Nhà báo Hữu Thọ - Đối thoại với xã hội, đối thoại với chính mình
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:59, 15/08/2015
Nhà báo Hữu Thọ nhẹ bước vào cuộc trường sinh trong một sáng chớm thu hanh hao nắng, để lại sự trống vắng và niềm tiếc thương vô hạn trong lòng bao người thân, bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là báo giới. Ông, từ lâu, đã được nhắc đến với niềm tự hào về một nhà báo chân chính có đầy đủ phẩm chất "mắt sáng, lòng trong, bút sắc".
Nhà báo Hữu Thọ không chỉ là một cây bút xuất sắc của làng báo nước nhà, mà còn là một nhà quản lý luôn quan tâm đặc biệt đến sự phát triển văn hóa dân tộc. Những trang viết phong phú về thể loại, từ bình luận, tiểu phẩm, bút ký, đến đối thoại, phê phán, đa dạng về nội dung, vừa chân thực, nóng hổi thời sự, lại vừa thấm đẫm tính nhân văn, phản ánh được cuộc sống đa sắc màu đã làm nên một phong cách riêng của ông trong làng báo. Những tác phẩm sâu sắc, mang tính dự báo của ông về văn hóa xã hội, văn hóa chính trị cũng luôn mang cho người đọc nhiều cung bậc cảm xúc, chứa đựng khát vọng của nhân dân trong việc xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp và nhân bản.
Nhà báo Hữu Thọ không chỉ là một cây bút xuất sắc của làng báo nước nhà, mà còn là một nhà quản lý luôn quan tâm đặc biệt đến sự phát triển văn hóa dân tộc |
Đau đáu với văn hóa
"Vẫn biết sinh lão bệnh tử là lẽ thường, nhưng khi nhận tin cây đại thụ của làng báo Việt Nam đã ra đi vào sáng 13.8, tôi vẫn vô cùng đau xót, hẫng hụt và cảm nhận sự mất mát không gì có thể bù đắp được. Với tôi, nhà báo Hữu Thọ như một người cha, người anh, người đồng nghiệp tin cậy. Ông ra đi, để lại một khoảng trống không dễ lấp đầy trong làng báo chí nước nhà..." - nhà văn Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương) nghẹn ngào chia sẻ.
Nhà báo Hữu Thọ chính là người đã ký quyết định đưa TS Lê Thị Bích Hồng về công tác tại Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương 15 năm trước, bởi thế, chị có may mắn được công tác cùng ông trong nhiều năm. Trong trí nhớ của chị, không khi nào có thể quên vị Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Hữu Thọ luôn giản dị, gần gũi, tình cảm với mọi người, không có khoảng cách giữa lãnh đạo với nhân viên, nhưng lại rất sát sao, nghiêm túc và khoa học trong công việc. Trong các cuộc họp, ông chỉ đạo các vấn đề vừa thiết thực, vừa mang tầm chiến lược, không để bị động trước dòng chảy cuộc sống, ông cũng luôn quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ hoạt động về lĩnh vực tư tưởng văn hóa có phong cách sâu sát, nắm chắc vấn đề, nói được, viết được và làm được. Chính bản thân ông cũng nêu cao phong cách đó, như một tấm gương cho mọi người.
TS Lê Thị Bích Hồng xúc động: Lúc nào nhà báo Hữu Thọ cũng trăn trở với sự phát triển của nền văn hóa nước nhà, bởi ông hiểu rất rõ văn hóa gắn liền với chủ quyền đất nước, với độc lập dân tộc và mất văn hóa là mất tất cả. Ông có quan điểm rất rõ: "Bảo vệ nền văn hóa dân tộc là rất quan trọng. Kẻ thù không đồng hóa được chúng ta vì chúng đã không thể tiêu diệt được nền văn hóa của dân tộc, chứ không phải do không tiêu diệt được sự chống đối quân sự của chúng ta. Lo lắng của tôi hiện nay là sự xuống cấp về văn hóa".
