Xuân về nói chuyện nét đẹp tà áo dài dân tộc
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 18:00, 01/02/2016
Trải qua những biến động của lịch sử, chiếc áo dài có nhiều thay đổi nhưng vẫn giữ nguyên được đặc trưng của người Việt với hai tà áo mềm mại, thướt tha. Đơn giản nhưng trường tồn, đó là lý do để áo dài trở thành quốc phục của Việt Nam. Áo dài còn là một nét văn hóa nói lên nhân sinh quan và gói trọn tinh thần của phụ nữ Việt: dịu dàng, e ấp nhưng tinh tế và quyến rũ.
Những tà áo dài mang hương sắc Việt
Nhiều tài liệu cho rằng, áo dài ra đời từ thế kỷ XVIII, do chúa Nguyễn Vũ Vương ban hành sắc dụ cách tân chiếc áo tứ thân trở thành áo dài có cả hai tà cho đàn ông và đàn bà để tạo bản sắc riêng cho dân tộc và thuận tiện hơn trong lao động. Tuy nhiên, vào giai đoạn 1910-1950 và trước đó, người phụ nữ Việt vẫn còn chịu những khắt khe của xã hội phong kiến nên trang phục chỉ được may rộng, phía trong phải mặc thêm một áo ngắn.
Tầng lớp bình dân thì phải chọn trang phục có màu sắc nhẹ nhàng như hồng nhạt, trắng xám. Chỉ những dịp đặc biệt hay đào hát mới sử dụng màu sắc sặc sỡ cho y phục. Nhà nghèo thì may áo bằng vải còn nhà giàu thì sử dụng tơ, gấm để may. Vào giai đoạn 1930, áo dài thời “Le Mur” có nhiều sự cách tân và thay đổi rõ rệt. “Le Mur” là tên tiếng Pháp của nhà tạo mẫu Cát Tường ở phố Hàng Da, Hà Nội. Nhà tạo mẫu này đã tạo ra bước cải cách quan trọng trên chiếc áo tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt sau và trước. Vạt trước được nối dài chấm đất nhằm tăng thêm dáng vẻ uyển chuyển trong bước đi, đồng thời thân trên được may ôm sát theo những đường cong cơ thể người mặc, tạo nên vẻ yêu kiều và gợi cảm rất độc đáo. Hàng nút phía trước được dịch chuyển sang một chỗ mở áo dọc vai rồi chạy dọc theo một bên sườn.
Áo ngũ thân dành cho tầng lớp giàu có. |
Chính vì sự ảnh hưởng nặng nề của thời Pháp thuộc, nhà tạo mẫu này còn Tây hóa cho chiếc áo dài với những chi tiết mới mẻ, lạ lẫm như cổ áo khoét hình trái tim, gắn nơ, vai áo may phồng... Thêm nữa, áo dài Le Mur mặc cho đúng mốt phải với quần xa-tanh trắng, đi giày cao, một tay cắp ô và quàng vai thêm chiếc bóp đầm. Áo dài Le Mur được nhiều người ưa thích nhưng lại vấp phải cái nhìn không thiện cảm của dư luận về lối tân thời này.
Đến năm 1934, một nhà tạo mẫu khác là Lê Phổ đã bỏ bớt những nét “lai căng” của áo Le Mur, đưa thêm các yếu tố dân tộc từ áo tứ thân, ngũ thân vào, tạo ra một kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt dưới được tự do bay lượn. Sự dung hòa này đưa áo dài Việt Nam đến hình hài chuẩn mực và vẫn được giữ nguyên hình dáng cho đến tận bây giờ.
Vào thập niên 60-70, khi đời sống thẩm mỹ được nâng cao và bắt đầu thoáng hơn, áo dài được nhấn nhá để tăng thêm nét quyến rũ của người mặc. Eo được thắt lại cho thật nhỏ, tà áo rộng, ngực áo nhọn, gấu áo thẳng ngang dài đến gần mắt cá chân giúp người mặc trở nên thon thả, khoe được đường cong. Đây cũng là thời kì đỉnh cao, áo dài trở thành một trang phục không thể thiếu khi ra đường và được biến tấu từ phong cách, màu sắc cũng như hoa văn, chất liệu.
Cũng trong khoảng thập niên 60, áo dài lại một lần nữa gắn với cột mốc mới đó là phong cách áo dài hở cổ do bà Trần Lệ Xuân thiết kế. Thoạt đầu, chiếc áo dài hở cổ vấp phải sự phản đối của nhiều người nhưng sau này nó được khen ngợi và xem như cuộc cải cách mới, làm toát lên vẻ đẹp vừa hiện đại, vừa truyền thống của người phụ nữ. Không những thế, ở Sài Gòn có nhà may Dung Dakao đưa ra kiểu may áo dài với cách ráp tay raglan (giác-lăng). Cách ráp này đã giải quyết được vấn đề khó khăn nhất khi may áo dài, tạo được đường cong vừa khít hơn. Đến gần cuối thập kỷ 60, áo dài mini trở thành thời thượng. Vạt áo may hẹp và ngắn, có khi đến đầu gối, áo may rộng hơn, không chít eo nữa, nhưng vẫn giữ đường lượn theo thân thể.
