Phạm Hương trắng tay và những quả 'bong bóng' truyền thông
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 05:31, 22/12/2015
Trong một sân chơi quốc tế, điều bất ngờ luôn có thể xảy ra không theo dự đoán, và sự ủng hộ của truyền thông, khán giả không đồng nghĩa với kết quả theo ý họ mà có thể đảo ngược hoàn toàn.
Phạm Thị Hương đã trở thành cái tên có sức hút mạnh trên truyền thông từ cuối tháng 11 cho đến nay khi cô bắt đầu có mặt tại Las Vegas, Mỹ để tham dự Hoa hậu Hoàn vũ 2015. Sức hút này mạnh đến nỗi "nhấn chìm" tất cả những thông tin và hình ảnh về các đại diện Việt Nam khác đang thi đấu cùng thời điểm trên các đấu trường nhan sắc lớn nhỏ khác như Lệ Quyên (Hoa hậu Siêu quốc gia), Hà Thu (Hoa hậu Liên lục địa) và cả Lan Khuê (Hoa hậu Thế giới).
Lượng thông tin về Phạm Hương dồn dập và liên tục đến mức khán giả dễ nhận nhận thấy tên của cô liên tiếp có mặt trên các bài báo hàng ngày dù chỉ là những hoạt động, hình ảnh nhỏ lẻ. Các cuộc thi khác trong cùng thời điểm, dù vẫn có thông tin nhưng lại yếu ớt và kém hấp dẫn hơn hẳn so với những gì liên quan đến Hoa hậu Hoàn vũ 2015.
Trong lịch sử các đại diện Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế, Phạm Hương cũng áp đảo về mặt truyền thông khi chỉ trong hơn 3 tuần thi, facebook của Phạm Hương cũng thu hút gần nửa triệu người theo dõi, từng post của Phạm Hương có khi lên tới hàng chục nghìn lượt likes. Cá biệt, có khi lên tới hơn 100.000 nghìn lượt likes khi Phạm Hương chia sẻ về đêm chung kết không may mắn của mình.
Bên cạnh đó, cộng đồng người hâm mộ Việt Nam cũng góp phần làm hiệu quả truyền thông của Phạm Hương lên cao khi "tấn công" mọi trang mạng, diễn đàn, fanpage có liên quan đến Hoa hậu Hoàn vũ để ủng hộ đại diện Việt Nam. Lượt likes hay vote trên các bảng bình chọn không chính thức đều áp đảo đại diện đến từ các quốc gia khác.
Làn sóng hâm mộ dành cho Phạm Hương không chỉ dừng ở những hoạt động đưa tin, kêu gọi ủng hộ mà từ người hâm mộ cho tới các báo mạng đều phủ sóng các thông tin về phương thức bầu chọn chính thức cho Phạm Hương trong đêm chung kết. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Phạm Hương đã không thể có mặt trong Top 15.
Truyền thông không quyết định hoàn toàn kết quả
Không chỉ đến Hoa hậu Hoàn vũ 2015, mà trước đây, khán giả và giới truyền thông đã từng nhiều lần hụt hẫng với những kết quả chính thức của đại diện Việt Nam tại các cuộc thi Hoa hậu lớn. Kể từ năm 2008 với vị thế chủ nhà, Thùy Lâm có mặt trong Top 15 Hoa hậu Hoàn vũ, đã gần 10 năm qua, Việt Nam chưa có thêm bất cứ một thành tích nào tương tự hoặc cao hơn ở sân chơi hấp dẫn những cũng đầy tính cạnh tranh cao này.
Rất nhiều thí sinh được truyền thông dồn dập ủng hộ và đánh giá cao hầu như đều trắng tay tại các sân chơi lớn trong sự ngỡ ngàng và thất vọng của khán giả nước nhà như Hoàng My, Diễm Hương, Trương Thị May, hay gần nhất là Phạm Hương.
Hình ảnh Hoàng My, Diễm Hương, Trương Thị May trong các mùa thi Hoa hậu Hoàn vũ 2011, 2012 và 2013.
Sức ảnh hưởng của thí sinh về mặt truyền thông không quyết định kết quả của Hoa hậu Hoàn vũ. Tại nhiều quốc gia, việc đi thi đơn thuần là một hoạt động văn hóa thông thường và đánh giá thực lực thí sinh cần sự công bằng. Việc bình chọn nếu được đưa vào cũng đã được cân nhắc và tính toán các yếu tố kỹ thuật nhằm đảo bảo sự công bằng giữa các thí sinh thông qua quy định về vote hay số điểm của các giám khảo chính thức.
Điều cần làm rõ là Top 15 không chỉ được lựa chọn chỉ từ đêm thi bán kết. Có cả một ban giám khảo riêng biệt cùng Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ theo dõi thí sinh trong suốt các tuần thi cùng đưa ra quyết định lựa chọn Top 15 sau đêm bán kết. Điều này luôn được đề cập trước khi các MC công bố Top 15. Nghĩa là, toàn bộ hành trình của thí sinh khi đặt chân đến cuộc thi đã được theo dõi và tính điểm và cùng với kết quả đêm bán kết mới có được kết quả của Top 15. Điều này giải thích lí do vì sao khán giả rất ngỡ ngàng dù trình diễn tốt trong đêm bán kết nhưng Phạm Hương không có tên trong Top 15.