Nghỉ hưu rồi, ông vẫn theo dõi sát mọi vấn đề, có gì về văn hóa hay báo chí nổi cộm trong xã hội, ông lại trực tiếp gọi điện cho TS Lê Thị Bích Hồng, trao đổi tình hình, đưa ra quan điểm và góp ý về hướng giải quyết rất chân tình, với tinh thần trách nhiệm lớn. TS Lê Thị Bích Hồng nhớ lại: Thời điểm sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, VTV có làm một chương trình về Đại tướng và mời nhà báo Hữu Thọ cùng tôi tham gia. Thấy ông hôm đó không được khỏe, tôi lo lắng nhắc ông nếu mệt thì ông có thể nghỉ, nhưng ông bảo: Thôi, làm được gì thì cố gắng làm, để các bạn trẻ hiểu thêm về một vị tướng tài của dân tộc, để truyền lại tinh thần của mình cho họ. Trong ông, luôn có một niềm tin mãnh liệt về một đội ngũ cán bộ trẻ mẫn cán vừa hồng vừa chuyên sẽ gánh vác sự nghiệp của đất nước.
"Trước thời điểm tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8, Ban Tuyên giáo thường mời ông tham gia nhiều cuộc tọa đàm với tư cách một nhà quản lý, một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa và một nhà báo lớn, ông cũng luôn có nhiều ý kiến quan trọng, đóng góp cho việc xây dựng nền văn hóa. Trong đó, ông đã chia số một tổng kết trong dân gian mà ông thấm thía về những biểu hiện mới mà văn hóa Việt Nam đang phải đối diện: "Bằng cấp cao lên nhưng tri thức thấp xuống. Máy tính nhiều lên nhưng giao tiếp trực tiếp giữa người với người ít đi. Cái nhà to lên nhưng gia đình bé lại...", ông lúc nào cũng khoa học, khúc chiết ở tầm cao và chiều sâu văn hóa và bản thân con người ông đã là một nhân cách văn hóa. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn khiêm nhường và mẫn tiệp với thế sự, càng khiến chúng tôi thêm kính trọng" - TS Lê Thị Bích Hồng tâm sự.
Với niềm đau đáu chân thành về văn hóa, ông mạnh dạn chỉ ra những vấn đề căn cốt của tình hình văn hóa xã hội xuống cấp hiện nay, mà không phải ai cũng đủ bản lĩnh và trách nhiệm như ông: "Chính sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có các cán bộ cấp cao là nguyên nhân hàng đầu làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Người ta nói mất tiền thì có thể kiếm lại được, chứ mất niềm tin thì khó lắm. Một vấn đề nữa là quan hệ ứng xử trong xã hội. Đạo đức xã hội suy đồi, lối sống nhân ái nghĩa tình đang dần mai một, thay thế là vấn nạn bạo lực, nguy cơ rạn nứt các tế bào gia đình...
Chỉ một chuyện nhỏ cũng dẫn đến xích mích; quan hệ ứng xử trong gia đình, với bạn bè, trong cộng đồng... dường như đều chông chênh. Suy thoái về văn hóa thì phải sửa chữa trong vài thế hệ. Cái bệnh háo danh đang làm hại văn hóa”.
Tinh thần đối thoại với xã hội
Với báo chí, nhà báo Hữu Thọ đã để lại một di sản đáng trân trọng, không chỉ là những ấn phẩm đã xuất bản, mà còn là quan điểm, cách làm báo rất chuyên nghiệp và đậm tính nhân văn. PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đã nhận xét rất xác đáng về cây đại thụ của làng báo Việt Nam: Có lẽ vẻ đẹp quán xuyến suốt toàn bộ các tác phẩm báo chí của cây bút lão thành Hữu Thọ chính là tinh thần đối thoại thẳng thắn với xã hội của người làm báo chuyên nghiệp... Ông tự nghiệm sinh rằng, muốn đối thoại với công chúng báo chí, trước hết nhà báo phải biết nghe, nhìn, phát hiện, chọn lọc và phản ánh thật nhanh nhạy những vấn đề xã hội, nảy sinh hàng ngày trong đời sống dân chúng. Nhưng muốn “biết” như thế, rất cần một điểm tựa nghề nghiệp đặc thù: "Phải có mắt sáng, lòng trong, bút sắc". Và hơn hết, phải xuất phát từ tinh thần dân chủ, phải thông tin vì quyền lợi dân chúng, phải đại diện cho công chúng báo chí...
