NSND Kim Cương bức xúc cho Út Bạch Lan và Minh Vương việc phong tặng danh hiệu
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 05:58, 06/07/2015
Theo NSND Kim Cương, chẳng thà đừng xét tặng còn hơn, nếu xét thì phải xét cho thấu tình, đạt lý bởi sân khấu mang tính đặc thù, là công trình tập thể thì cơ chế xét duyệt cũng cần xem xét tính đặc thù đó.
Theo báo Người Lao động, sau đám tang GS-TS Trần Văn Khê, NSND Kim Cương tiếp tục gõ cửa các cơ quan chức năng để đặt vấn đề vì sao đợt xét duyệt danh hiệu NSND lần này lại không thể đặc cách cho 2 trường hợp mà theo bà là vô cùng xứng đáng, gồm: NSƯT Út Bạch Lan và NSƯT Minh Vương.
“Về công lao đóng góp của 2 nghệ sĩ sân khấu cải lương này thì báo chí đã giới thiệu, phân tích rất sâu và kỹ. Họ là 2 ngôi sao lớn của sân khấu cải lương mà tên tuổi được đồng nghiệp kính trọng, công chúng trong và ngoài nước đều yêu mến. Tại sao những người được ngồi trong hội đồng xét duyệt lại không xem xét đề nghị đặc cách để trao tặng phần thưởng xứng đáng của nhà nước cho 2 nghệ sĩ này?” - NSND Kim Cương đặt câu hỏi.
NSUT Kim Cương |
NSƯT Út Bạch Lan |
Khi các nghệ sĩ cùng trang lứa với nhau, cùng là ngôi sao một thời và cùng có vị trí trong lòng công chúng như nhau: Kim Cương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Lệ Thủy... đều đã được xét đặc cách trao tặng danh hiệu NSND, NSND Kim Cương thấy 2 đồng nghiệp còn lại của bà quá thiệt thòi nên đã gõ cửa nhiều nơi để “hỏi cho ra lẽ”.
Bà đã từng đặt ra vấn đề này trực tiếp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi ông đến thăm gia đình và thắp hương tưởng nhớ NSND Bảy Nam trong ngày 28 Tết Ất Mùi.
Là thành viên trong hội đồng xét duyệt danh hiệu NSND - NSƯT vào ngày 9-7, đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, nói: “Hội đồng chỉ xét duyệt trên cơ sở danh sách từ địa phương chuyển lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nếu từ địa phương không có đề xuất đặc cách như đợt xét duyệt trước thì hội đồng cấp bộ không thể tự đặc cách”.
Buồn thay, trong danh sách mà hội đồng xét đề nghị nhà nước trao tặng NSND, NSƯT của TP HCM gửi lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không có nghệ sĩ được đề nghị đặc cách như những năm trước. NSƯT Minh Vương buồn bã nói: “Có thể chờ một vé vớt, đó là đến khi lìa đời như một vài đồng nghiệp. Lúc đó, các văn nghệ sĩ là bạn bè có mặt ở đám tang cùng ký tên vào đơn kiến nghị nhà nước truy tặng danh hiệu NSND cho tôi”. Riêng NSƯT Út Bạch Lan không bình luận mà chỉ cười và bày tỏ lòng biết ơn đối với NSND Kim Cương khi đã liên tục kiến nghị đặc cách cho bà và người đã đoạt giải Khôi nguyên Vọng cổ 1964 là NSƯT Minh Vương.
Theo NSND Kim Cương, sân khấu phía Nam nhiều năm qua là điểm sáng của cả nước nhờ phát triển mô hình sân khấu xã hội hóa. Nghệ sĩ bỏ tiền làm sàn diễn, tụ họp đồng nghiệp dựng vở biểu diễn phục vụ công chúng. Vì vậy, họ không có cơ hội hay nói đúng hơn là không có điều kiện để đến với các liên hoan, hội diễn vì chẳng ai cấp kinh phí như các đoàn nhà nước.
Tháng ngày bám sàn diễn để cống hiến cho sân khấu, mỗi tấm vé khán giả ủng hộ cho mỗi suất diễn vừa giúp họ mưu sinh chân chính và tái tạo sức sáng tạo bằng tài năng của mình.
