Sử Tàu, sử Việt với góc quan sát bên ngoài học đường

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 16:07, 24/11/2015

Việc ghép môn Lịch sử vào hai môn Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng thành một môn chung là Công dân với Tổ Quốc.  Trong phạm vi của bài viết ngắn này, người viết chỉ muốn một lần nữa gióng một hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về vấn đề giáo dục lịch sử dân tộc trong xã hội ta ngày nay …

Mấy hôm nay dân chúng lại có dịp được một phen xôn xao bởi những đề xuất “cải cách” của Bộ Giáo dục - Đào tạo … Lần này là việc ghép môn Lịch sử vào hai môn Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng thành một môn chung là Công dân với Tổ Quốc. Vấn đề đúng hay sai, lợi hay hại đã có các chuyên gia về lịch sử và giáo dục sẽ phân tích cặn kẽ để làm việc với Bộ Giáo dục - Đào tạo. Trong phạm vi của bài viết ngắn này, người viết chỉ muốn một lần nữa gióng một hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về vấn đề giáo dục lịch sử dân tộc trong xã hội ta ngày nay …

Nhiệm vụ chính để giáo dục lịch sử dân tộc cho học sinh các cấp tất nhiên là thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục - Đào tạo rồi. Tuy nhiên, học sinh có thể tiếp thu những kiến thức về lịch sử dân tộc thông qua các kênh khác như văn hóa, văn nghệ, sân khấu, phim ảnh, sách báo, phát thanh truyền hình … Đối với những lĩnh vực này thì việc tiếp thu từ công chúng đôi khi còn dễ dàng và nhanh chóng hơn việc học bài bản trên lớp. Vậy hãy xem suốt mấy chục năm qua sự quan tâm của chúng ta đối với việc tuyên truyền giáo dục lịch sử dân tộc trong những lĩnh vực này như thế nào và kết quả ra sao ?

Những câu chuyện kiếm hiệp mô phỏng lịch sử Trung Quốc hoàn toàn áp đảo những câu chuyện về lịch sử dân tộc Việt Nam trong lĩnh vực tiểu thuyết, sách báo. Những bộ phim Hàn Quốc, Hồng Kông, Trung Quốc hoàn toàn chiếm lĩnh các kênh truyền hình trong nước vào bất cứ giờ nào trong ngày. Những bộ phim về lịch sử của điện ảnh và truyền hình Việt Nam gần như “mất tích”, không được quan tâm và đầu tư sản xuất. Thế mới có tình trạng thật chua xót rằng học sinh bây giờ thuộc tên các nhân vật lịch sử Trung Quốc còn hơn các nhân vật thuộc hàng Tổ Tiên của dân tộc Việt Nam !!! Ở một khía cạnh khác, đi ngoài đường nhìn những bảng tên đường mới mà đôi khi bản thân người viết cũng không biết những nhân vật được đặt tên đường là ai, xuất thân từ đâu, có công trạng gì với đất nước ??? Lẽ ra công chúng phải được “giới thiệu” vài dòng về họ chứ …

Để những kiến thức, những câu chuyện về lịch sử dân tộc thực sự đi vào lòng người là một vấn đề không dễ nhưng thật sự cũng không khó. Cái khó ở đây là những người làm công tác có liên quan đến việc tuyên truyền và giáo dục lịch sử dân tộc có muốn làm hay không mà thôi … Nếu như họ không yêu lịch sử, hoặc tình yêu lịch sử, tình yêu giống nòi của họ không đủ lớn, không đủ mạnh thì họ khó có thể sản sinh ra những phương án thực sự hiểu quả để gìn giữ môn lịch sử dân tộc không bị mai một hay triệt tiêu trong đầu của thế hệ trẻ ngày nay. Rất nhiều học sinh bây giờ phàn nàn rằng học sử chán quá, học sử buồn ngủ quá ! Một điều hết sức vô lý và không thể chấp nhận được khi những trang sử của dân tộc ta thực tế thật hào hùng, thật hấp dẫn không thua kém lịch sử của bất kỳ một đất nước hùng mạnh nào trên thế giới ! Những câu chuyện như Trần Quang Khải và Trần Hưng Đạo dẹp bỏ thù riêng để cùng nhau đoàn kết chống giặc ngoại xâm, câu chuyện cảm động Lê Lai cứu Chúa, bài học giữ nước qua câu chuyện nỏ Thần của An Dương Vương, câu chuyện Trần Bình Trọng với câu nói bất hủ “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, hình ảnh Hai Bà Trưng và Triệu Thị Trinh nêu cao khí phách anh hùng của phụ nữ Việt Nam, câu chuyện Ngô Quyền với trận Bạch Đằng Giang lừng lẫy, câu chuyện Quang Trung đại phá giặc Mãn Thanh để giữ yên bờ cõi non sông, và có ai biết rằng Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp đã được liệt vào hàng ngũ của những danh tướng kiệt xuất nhất trong lịch sử thế giới với những công trạng lẫy lừng năm châu bốn bể … và … Những câu chuyện vừa mang tính giáo dục cao, vừa mang tính hấp dẫn, hào hùng thu hút người nghe như thế mà nếu học sinh bây giờ cảm thấy chán môn lịch sử thì quả thật là khó hiểu và phải chăng lỗi thuộc về những người lớn ??! Nhưng làm thế nào để khắc phục vấn đề này ? Người viết tin rằng những người có trách nhiệm hoàn toàn biết cách làm vì bản thân họ cũng đều là những vị giáo sư, những vị tiến sĩ hàng đầu quốc gia … Tất nhiên, sẽ có vô vàn những lý do theo kiểu “tại bị thì là mà” để lý giải cho thực trạng xuống cấp của bộ môn lịch sử nhưng dân chúng chẳng cần biết lý do, chẳng cần biết các vị làm như thế nào … Họ chỉ nhìn vào “thành quả” để phán xét mà thôi … Và lịch sử cũng vậy, cho dù nó có bị ghép hay không bị ghép với môn này môn kia thì nhiệm vụ của nó vẫn là ghi chép cả những cái tốt lẫn cái xấu của đời này để lưu truyền lại cho những đời sau …

Ngày 15 tháng 11 năm 2015

KTS. Trần Phụng Tiên Phuông


Một Thế Giới