Chợ “ẩu đả” cầu may xứ Thanh thu hút hàng nghìn người tham dự
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:15, 14/02/2016
Câu “Tết bỏ con bỏ cháu chứ không ai bỏ mùng sáu chợ Chuộng” đã nằm lòng với người dân nơi đây, dù không mấy ai biết lịch sử hội ném nhau cầu may chợ Chuộng hình thành khi nào. Riêng câu truyền miệng trên cũng đủ thể hiện tầm quan trọng của chợ Chuộng đối với tâm thức của người dân vùng này.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, một cao niên tại địa phương, trước đây chợ Chuộng còn có tên là chợ Choảng. Người dân cho rằng chợ Choảng là nơi giải quyết mâu thuẫn, ân oán, hiềm khích với nhau trong năm cũ để bắt tay hướng tới năm mới hòa bình, hữu hảo. Theo bà con, năm nào có xảy ra ẩu đả càng lớn thì năm đó có nhiều may mắn.
Vì lẽ đó, du khách thập phương đến với chợ Chuộng không chỉ là để mua bán cầu may, hẹn hò, giao lưu gặp gỡ mà còn muốn tham gia vào không khí “ẩu đả” bằng những “vũ khí” là cà chua chín và trứng gà. Những màn ném cà chua chủ yếu xảy ra ở những nhóm nam nữ muốn bày tỏ tình cảm với nhau.
Ngoài ra, chợ Chuộng còn là không gian gặp gỡ, hẹn hò của thanh niên đến tuổi cập kê. Theo nhiều người dân, chợ Chuộng là nơi nên duyên của không ít nam thanh nữ tú ở địa phương cũng như các huyện lân cận trong tỉnh. Cho nên mỗi năm đến hội thường rất đông, chủ yếu là thanh niên.
Một số năm trước, bên cạnh việc ẩu đả lấy may thì không ít trường hợp ẩu đả thật đã xảy ra. Nhiều thanh niên dùng ổi, đá, vật cứng…ném vào nhau thay vì cà chua chín và trứng gà. Vài năm gần đây, tình hình diễn biến tai chợ Chuộng đã được cải thiện hơn rất nhiều khi không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra.
Sau đây là một số hình ảnh tại chợ phiên độc đáo bậc nhất xứ Thanh này:
Một góc chợ Chuộng |
Người dân bán hàng lấy may đầu năm |
Mặt hàng màu đỏ được ưa chuộng hơn cả |
Không khí trên đê cũng hết sức sôi nổi và được đảm bảo an ninh chặt chẽ |
Phiên chợ diễn ra cả ở dưới sông |
Nam thanh nữ tú là thành phần chính của phiên chợ |