Truyền thông của Phạm Hương trong nước rất tốt và nổi bật, Phạm Hương cũng rất chịu khó đưa tin và hình ảnh trên trang cá nhân để khán giả quan tâm và ủng hộ. Nhưng, khán giả mới chỉ nhìn cuộc thi ở góc độ từ Phạm Hương, trong khi để có Top 15, giám khảo và Ban tổ chức phải đánh giá công bằng toàn bộ 80 thí sinh.
Sư khôn ngoan chi phối quyền lực truyền thông và khán giả
Năm 2015 có thể xem là một năm sôi động của các cuộc thi nhan sắc quốc tế được khán giả Việt Nam quan tâm và chú ý. Trong vòng 3 tháng cuối năm, 5 đại diện Việt Nam được cấp phép chính thức dự thi quốc tế đã làm nức lòng khán giả trong nước với những thành tích đáng tự hào nhất trong suốt lịch sử tham dự sân chơi sắc đẹp lớn. Phạm Hồng Thúy Vân đạt thành tích cao nhất khi trở thành Á hậu 3 của Hoa hậu Quốc tế 2015, Lan Khuê lọt Top 11 Hoa hậu Thế giới, Hà Thu lọt Top 17 của Hoa hậu Liên lục địa và Lệ Quyên dành được giải thưởng phụ về Truyền thông tại Hoa hậu Siêu quốc gia.
Khán giả Việt Nam đã thể hiện rất rõ lực lượng hùng hậu cũng như quyền lực bình chọn không thua kém ngay cả với các quốc gia rất mạnh và yêu thích các cuộc thi Hoa hậu như Venezuela, Philippines,Thái Lan khi góp phần không nhỏ khơi gợi sự đồng lòng của khán giả, người hâm mộ quyết liệt bình chọn đưa Lan Khuê, Hà Thu và Lệ Quyên vào được Top hay đoạt giải thưởng phụ. Dù không đạt thành tích nào tại Hoa hậu Hoàn vũ, truyền thông Việt Nam cũng đã góp phần giúp hình ảnh Phạm Hương lan tỏa rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông, công cụ trực tuyến trong suốt 3 tuần qua, giúp Phạm Hương ghi điểm với khán giả và các bảng bình chọn uy tín.
Thành tích của Lan Khuê, Hà Thu, Lệ Quyên trong các cuộc thi đều đến từ bình chọn của khán giả.
Tuy nhiên, nhìn về tương lai lâu dài, nếu muốn tìm đến những vị trí cao tại các cuộc thi nhan sắc lớn, các đại diện Việt Nam cần phải có thực lực chắc chắn, được học và đào tạo, huấn luyện chuyên sâu cũng như sự chuẩn bị kĩ càng hơn. Thành tích của Lan Khuê, Hà Thu, Lệ Quyên đều đến từ bình chọn của khán giả nên nếu chỉ cần không có phần bình chọn, hoặc thể lệ bình chọn thay đổi, Việt Nam có thể sẽ trắng tay như Phạm Hương nếu thực lực không đủ mạnh để tự cạnh tranh với thí sinh các quốc gia khác.
Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ rất khôn ngoan và thận trọng khi họ cầm chắc trong tay quyết định về kết quả Top 15, không giao quyền cho khán giả như các cuộc thi khác. Trong suốt cuộc thi, một trong các thủ thuật về truyền thông như giao quyền đăng tải nội dung Fanpage cho thí sinh đã hút khán giả như vũ bão làm tăng lượng truy cập và quan tâm của khán giả mạng về cuộc thi. Đó là một cách rất khéo léo và thông minh để họ lấy thêm khán giả về phía mình như đã thấy khi Phạm Hương được quyền đăng tải nội dung.
Ở các cuộc thi, việc lập ra phần bình chọn ngoài mục tiêu chính muốn lấy ý kiến bình chọn của khán giả, nhưng thực chất cũng là chiêu thức về truyền thông quảng bá cuộc thi. Hầu hết các thí sinh đạt giải bình chọn đều không thể tiến sâu vào các vị trí quan trọng trong các cuộc thi.
Sự tung hô quá đà hoặc thông tin từ các bảng xếp hạng chỉ mang tính chất tham khảo. Nếu được biến thành thông tin chính thống ồ ạt có thể không chỉ khiến khán giả, mà thậm chí thí sinh cũng có thể ảo tưởng về bản thân, trong khi quyền quyết định lại thuộc về ban giám khảo và chúng ta không có điều kiện tiếp cận trực tiếp để đánh giá thí sinh một cách khách quan.
Sức mạnh truyền thông sẽ có ý nghĩa toàn vẹn và lớn nhất khi thí sinh Việt Nam đủ mạnh để cạnh tranh với các thí sinh khác. Và khi đó, Việt Nam mới thực sự có thực lực trên bản đồ sắc đẹp thế giới, thay vì truyền thông hay khán giả dùng sức mạnh "vote" như một cứu cánh đưa các thí sinh lọt vào Top và "mất tích" ngay sau đó ở các thứ hạng cao hơn như hiện nay.
Bình Yên/VNN