“Cá nhân mỗi nghệ sĩ lấy đâu ra điều kiện để dựng vở dự liên hoan, để cơm ghe bè bạn ra tận các tỉnh - thành xa xôi như các nghệ sĩ biên chế trong các đoàn của nhà nước. Họ không dự liên hoan đồng nghĩa không có huy chương vàng (HCV), huy chương bạc (HCB) để đủ tiêu chí xét duyệt. Điều này bất hợp lý mà vẫn cứ tồn tại, để sau mỗi đợt xét duyệt lại dấy lên trong lòng nghệ sĩ nỗi buồn” - NSND Kim Cương phân tích.
Theo bà, chẳng thà đừng xét tặng còn hơn, nếu xét thì phải xét cho thấu tình, đạt lý bởi sân khấu mang tính đặc thù, là công trình tập thể thì cơ chế xét duyệt cũng cần xem xét tính đặc thù đó. Việc đặc cách đợt trước rất được dư luận văn nghệ sĩ cả nước đồng tình, đợt này tại sao lại ngừng?
Cơ bản là phải có huy chương
Báo Pháp luật và Xã hội cho biết dựa theo tiêu chuẩn trong Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quỵ định vé xét tặng NSND, NSƯT, nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSND phải bảo đảm thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, có ít nhất hai giải vàng quốc gia sau khi đạt danh hiệu NSƯT. Nghệ sĩ muốn được xét tặng danh hiệu NSUT phải có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, có ít nhất hai giải vàng quốc gia hoặc một giải vàng và hai giải bạc quốc gia. Những tiêu chuẩn này thực sự vẫn có phần cứng nhắc và "làm khó" những người hoạt động nghệ thuật.
Bởi có nhiều nghệ sỹ, tài năng và cống hiến được công chúng ghi nhận, mến mộ nhưng vì một lí do nào đó/không tham gia hội diễn thì phải chịu thiệt thòi, "trắnq tay". Dân gian còn có câu “Thầy già, con hát trẻ", cái sự nhường vai chính của các nghệ sỹ lão luyện cho các nghệ sỹ trẻ là điều cần của sân khấu. Nhưng đó cũng là điều bất cập có thể khiến họ cả đời cũng không thể có được danh hiệu.
Đến NSƯT Chí Trung và NSƯT Minh Hằng, đang là biên chế của một nhà hát còn không đủ huy chương thì những nghệ sỹ tự do (nhưng nổi tiếng với nhiều đóng góp) thì lấy đâu ra môi trường để mà thi thố cho đủ huy chương. Với quy trình xét tặng hiện nay, nhiều nghệ sỹ cho hay, để đủ điều kiện đạt được danh hiệu NSƯT, họ đã ngót 40 tuổi. Và ở tuổi 40, ít người hào hứng và đủ dũng cảm đi thi để có thêm tận hai huy chương vàng nữa cho lần xét tặng NSND sau đó.
Mà hội diễn thì vài năm mới tổ chức một lần, mỗi khu vực cũng chỉ có một huy chương vàng. Thế nên mới có những câu chuyện cười ra nước mắt, khi ở nhiều nhà hát, với mục đích sưu tập cho đủ huy chương để đủ điều kiện xét tặng danh hiệu, các nghệ sỹ già quyết không nhường cơ hội đi thi cho thế hệ trẻ. Rồi thế mới có chuyện, những nàng công chúa, nàng sơn nữ, chàng hoàng tử cố nhí nhảnh, trẻ trung trên sân khấu mà vết chân chim đa đầy đuôi mắt.
Nên chăng, bên cạnh sự áp dụng đúng theo Nghị định, cần có một cách thức mở cho các hội đồng để có những trường hợp đặc cách. Bởi trước đây, Tường Vy, Thanh Huyền, Mai Khanh, Quý Dương, Trần Hiếu, Thu Hiển,Thanh Hoa... sau khi đạt NSƯT, không có người nào đoạt huy chương nhưng vẫn được phong tặng NSND vì được sự ghi nhận của nhân dân.
Công chúng khi đọc những cái tên nghệ sỹ trượt danh hiệu hay phải nhờ tới đặc cách với nhận được danh hiệu thấy buồn. Bởi dù huy chương, giải thưởng đúng là một cơ sở để chứng minh tài năng của người nghệ sĩ nhưng không thể lấy đồ là yếu tố quyết định để khẳng định vị thế nghệ thuật của họ.
PV