Truyền thuyết thú vị về ngày giỗ và ông Tổ nghề sân khấu
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 15:00, 24/09/2015
Hầu hết nghệ sĩ cho rằng ông Tổ nghề sân khấu cũng là Tổ nghề ăn xin. Chính vì thế người làm nghệ thuật thường kiêng kỵ trực tiếp cho tiền ăn xin vì sợ phạm đến Tổ nghề.
Kiêng kỵ cho tiền ăn xin
Cứ mỗi giữa tháng 8 âm lịch mọi năm, các nghệ sĩ sân khấu lại gác mọi công việc để đi thắp hương, dâng lễ và hát múa để cúng Tổ. Tuy vậy, nhưng hầu như không ai khẳng định được Tổ nghề của mình là ai, và mọi câu chuyện cũng chỉ là truyền miệng, truyền thuyết dân gian.
Theo NSND Đinh Bằng Phi, người đã từng đưa ra nghiên cứu “Vì sao có ngày giỗ Tổ sân khấu” thì ông Tổ là hai vị hoàng tử mê coi hát đến mức kiệt sức mà ôm nhau chết tại sân khấu. Kể từ đó, mỗi khi ban hát diễn xướng, lại thấy linh hồn nhị hoàng hiện lên coi hát. Biết hai ngài đã hiển linh, người trong nghề liền lập bàn thờ, phụng kính là Tổ. Khi được “Tổ đãi” nghĩa là nghề hát lên như diều gặp gió.
Ngày nhị hoàng trút hơi thở cuối là 12.8 Âm lịch thế nên ban hát lấy đó làm ngày giỗ Tổ và lưu truyền đến hôm nay.
|
Nghệ sĩ Hoài Linh cúng giỗ Tổ hôm qua tại sân khấu Nụ cười mới |
Tuy nhiên, theo một số nghệ sĩ thì truyền thuyết này chỉ giải thích được việc lấy ngày 12.8 làm ngày giỗ Tổ, chứ chưa thỏa mãn được câu hỏi “Tổ nghề là ai? Ai là người bắt đầu nghề hát xướng?”. Và hầu hết nghệ sĩ đều tin rằng ông Tổ nghề hát cũng là Tổ nghề ăn xin. Cùng góp nhặt của bá tánh để nuôi sống nghề, nuôi sống mình.
Diễn viên Kiều Trinh cho biết, giới nghệ sĩ rất kiêng kỵ việc cho tiền ăn xin, vì như thế là phạm đến Tổ nghề. Muốn tỏ lòng thì nhờ người khác nghề cầm giùm tiền để cho, hay mua đồ ăn thức uống kính cẩn mời. Nếu trực tiếp cho tiền lẻ, là coi thường ông Tổ, dễ bị “Tổ trác”.
|
Ca sĩ Quốc Đại cúng giỗ Tổ tại sân khấu 5B võ Văn Tần |
Về điều này, nghệ sĩ Thiên Kim cũng chia sẻ: “Người ta nói ông Tổ nghề xưa kia xuất thân từ ăn mày. Bởi vậy không có dám bố thí cho ăn mày đâu. Mà chắc cũng vì ông Tổ cũng là ăn xin nên đã là nghệ sĩ ít nhiều gì cũng sẽ có lúc nhận về mình lang thang, khốn khó. Nhưng không ai dám trách Tổ, vì Tổ đã cho nghệ sĩ được một cái nghề, để chúng tôi sống và đam mê. Nhận về thế nào là do phần số”.
Đặt son phấn lên bàn thờ Tổ
Khán giả vẫn thường nghe những câu cửa miệng như “Tổ trác” – để chỉ nghệ sĩ đang diễn mà tự nhiên hỏng tiết mục (tiếng lóng là “bể dĩa”), vô duyên trong miếng diễn; rồi “Tổ hành” do làm nhiều điều ác với đồng nghiệp, hỗn láo với khán giả,… mà phải chịu cảnh điên loạn; rồi “Tổ phạt”, “Tổ lấy nghề” …
Cứ như thế, ông Tổ nghề đối với người nghệ sĩ rất thiêng liêng và hầu như có quyền lực “tối thượng” trong việc “nổi hay chìm” của người làm nghệ thuật. Chính vì thế, giỗ Tổ hàng năm với người làm nghệ thuật là những ngày để anh em nghệ sĩ tỏ lòng thành kính, biết ơn và cầu Tổ phù hộ.
|
Minh Béo thành kính cầu Tổ nghề phù hộ |
Nghệ sĩ Minh Béo cho biết, năm nay, anh tổ chức lễ cúng Tổ khá lớn tại sân khấu Sao Minh Béo của mình. Ngày Tiên thường tức 11.8 Âm lịch, Minh Béo tổ chức cúng chay và đến hôm nay 12.8 là Chánh giỗ. Minh Béo nói: “Ngày giỗ Tổ là thiêng liêng, giống ngày Tết Nguyên đán vậy đó. Anh em có hiềm khích gì trong mấy ngày đó cũng bỏ qua mà hòa thuận với nhau. Có show diễn gì cũng hoãn lại, để dành tiết mục dâng lên Tổ”.
Theo Minh Béo, một số nghệ sĩ thường đặt phấn son, đồ trang điểm cá nhân lên bàn cúng Tổ rồi khấn vái. Sau khi cúng xong, mang phấn son đó về sử dụng sẽ được “lộc Tổ”. Các sân khấu thường cúng mâm quả và heo quay. Heo cúng xong, phần lưỡi được chia ra mỗi người một miếng ăn cho “thanh giọng”. Một nghi thức khó có thể thiếu nếu làm giỗ tại sân khấu đó là trống hiệu. Hồi trống gióng lên để kính Tổ về chung vui với con cháu trong nghề.
|
Các nghệ sĩ có điều kiện thường cúng heo quay, nhưng không có điều kiện thì chỉ cần thành tâm Tổ sẽ chứng giám |
Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu chia sẻ với hậu bối, những người còn chưa rành nghi thức rằng: “Các con cháu nhỏ trong nghề, tuỳ điều kiện, tuỳ hoàn cảnh mà cúng. Tất cả chỉ là dâng lên Tổ tấm lòng mình các con à. Một cái bánh nhỏ cũng đủ để Tổ cười với các con rồi. Còn các em cháu bận đi quay, đi diễn xa,… thì dành chút thời gian, tìm 1 góc nào đó nghĩ tưởng đến Tổ mà cầu nguyện cũng được mà, Không có sao đâu. Tất cả là tấm lòng mình, Tổ nghe thấy hết”.
Và thường nhà của nghệ sĩ sân khấu thường có khánh Tổ. Khánh được đặt trang trọng, đèn nhang liên tục để tỏ lòng thành kính với ông Tổ đã cho cái nghề hát xướng, xoa dịu tâm hồn con người và làm đẹp cho đời.
Hồ Ngọc Giàu
Một Thế Giới