Các nhóm tấu hài lại tái phát bệnh nói linh tinh, thô tục, phản cảm

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:00, 03/09/2015

Không kiểm duyệt, tấu hài tái phát những căn bệnh cũ với mức độ trầm trọng hơn.

Sau nhiều năm bị khán giả quay lưng, tấu hài bắt đầu xuất hiện trở lại trên nhiều sân khấu, tụ điểm, quán bar, nhất là khi những chương trình hài phát sóng trên truyền hình thu hút người xem. Nói nhăng nói cuội, thô tục, phản cảm đã trở thành bệnh kinh niên của các nhóm tấu hài, từng bị cơ quan quản lý chấn chỉnh trước đây nay tái phát với mức độ nặng hơn.

Chuyện gì cũng thành trò giễu cợt

Gây bức xúc cho nhiều khán giả là nội dung trong các tiểu phẩm của một số nhóm hài ngày càng dung tục khi đem hình ảnh phòng the, lời nói dung tục, mượn những phát ngôn bừa bãi, gây sốc từ các diễn đàn mạng xã hội để chọc cười vô tội vạ.
Trong một chương trình đại nhạc hội ở quận Thủ Đức, TP.HCM, nhóm hài của nghệ sĩ L.H đã đem vụ trọng án tại Bình Phước ra làm trò cười: “Tao là bạn của hung thủ ở Bình Phước, mày có ngon thì đụng tới tao”.
Các nhóm hài thi nhau đem những chuyện trên diễn đàn mạng xã hội để thách đố nhằm chọc cười. Nhóm B.L đem chuyện cô giáo Lê Na “cung bò cạp” để giễu cợt, dùng những ngôn từ của cô giáo này để dạy học sinh cách ứng phó với trường hợp bị giáo viên hành hung.

Đến những chương trình tấu hài biểu diễn trong các quán bar, nhà hàng, tụ điểm, khán giả phải nghe những ngôn từ hết sức khó chịu như: “Ưng anh đi, anh có đồ nghề sung sướng”; “Má anh không đòi ngủ chung đêm tân hôn đâu em đừng sợ”; “Cha của mày không thể bằng cha của tao, làm cho má tao đẻ một lúc 4 đứa. Má mày có muốn gửi đứa nào không?”…

Ở các quán bar, nghệ sĩ tấu hài chọn ngay đối tượng khán giả đã ngà ngà hơi men để làm trò rồi văng tục trên sân khấu. Một nghệ sĩ hài mạnh miệng nói: “Đ.M để tụi tui diễn” nghe hết sức phản cảm, không thể chấp nhận được.

Trên thực tế, nhiều năm nay, tấu hài bị thu hẹp đất sống ở các sân khấu thuộc khu vực nội thành TP.HCM, các nhóm hài kéo về vùng ven, tham gia các hội chợ lô tô, đại nhạc hội tạp kỹ tổng hợp, do đó không được kiểm soát về mặt nội dung. Mỗi câu chuyện hài được diễn đa phần gây cười bằng sự bôi bác, kém thẩm mỹ. Ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ diễn hài ngày càng phai nhạt.

Không còn phúc khảo tấu hài?

Nếu năm 2010, theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) TP.HCM, toàn TP có 45 nhóm tấu hài được cấp phép hoạt động thì nay, con số này đã giảm một nửa. Sàn diễn của tấu hài co cụm lại từ 2 năm nay, nhiều chương trình tấu hài được thay bằng kịch ngắn theo dạng kịch cà phê. Tấu hài đã bị đẩy ra ngoại thành, các quán bar, tụ điểm ca nhạc vùng ven và vào đến tận sân chùa, miễu, đình trong các mùa lễ cúng kỳ yên.