Và sự đổi mới của “Quốc hồn quốc túy”
Trong tà áo dài, người phụ nữ Việt Nam kín đáo, đoan trang nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp dịu dàng đầy hấp dẫn, thích hợp với nhiều sự kiện, hoàn cảnh, từ trường học đến công sở hay trong các lễ cưới, cuộc thi sắc đẹp và cả những ngày xuân xuống phố… Để có một chiếc áo dài thật đẹp, vừa vặn, người may cần nắm rõ số đo cơ thể của từng người. Áo dài phải được may thủ công và vẻ đẹp của chiếc áo được thể hiện bởi bàn tay thiết kế tinh tế, tỉ mẩn trong từng chi tiết.
Bà Blaga Dimitrova, nữ thi hào Bulgaria nổi tiếng thế giới, ngắm các cô gái Việt trong trang phục áo dài, phải thốt lên: “Bây giờ thì tôi tin, các thiên thần là có thực”. Không chỉ thích tấm áo dài, bà còn yêu cả tấm quần lụa. Khi đi xe máy, đi xe đạp, hay chỉ đơn giản thả bộ trên hè phố, dải quần lụa bay lất phất về phía sau, trông cứ như đôi cánh mỏng, bà Blaga ngỡ ngàng: “Hình như người phụ nữ Việt Nam không đi, mà họ đã bay bằng chân, và bay trên mặt đất”.
Áo dài của Nam Phương hoàng hậu. |
Ngày nay, áo dài có nhiều kiểu dáng, chất liệu cũng như màu sắc nhưng đa phần sẽ được may ôm sát cơ thể để tạo đường cong và tôn dáng cho người mặc. Những chi tiết nhỏ, thay đổi trong áo dài thì tùy vào ý thích và ý tưởng của nhà thiết kế, tuy nhiên điều cơ bản nhất là vẫn giữ nguyên được hai tà áo. Sự thay đổi của áo dài còn phải nói đến là loại áo dài cách tân hội nhập với thế giới. Ở trong nước, do sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây, nhiều phụ nữ Việt mặc đồ táo bạo hơn.
Những chiếc áo dài được ra đời với kiểu dáng cách điệu hơn như dạng áo dài hippy, áo dài có hai tà chỉ dài đến đầu gối, phần trên ôm sát, mặc cùng với quần jeans, quần tây Âu và giày cao gót. Ngoài ra, áo dài có loại có phần tà áo dài, rộng, thân trên ôm, sử dụng những loại vải ngoại nhập, chất liệu hoàn toàn mới, được điểm xuyết các hoa văn bằng các nét vẽ thủ công hay thêu hoa văn độc đáo.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện loại áo dài hội nhập, phù hợp với văn hóa của từng đất nước, trở thành một trang phục đa dạng, có tính ứng dụng cao như pha kiểu dáng T-shirt, áo dài pha kiểu kimono... Nhà thiết kế Lê Hoàng từng chia sẻ: “Bản thân trong lịch sử áo dài nó đã không bảo thủ về vẻ đẹp thì huống chi thời đại mới, chúng ta đang hội nhập, đang tiếp thu những nền văn hóa khác nhau, thậm chí là dị biệt ở thế giới. Chúng ta muốn giới thiệu văn hóa của mình ra ngoài thế giới thì chúng ta phải dung hòa được cái của mình và cái của người theo đúng tỉ lệ 50-50.
Nếu chúng ta bảo thủ thì chỉ mang tính địa phương. Mà phải nói thêm, để làm được điều đó, áo dài cần một cuộc cách tân lớn hơn nữa. Những nhà thiết kế không đơn thuần chỉ là một người làm nghề, đem cái đẹp đến với mọi người, phục vụ mọi người mà còn phải mang theo một sứ mạng lớn hơn nữa là thông qua công việc truyền tải, giới thiệu một di sản văn hóa Việt Nam ra với thế giới. Thế thì, cái tâm thế của mình khi làm thiết kế phải là một cái đầu mở và tạo được những ý tưởng sáng tạo không giới hạn, ví dụ đưa tới đối tượng nào thì phải hòa nhập với đối tượng đó. Đó cũng chính là bài toán khó mà các nhà thiết kế phải giải”.
Trà Giang / Duyên dáng Việt Nam