. Ở Nhật Bản, ngày tựu trường mỗi năm học thường vào đầu tháng 4, là lúc hoa anh đào nở rộ. Vì vậy, người Nhật Bản gọi bạn đồng song là “bạn cùng mùa hoa anh đào” (dōki no sakura). Hoa anh đào chóng tàn, những đóa hoa rơi rụng trong khi đang còn tươi thắm.
Người võ sĩ đạo Nhật Bản (Samurai) đã chọn hai thanh kiếm và hoa anh đào làm biểu tượng, bởi họ đã tự nguyện một đời hiến thân cho chủ tướng của mình, chiến đấu và hy sinh một cách cao đẹp, không sợ hãi, giống như cánh hoa anh đào luôn sẵn sàng rơi rụng trong làn gió nhẹ và bình yên trên mặt đất. Ngày nay, những thắng cảnh của hoa anh đào được chăm sóc đặc biệt và được pháp luật bảo vệ. Người Nhật Bản coi đó là tài sản của quốc gia. Họ đã tạo ra mối giao lưu văn hóa rất đặc thù, bằng những cành hoa anh đào. Những cây hoa anh đào đem tặng được xem như biểu tượng cho mối quan hệ hòa bình, hữu nghị của Nhật Bản với các nước khác trên thế giới.
Ở Hoa Kỳ, Lễ hội Hoa anh đào quốc gia được tổ chức vào mùa xuân hàng năm tại Thủ đô Washington D.C. Lễ hội này nhằm tưởng nhớ đến ngày 27.3.1912, Thị trưởng Tokyo Yukio Ozaki gửi tặng những cây hoa anh đào đến thành phố Washington D.C, một món quà của tình hữu nghị Nhật - Mỹ. Lễ hội kéo dài 2 tuần với rất nhiều hoạt động văn hóa và giải trí.
Những công dụng độc đáo từ cây Anh Đào
Có khoảng 300 loại hoa anh đào. Trong đó, phổ biến nhất Anh đào núi (yama - sakura) có ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản. Anh đào núi còn có một loại khác là Hồng sơn đào (beni - yama - sakura), có đặc điểm là các bẹ hoa, bẹ lá dính liền nhau rất kỳ lạ, còn vỏ cây đượm màu nâu sậm, chủ yếu ở miền Trung và miền Bắc Nhật Bản. Loại anh đào do người trồng được gọi là Lý đào (sato - sakura). Các loại quen thuộc nhất là Nhất dạng (ichiyo), Hoàn toàn (kanzan) và Phổ Hiền tượng (fugenzô). Người ta thích loại thứ nhất vì mùa xuân càng đi tới thì màu hồng của hoa càng chuyển dần ra sắc trắng. Loại thứ hai có cành rũ xuống, từ giữa đóa hoa ló ra hai lá xanh nhỏ, trông thật thanh nhã.
Anh đào Nhiễm cát dã (somei - yoshino) là loại mới có, được trồng trong các công viên và dọc các bờ sông. Những cây anh đào có tên Tiết phân điểm hay Bỉ ngạn (hizan - sakura) thường thấy xung quanh các đền chùa với những cành cây rũ xuống tuyệt đẹp và cổ kính trầm tư. Ngoài ra còn có anh đào Phú Sĩ (fuzi - sakura) mọc triền núi Phú Sĩ; loại anh đào Trường Chỉ (choshi - sakura) có mép lá răng cưa và đài hoa hình cái đinh; loại anh đào mùa đông hoa đỏ và loại anh đào tứ quý ra hoa nhiều lần trong năm. Không chỉ là quốc hoa của xứ Phù Tang, hoa anh đào còn được sử dụng trong ngành ẩm thực để tạo nên hương vị độc đáo và tăng thêm vẻ đẹp cho món ăn. Sakura Tea là loại trà truyền thống của Nhật, thường được pha từ cánh hoa ướp muối để giữ nguyên màu sắc và hương vị.
Sakura Mochi là món bánh không thể thiếu mỗi mùa hoa anh đào nở. Người ta thường nướng hoa anh đào thành những miếng bánh bích quy bé nhỏ, ăn giòn rụm, tan nhanh trong miệng, ngập tràn sảng khoái. Thậm chí, hoa anh đào còn được dùng trong món cà-ri của người Nhật. Ở nhiều vùng núi cao của Hymalaya, Tây Tạng, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, cũng có một số loài anh đào được thu hái quả hạt làm thuốc. Cây có quả từ tháng 2 đến tháng 4, 5. Quả có vỏ khá dày, thịt đỏ, mọng nước, ngọt bùi, dễ chịu, có thể ăn được và chế biến làm rượu uống. Ở Việt Nam, người ta chế rượu anh đào từ quả của loại cây anh đào thấy trên vùng Đà Lạt, Lâm Đồng (tên khoa học Prunus cerasoides D. Don), thuộc họ Hoa hồng - Rosaceae. Nhân hạt anh đào được dùng làm thuốc trị sỏi đường tiết niệu, trị nóng nhiệt sinh ngứa lở. Có nơi dùng lá và rễ cây anh đào rửa thật sạch, đắp chữa vết thương rắn rết cắn. Hiện nay, anh đào Nhật Bản đang được di thực trồng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Không chỉ con người yêu thích loài hoa quý giá, có sức sống mãnh liệt này mà đến các loài ong bướm cũng rất thích hương mật từ nhụy của hoa anh đào. Khi đến mùa hoa anh đào nở, dù tiết trời lạnh cóng, người ta vẫn thấy những đàn ong thợ tìm đến với hoa anh đào, cần mẫn siêng năng hút mật để tạo ra một nguồn dinh dưỡng và dược phẩm tuyệt hảo dâng tặng cho đời.
Lương Y Đinh Công Bảy / Duyên dáng Việt Nam