Ngán ngẩm với món “cháo thập cẩm” truyền hình thực tế
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:00, 04/11/2015
Các chương trình truyền hình thực tế xuất hiện dày đặc, trở nên "loãng" hơn bao giờ hết khiến khán giả chán ngán. |
Bên cạnh các chương trình đã có thâm niên như: Siêu mẫu Việt Nam (Vietnam’s Next Top Model); Thần tượng âm nhạc Việt Nam (Vietnam Idol); Giọng hát Việt (The Voice); Tôi là người chiến thắng (The Winner Is)... Thời gian gần đây, một loạt các chương trình truyền hình thực tế mới lại xuất hiện như: Ca sĩ giấu mặt, Bước nhảy ngàn cân, Đàn ông là phải thế, Hoán đổi... Hay các chương trình hài hước như Ơn giời, cậu đây rồi, Thách thức danh hài, Bí mật đêm Chủ nhật... Một số lĩnh vực như thời trang, âm nhạc lại có đến 3-4 “sân chơi” với tần suất khá dày đặc. Thậm chí, ngay khi chương trình đó vừa kết thúc thì đã có mùa tiếp theo "nối gót".
Chú trọng tới giá trị giải trí trong điều kiện áp lực cuộc sống con người ngày càng gia tăng là hướng đi hoàn toàn đúng đắn của những nhà sản xuất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà khán giả cần thì dường như các nhà sản xuất đang "lơ" đi đó chính là chất lượng chương trình. Thực thế, ở những mùa đầu tiên phát sóng, các chương trình như Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Siêu mẫu Việt Nam... đã đóng góp công lao không nhỏ để tìm ra những tài năng thực sự và khiến khán giả thích thú với những món ăn tinh thần mới mẻ.
Tuy nhiên, khi các chương trình truyền hình thực tế đã dần cạn ý tưởng, gây nhàm chán với khán giả thì việc liên tiếp xuất hiện thêm các chương trình mới không có nhiều ấn tượng đặc biệt cũng không thể cứu vãn được sự chán nản của công chúng đối với truyền hình thực tế. Trong mỗi cuộc thi, thí sinh và giám khảo là những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một chương trình. Với sự xuất hiện dày đặc của các chương trình truyền hình thực tế như hiện nay thì dường như các chương trình này hiện nay cũng đang dần cạn nguồn nhân lực.
Nghệ sĩ Hoài Linh, Trấn Thành từng khiến công chúng "săn đón" mỗi khi xuất hiện nay cũng đã "nhẵn mặt" trong các game show. |
Để thu hút sự chú ý của khán giả, các game show đặc biệt chú trọng tới việc mời người nổi tiếng tham gia chương trình với vai trò MC, giám khảo hoặc khách mời tham dự chương trình, người chơi... Ở các cuộc thi ca hát đình đám như: Giọng hát Việt, Thần tượng âm nhạc Việt, The Remix... các vị giám khảo được mời luân chuyển qua lại. Những gương mặt quen thuộc ở các chương trình cũng quanh đi quẩn lại có Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hà Hồ, Hồ Hoài Anh, Huy Tuấn, Quốc Trung... Xuất hiện trên ghế nóng các chương trình bước nhảy thì có Trần Ly Ly, Khánh Thi, Chí Anh... Quen mặt ở các chương trình hài là Hoài Linh, Xuân Bắc, Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương... Từng là những người luôn được khán giả săn đón bởi lối nói chuyện hài hước, dẫn dắt có duyên như nghệ sĩ Hoài Linh, Trấn Thành hay Trường Giang...vậy mà hiện tại khán giả cũng đã quen thuộc đến "nhẵn mặt". Thậm chí, khán giả còn chẳng cảm thấy muốn cười bởi tham gia quá nhiều game show đã khiến họ mất đi cái chất hài tự nhiên, dí dỏm của mình.
Hoa hậu Phạm Hương giữ vị giám khảo khách mời trong Cười xuyên Việt. |
Bên cạnh sự xuất hiện dày đặc của các nghệ sĩ khiến khán giả nhàm chán, việc ngồi ghế nóng không đúng chuyên môn của nghệ sĩ cũng là một thực trạng của các show truyền hình thực tế ngày nay khiến khán giả phải thở dài ngao ngán. Trong cuộc thi nấu ăn khá nổi tiếng được mua bản quyền của nước ngoài, diễn viên Tăng Thanh Hà được mời làm giám khảo từng khiến cuộc thi này bị dư luận tẩy chay. Trước đó, việc giám khảo Nam Trung của Siêu mẫu Việt Nam được mời ngồi ghế "nóng" trong một cuộc thi âm nhạc đã từng khiến khán giả phản ứng khá dữ dội. Mới đây nhất, Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2015 - Phạm Hương cũng đảm nhận vị trí giám khảo khách mời của game show Cười xuyên Việt sắp phát sóng. Hy vọng, trong chương trình này cô sẽ không khiến khán giả cảm thấy thất vọng với vai trò của mình.
Truyền hình thực tế là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi người trong điều kiện nhu cầu giải trí tăng cao như hiện nay. Tuy nhiên, để có thể tồn tại lâu dài và không bị chết yểu, các chương trình truyền hình thực tế cần quan tâm hơn đến thị hiếu của khán giả và nâng cao chất lượng chương trình chứ không phải cứ sản xuất vô tội vạ khiến khán giả phải quay lưng.
Y.N