Ông thẳng thắn trước mọi vấn đề mà xã hội quan tâm, trong đó, báo chí - nghề nghiệp mà ông đã gắn bó trọn đời với tất cả tâm huyết - càng không ngoại lệ. Một người làm báo gần 60 năm với phẩm chất đạo đức trong sáng, một nhà quản lý khoa học, như ông làm sao không đau xót trước sự sa sút của báo chí nước nhà: "Chưa bao giờ uy tín của báo chí bị giảm sút như hiện nay. Những năm vừa qua báo chí sai phạm quá nhiều, mà sai phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật, thậm chí là suy diễn, bịa đặt thông tin làm tổn hại danh dự cá nhân, tổ chức và gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội”. Để rồi, ông đặt vấn đề trực diện: "Văn hóa báo chí đang là một vấn đề rất lớn, tôi mong rằng Đại hội Hội Nhà báo sắp tới nên có những cuộc thảo luận sâu sắc từ đại hội cơ sở đến Trung ương về vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo”.
Không chỉ phê phán, chỉ ra những nguyên nhân khiến báo chí sa sút, người thầy lớn của làng báo còn tận tình để lại những kinh nghiệm cho các thế hệ làm báo sau ông một cẩm nang quý giá: "Có những lúc phải biết nhu, giữ thế, nhưng làm báo thì phải dấn thân, mình có yêu cái sự kiện, nhân vật đó mười lần thì mới hy vọng làm độc giả yêu một lần".
Ngắn gọn, mạch lạc, dễ hiểu và nhất là ý nghĩa sâu sắc, nên những bài viết của nhà báo Hữu Thọ luôn được bạn đọc hào hứng đón nhận. Bởi ông thường bàn đến nhiều vấn đề lớn trong một bài báo nhỏ, dù chuyện xưa hay chuyện nay, với "khả năng thời sự hóa những chuyện đã trở thành vĩnh cửu và vĩnh cửu hóa những chuyện tưởng như là thời sự, thậm chí cả những cái vụn vặt hàng ngày". Nghỉ hưu đã nhiều năm, ông vẫn viết báo, làm báo theo kiểu riêng của mình. Với chuyên mục "Bàn góp sự đời" trên Báo Nhân dân mà ông đảm nhiệm hơn chục năm, ông luôn chuyển tải nhiều thông điệp sâu sắc, mang tính khái quát và lý luận, khiến mỗi người đều phải tự ngẫm suy: "Nếu đức hẻo mà ngồi ghế cao, tài hèn mà giao việc lớn, đó là mầm mống của tai họa", ông từng tâm sự, ông còn viết không chỉ vì muốn gắn bó với nghề lâu hơn, mà vì chính nghề báo đã đem lại cho ông những cảm xúc khác lạ - luôn luôn muốn tiếp cận, tìm hiểu những vấn đề mới trong dòng thời sự nóng hổi, với tâm thế thích đối thoại ngay với chính mình trong từng bài viết.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa kể: "Dường như chạm đến lĩnh vực nào, ông cũng rất am tường. Thường trước những câu hỏi hóc búa, ông lại đưa ra được những lý giải sắc sảo, đúng đắn và giản dị. Hữu Thọ là người luôn giữ vững nguyên tắc, nhưng lại không khô cứng và giáo điều, thêm nữa là thái độ xuề xòa gần gũi. Chức tước chỉ là tấm áo khoác. Chẳng ai suốt đời cứ khoác mãi một tấm áo. Dù Hữu Thọ ở trong bộ trang phục nào thì người ta cũng vẫn thấy lồ lộ hiện ra trước mắt mình một người cầm bút, một nhà báo đàn anh, người bạn đồng nghiệp, cùng hội cùng thuyền. Hữu Thọ trước sau vẫn là người của nghề, vẫn đau đáu vì nghề, vẫn mất ăn, mất ngủ vì không viết được những bài báo hay”.
83 tuổi đời, gần 60 năm tuổi nghề, hơn 20 đầu sách cùng vô số giải thưởng báo chí các loại và vẫn luôn miệt mài cầm bút với tất cả trách nhiệm công dân và tình yêu nghề lớn lao, sự ra đi của nhà báo lão thành Hữu Thọ là một mất mát to lớn của báo giới cũng như của nền văn hóa nước nhà. Trong ông như hội tụ những phẩm cách tốt đẹp mà người làm báo, làm văn hóa cần có: Tâm huyết và dấn thân, đạo đức và trách nhiệm, tài năng và khiêm nhường, với những trang viết chân thực, khách quan, mang tinh thần và khát vọng của nhân dân. Ông ra đi, chỉ như cánh hạc bay về một miền đầy gió và những tác phẩm của ông, đặc biệt là tinh thần đối thoại thẳng thắn với xã hội, đối thoại với chính mình của ông, vẫn còn mãi với thời gian...
Theo An ninh thế giới