Sơn La định xây tượng đài 1.400 tỉ, Bộ VH-TT-DL không hay biết

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:15, 05/08/2015

HĐND tỉnh Sơn La thông qua đề án xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với quảng trường tại thành phố Sơn La.
Kinh phí đầu tư công trình là 1.400 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, tỉnh và xã hội hóa. Việc xây dựng quảng trường nơi đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, theo nghị quyết, nhằm tôn vinh lãnh tụ và góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sơn La khi nơi này đang từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại 2 vào năm 2020. Tuy nhiên, khi báo điện tử Một Thế Giới liên lạc với ông Phan Đình Tân - Người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch thì được biết Bộ chưa nhận được bất cứ đề án nào của Sơn La về vấn đề này, kể cả thông tin về số tiền 1.400 tỉ đồng mà Sơn La dự định xây dựng công trình này.
"Trước đây, tỉnh Sơn La đã gửi thông tin quy hoạch khái quát chứ chưa hề có tờ trình cụ thể là xây cái gì, quy mô ra sao và hình mẫu của Bác Hồ phải đúc theo khuôn mẫu nào. Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc này cần cân nhắc kỹ, đồng thời quy hoạch tượng đài, đặc  biệt là tượng đài Bác Hồ cần báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị”, ông Tân chia sẻ. 
Chia sẻ theo quan điểm cá nhân, ông Phan Đình Tân cho hay việc Sơn La đầu tư kinh phí quá lớn để xây dựng tượng đài hay quảng trường trong tình hình tỉnh còn nhiều khó khăn là điều chưa nên. Mặc dù tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh hầu như tỉnh thành nào cũng có, nhưng nên đầu tư ở mức độ vừa phải chứ không chi tiêu quá nhiều. "Kể cả sử dụng kinh phí xã hội hóa, chứ chưa nói đến kinh phí từ ngân sách, chúng ta cũng nên xem xét lại kỹ lưỡng vì tiền nào cũng là mồ hôi xương máu của nhân dân", ông Tân nói.
Ông Tân cũng cho rằng nếu lấy lý do xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh để thể hiện tình cảm người dân với vị lãnh tụ kính yêu thì số tiền của tỉnh Sơn La đầu tư vẫn không đủ. Còn về các công trình để so sánh với các tỉnh thành khác, để phát triển du lịch thì ngay tại Sơn La, hàng loạt các công trình đã được xây dựng trước đó như đập thủy điện, các danh lam thắng cảnh, nhà tù Sơn La... tất cả các công trình thu hút khách du lịch đó hiện nay cũng chưa sử dụng hết và chưa phát huy được thế mạnh của chính tỉnh Sơn La. Việc tỉnh đưa ra đề án quy hoạch với tổng kinh phí lên tới 1.400 tỉ đồng thì có ai đảm bảo xây xong tỉnh Sơn La sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ công trình này? "Tôi tin lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cực kỳ tiết kiệm, Bác đã có những chỉ đạo cụ thể về tính tiết kiệm, cần cù, tránh lãng phí, phô trương mà chúng ta cần học hỏi và làm theo".
Trước đó, trả lời báo chí trong cuộc phỏng vấn, ông Trần Bảo Quyến, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La cho biết: "Mục đích chính của đề án là nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu. Mà đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng” - ông Quyến khẳng định.
Cũng trong báo cáo của UBND tỉnh Sơn La về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2014 cho thấy, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo đến hết năm 2013, toàn tỉnh Sơn La còn 68.947 hộ nghèo, chiếm 27% tổng số hộ; 30.277 hộ cận nghèo, chiếm 11,86% tổng số hộ.
Báo cáo cũng cho biết, toàn tỉnh Sơn La còn 5 huyện nghèo được hưởng chính sách, 99 xã, 1.143 bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Minh Khuê

Một Thế Giới