Sài Gòn Tháng Mười, một cảm nhận rất riêng của 'khách trọ'
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 08:30, 08/10/2015
Qua xúc cảm riêng của mỗi họa sĩ vốn không phải là người con của Sài Gòn sẽ đưa đến cho công chúng trong tháng 10 này tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM những tác phẩm thật đa dạng Sài Gòn Tháng Mười.
Họa sĩ Phạm Hồng Loan
Phạm Hồng Loan là duy nhất trong số những họa sĩ triển lãm lần này sinh ra và trưởng thành tại Sài Gòn. Với hoạ sĩ Phạm Hồng Loan, những ký ức của tuổi thơ với những ngôi nhà và con hẻm nhỏ trên dòng sông và kênh rạch đã theo mãi trong tâm trí chị. Tranh của chị bàng bạc nỗi nhớ về một không khí xưa của Sài Gòn trong những trong màu trầm, nhưng cũng tràn đầy hơi thở của cuộc sống đô thị ngày nay.
Đó là những con hẻm nhỏ trong nắng chiều oi ả, với dây điện dăng ngang chi chít, là những luồn ánh sáng dịu dàng của ánh trăng chiếu sáng trên những mái nhà, là những công trình vươn lên hướng tới không gian và thời gian của bầu trời. Không khí trong tranh của chị là đời sống nội tâm thường ngày, là những cuộc trò chuyện đầy sống động của những nhân vật với nhau.
Họa sĩ Trần Thùy Linh
Với hoạ sĩ Trần Thuỳ Linh, dường như Sài Gòn là một định mệnh, một nơi mà chị đã dành hết tình yêu và sức sống trong một niềm đam mê sáng tạo và khám phá đến vô cùng. Trút tình yêu ấy vào những sắc màu nóng, Sài Gòn đi vào tranh của chị mạnh mẽ như chính thành phố này. Những bức tranh bán trừu tượng của chị về Sài Gòn là những gì nhiều hơn những sắc màu hay hình khối trong tranh. Ẩn chứa đằng sau không khí ấy, là những chuyển động không ngừng của con người, của vụ trụ và cuộc sống trong hình hài của nhà, của phố, của hẻm hay của nắng. Sài gòn mang nhiều gương mặt trong tranh của chị.
Một tác phẩm tiêu biểu của Trần Thùy Linh |
“Dòng chảy của sông giống như dòng chảy của một đời người, ẩn chứa bao điều không thể đoán được. Những dòng kênh và cuộc sống ven sông đã từng làm nên bản sắc của một chốn trên bến dưới thuyền mang tên Sài gòn. Kênh rạch chằng chịt, kênh xen qua đường, sông ngang qua phố. Những dòng chảy ôm lấy nhau, tách ra và hợp lại.. Hình ảnh về những con kênh ôm phố Sài gòn xưa và nay đã khác nhau quá nhiều. Âu cũng là lẽ thường tình trong quá trình phát triển của một đô thị. Chỉ mong rằng, con người không quá vô cảm và vô ơn với thiên nhiên, với những gì những dòng sông và các con kênh đã và đang mang lại cho mình.” , nữ họa sĩ tự bạch về gương mặt Sài Gòn-Sông.
Họa sĩ Lê Thị Minh Tâm
“Để trái tim và tâm trí của mình phản ứng tình cảm với các hình dạng, màu sắc và hình thức có ý nghĩa tự thân trong tranh rồi để mình bị cuốn hút vào những ảo ảnh của không gian, ngẫu hứng của đường nét, với tâm trạng đầy huyễn hoặc trong thế giới đó”, hoạ sĩ Lê Thị Minh Tâm nói. Trong thế giới đó của chị, một Sài Gòn vừa quen vừa lạ, vừa dịu dàng vừa mạnh mẽ, trong những hoà sắc mê hoặc lòng người hiện ra.
Họa sĩ Đặng Thị Dương
Hoạ sĩ Đặng Thị Dương giới thiệu mảng tranh vẽ rừng đước ở Rừng Sác, Cần Giờ, cũng chính là thông điệp về Tình yêu đối với Thiên nhiên mà nữ hoạ sĩ muốn chia sẻ cùng công chúng qua triển lãm này. “Tôi ước mong Rừng Sác, cùng thảm thực, động vật sẽ mãi là khu rừng sinh thái của vùng nước ngập mặn, lá phổi xanh của thành phố chúng ta", đó chính là thông điệp hoạ sĩ muốn gửi gắm trong các tác phẩm của mình.
Họa sĩ Nguyễn Anh Đào
Trên con đường lang thang đi tìm chủ đề cho tác phẩm, hoạ sĩ Nguyễn Anh Đào phát hiện ra một Sài Gòn thật khác. Những ao sen trắng, cánh đồng cỏ lau hoang dại vùng ven, tưởng như đã thành quá khứ trong một đại đô thị, đã mang lại cho cô cảm giác thật thoải mái và dễ chịu, làm quên đi cái khói bụi thường trực chốn thị thành. Và cô quyết định chọn sen làm đề tài. Sen Sài gòn đi vào tranh cô bình dị, mộc mạc mà thanh tao, tưởng như ít liên quan tới phố, vậy mà vẫn gợi nhớ về một Sài Gòn ngày nào. Mộc mạc như chính chất liệu sơn mài cô yêu thích, tông màu nâu trầm phảng phất nét hoài cổ, những bức tranh sơn mài của Anh Đào vẫn mang theo hơi thở của một vùng đất đang chuyển mình thành đại đô thị.
Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm mang tới triển lãm này những bức tranh vùng sông nước Nam bộ vừa quen vừa lạ. Quen vì những mô típ nhà tranh, con đò, những cây cầu tre… qua nét cọ nhẹ như sương như khói trên nền phông trắng, vốn dĩ đã làm nên tên tuổi của bà bao nhiêu năm nay. Lạ vì một sự kết hợp khác thường – rất Sài gòn – trong một bút pháp kết hợp của sơn dầu và ký hoạ, tạo nên sựsong hành giữa uyển chuyển mềm mại và mạnh mẽ, vững chãi. Cái chắc tay của bố cục và cái phóng khoáng như của ký hoạ bút sắt hoà nhịp cùng bút pháp hiện thực mà như mơ, khiến các bức tranh như những lời chào đầy mới mẻ mà nữ hoạ sĩ gạo cội mang tới cho công chúng.
Họa sĩ Thanh Tâm
Hoạ sĩ Thanh Tâm sử dựng chất liệu sơn dầu để thể hiện những đề tài thiên nhiên, những phong cảnh quê hương tại nơi mà chị đã đi qua. Mùa nước nổi phương nam hay những cánh hoa dại miền sơn cước đều đi vào tranh của chị một cách vô cùng mềm mại, nhẹ nhàng và tràn đầy nữ tính.
Họa sĩ Mai Vi
Một tác phẩm cảm nhận về Sài Gòn của Họa sĩ Mai Vi |
Những bức tranh của hoạ sĩ Mai Vi lại mang tới cho người xem một sự dịu êm, như những nốt nhạc rơi trên từng cánh hoa, như một lời thầm thì của tình yêu dành cho phố. Những bức tranh như lời tự bạch của tác giả dành cho công chúng: “Tôi đã kể cho tôi nghe về tình yêu giữa lòng Sài gòn, yêu những hàng cây yên ả, những giọt nắng đầu tiên lượn trên nóc nhà thờ, yêu lời thì thầm của những chú chim giữa muôn vàn náo nhiệt của Sài Gòn”. Mỗi bức tranh là một lời yêu dành cho thành phố quê hương, dành cho công chúng.
Họa sĩ Kim Jung Hyun
Kim Jun Hyun |
Hoạ sĩ Kim Jung Hyun là một tác giả trẻ người Hàn Quốc, sống và làm việc tại TP.HCM từ 10 năm nay. Phần lớn các tác phẩm của chị là tranh tự hoạ. Những bức tranh là những câu trả lời cho câu hỏi về sự tồn tại, trên con đường đi tìm chính mình. Chị quan niệm rằng: “Vẽ chân dung tự hoạ giống như viết nhật ký. Ở mọi lúc, mọi nơi, cảm xúc luôn luôn khác nhau, nên mỗi tác phẩm đều là những gương mặt khác nhau”.
Họa sĩ Cao Thị Được
Tranh của Cao Thị Được |
Họa sĩ Cao Thị Được bày những bức tranh đầy màu sắc rực rỡ theo phong cách mạnh mẽ, cá tính, vốn đã định hình từ hàng chục năm nay của chị. Với nữ hoạ sĩ này “Vẽ là để ghi lại cảm xúc của bản thân mình. Tôi chỉ mong mình mang được cảm xúc đẹp nhất đến với mọi người.”.
Hoạ sĩ Việt Thị Kim Quyên
Những bức tranh họa sĩ trưng bày lần này thật đặc biệt, đó là một bầu trời màu sắc. Bơi trong một bầu trời đỏ rực rỡ, đầy đam mê, đẫm sinh khí với những đám mây xanh trên tầng tầng không gian chiều thẳng đứng. Có một thế giới nào trong cái nền kẽm lạnh lẽo chứa một bầu trời rừng rực như muốn thoát ra, tuôn trào qua từng nét cọ, nét bay mang hơi hướm của bút pháp đồ hoạ và toát lên vẻ nội tâm nữ tính.
Hoạ sĩ Nguyễn Thùy Vân
Màu đỏ cũng là gam màu chủ đạo trong những bức tranh triển lãm lần này của chị. Nhưng cái sắc đỏ của chị mang theo cái bàng bạc của ánh trăng, mang theo những bóng hình của vạn vật in trên một ráng đỏ đang nhuộm hết một bầu trời xanh. Thiên nhiên trong tranh của chị là một thiên nhiên đang trăn trở giữa đỏ và xanh. Những bóng hình lặng lẽ của cỏ, của lau, của những thân cây... vừa như tỉnh, như mê, vừa như đứng im mà lại như đang ngập ngừng bước tới. Lan trong gió là câu hỏi bản ngã, là cái tôi thiết tha mong có được sự bình yên. Cũng là điều mà tác giả mong muốn cho người thưởng ngoạn.
Triễn lãm Sài Gòn Tháng Mười sẽ chính thức mở cửa hoàn toàn miễn phí tại Bảo Tàng Mỹ Thuật TP.HCM từ ngày 10 tới 18.10.2015.
D.L