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết nhiều năm rồi không còn việc Hội đồng Nghệ thuật Sở VH-TT TP nhận được chương trình phúc khảo tấu hài như trước đây. Điều này cho thấy bộ môn này ngày càng bị thả nổi, khó kiểm soát về nội dung, chất lượng chương trình. “Có những tiết mục khi hỏi đến giấy phép công diễn do Sở VH-TT TP.HCM cấp, các nhóm hài đều lắc đầu. Có những tiết mục cấp phép từ năm 1995, 1996 đến nay vẫn chưa phúc khảo lại, trong khi nội dung tiết mục đã thay đổi do các diễn viên hài cập nhật mảng miếng thường xuyên, đưa những nội dung vô bổ vào tiểu phẩm cốt tạo tiếng cười, chưa kể đến cách diễn vận dụng hình thể, chế giễu người tật nguyền, đồng tính, đem những chuyện phòng the làm trò cười. Điều này đáng báo động”.

Đạo diễn Hoa Hạ - Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở VH-TT TP - cho biết: “Tôi đã nhiều lần kiến nghị Hội đồng Nghệ thuật nên có cuộc họp với cơ quan quản lý để thống nhất việc cấp phép hay không cấp phép cho các tiểu phẩm hài. Nhiều lúc cơ quan quản lý làm ngơ để giúp anh em nghệ sĩ tấu hài kiếm sống đã khiến một số nhóm hài ỷ lại, sinh ra kém ý thức, tạo ra tiếng cười không trong sáng trên sàn diễn. Không duyệt cấp phép và không theo dõi hậu kiểm thì tấu hài dễ sinh biến tướng”.

Ông Tôn Thất Cần, Phòng Quản lý nghệ thuật Sở VH-TT TP.HCM, cho biết: “Ngoài CLB hài kịch của Hoài Linh diễn tại Nhà Văn hóa Thanh niên đã đăng ký phúc khảo 10 tiểu phẩm. Còn lại các nhóm hài khác không đăng ký. Giấy phép tiểu phẩm tấu hài chỉ có giá trị trong 2 năm, sau đó nếu diễn lại phải đăng ký phúc khảo. Sắp tới, sở sẽ tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh để cấp phép biểu diễn, nhóm nào vi phạm sẽ bị tước giấy phép biểu diễn”.

Sàn diễn tấu hài rất cần chấn chỉnh kịp thời để không làm mai một loại hình nghệ thuật từng được đánh giá là sáng tạo và độc đáo của sân khấu Việt Nam, đó cũng là ý nguyện của những nghệ sĩ diễn hài có trách nhiệm với nghề.
Cần sự góp sức của hội chuyên ngành

Liên hoan Sân khấu hài Nụ Cười Xanh 2011 với mục đích hướng tiếng cười của nghệ sĩ góp phần xây dựng nếp sống mới trong cộng đồng, đời sống đô thị... đã có được 19 tiểu phẩm hài thật hay nhờ sự chung tay góp sức của ban giám khảo. Nhưng từ đó đến nay, nguồn này không được bổ sung, còn các nhóm hài cứ tự chế câu chuyện để diễn miễn sao gây cười cho khán giả là được.

Theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Hội Sân khấu TP.HCM và Ban Lý luận phê bình của hội đã có chủ trương quy tụ các nhóm hài đang hoạt động cùng hội tham gia đợt sáng tác tiểu phẩm tấu hài nhằm góp phần chấn chỉnh hoạt động biểu diễn hài kịch nói chung và tấu hài nói riêng. Đạo diễn Trần Minh Ngọc, Trưởng Ban Lý luận phê bình Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết: “Những nhóm hài tích cực tham gia các đợt tập huấn đều đạt được chất lượng sáng tác kịch bản. Viết kịch bản tấu hài rất khó, tạo được tiếng cười thông qua thời lượng 15 phút trên sân khấu càng khó hơn. Do vậy, việc tập huấn cho các nhóm hài tự viết kịch bản để có thể tạo điểm nhấn, có chủ đề, tính tư tưởng, nghệ thuật của tiểu phẩm là hết sức cần thiết”.

Thanh Hiệp/ Người lao động

Một Thế Giới