Hầu đồng nên để ở chùa, đền hay lên sân khấu?

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 09:24, 18/05/2015

“Nhiều người phản ứng khi chúng tôi chủ trương đưa nghi lễ Chầu văn, tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu. Tuy nhiên, theo tôi hầu đồng trên sân khấu và hầu đồng tại đền, phủ có sự khác nhau, vì thế không nên đồng nhất 2 hình thức biểu diễn đó”, ông Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết.

Ngày 16.5, tại Nhà hát thành phố Hải Phòng đã diễn ra Liên hoan nghệ thuật hát văn và Chầu văn Hải Phòng mở rộng năm 2015. Sự kiện này được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng, Sở văn hóa thể thao du lịch, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội văn nghệ dân gian Hải Phòng phối hợp tổ chức.

Liên hoan lần này nhằm chào mừng kỷ niệm 60 năm giải phóng Hải Phòng (1955-2015) và kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-2015). Đồng thời, góp phần củng cố hồ sơ mà Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã lập trình UNESCO công nhận văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Trong liên hoan sẽ biểu diễn 18 giá đồng của các nghệ nhân, thủ nhang đồng đền đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam… Các làn điệu hát Văn tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương, đất nước và các bài hát diễn xướng trong các giá hầu đồng.
hat-chau-van-Hai-Phong-mo-rong-2015-hinh-anh-1
 Các thanh đồng biểu diễn các giá đồng trên sân khấu.
Ông Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ, tín ngưỡng thờ Mẫu không ghi bằng văn tự, nghi lễ hầu đồng không có gì ghi chép lại nhưng nó vẫn tồn tại hàng trăm năm qua các thanh đồng truyền lại. Qua các liên hoan biểu diễn, các thanh đồng sẽ nhìn lại cái gì tốt cái gì xấu sẽ cải biến sao cho phù hợp với xã hội.

“Nhiều người phản ứng khi chúng tôi chủ trương đưa nghi lễ Chầu văn, tín ngưỡng thờ Mẫu lên sân khấu. Tuy nhiên, theo tôi hầu đồng trên sân khấu và hầu đồng tại đền, phủ có sự khác nhau, vì thế không nên đánh đồng 2 hình thức biểu diễn đó.

Chúng tôi trình diễn những gì tinh túy nhất của hầu đồng trên sân khấu để giới thiệu đến giới trẻ, những người không phải tín hữu, người nước ngoài để người ta hiểu hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam.

 Qua các buổi liên hoan biểu diễn Chầu văn, các bài hát văn còn gợi mở cho những nhà nghệ thuật sáng tạo ra những loại hình mới, hiện đại hơn, gần gũi với quần chúng hơn. Ví như người ta đưa piano vào hát văn, hay dựa vào những giá đồng mà sáng tạo ra những vở nhạc chèo sinh động và hấp dẫn…”,  ông Tứ cho hay.
hat-chau-van-Hai-Phong-mo-rong-2015-hinh-anh-2
 Ông Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (ngoài cùng bên phải) cũng tham dự liên hoan lần này.
Bên cạnh đó, theo ông Tứ thì tín ngưỡng thờ Mẫu bên cạnh việc bảo tồn thì cần phải làm mới hơn để phù hợp với xu hướng hiện đại.

“Tín ngưỡng ngày xưa là tín ngưỡng trong nông nghiệp cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Còn ngày nay, tín ngưỡng mang tính công nghiệp hóa đó là buôn may bán đắt. Vì vậy, đừng quá cứng nhắc trong việc đưa làn điệu mới vào nghệ thuật Chầu Văn. Mà khi đưa phải làm sao cho thật hay và khéo léo để người nghe cảm thấy mới mẻ nhưng vẫn phù hợp”, ông Tứ nói.

Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng, Trưởng phòng tổ chức nhà hát Chèo Hà Nội kiêm thủ nhang đồng đền biểu diễn tại Liên hoan lần này cho biết: “Qua liên hoan lần này, tôi và những nghệ nhân khác mong muốn sẽ vén được bức màn thần bí nơi cửa đền, cửa phủ và đưa tín ngường thờ Mẫu đến gần hơn với tâm hồn Việt. Đồng thời, muốn cho người dân hiểu được tín ngưỡng đạo Mẫu gốc của người Việt đó là thờ những người như Mẫu Âu Cơ, Mẫu Liễu Hạnh…”.
hat-chau-van-Hai-Phong-mo-rong-2015-hinh-anh-3
 Nghệ nhân Hoàng Tiến Hưng, Trưởng phòng tổ chức nhà hát Chèo Hà Nội kiêm thủ nhang đồng đền đang biểu diễn giá đồng Quan lớn Đệ tam.
Nghệ nhân Hưng còn cho biết thêm, hiện mong muốn lớn nhất của ông là việc đưa Chầu văn vào giảng dạy trong các trường Đại học cho sinh viên các ngành văn hóa, du lịch.

“Năm 2013, 2014, tôi có kết hợp cùng với khoa Văn hóa của trường Đại học Văn hóa và khoa Du lịch của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đưa văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu vào trường để giảng dạy cho sinh viên. Tôi mong muốn, những người quản lý trong tương lai phải biết và nắm rõ hơn về văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và nghệ thuật hát văn”, ông Hưng nói.

Nghệ thuật hát văn đã được đúc kết từ thời ông cha xưa để lại và nối truyền đến ngày nay. Ngày xưa, triều đại nhà Nguyễn là thời kỳ mà hầu bóng được mở ra và phổ biến từ đó. Các đền, phủ hầu được mở ra trong cung đình ở Huế phục vụ vua quan và cả người dân.

Có thời kỳ loại hình tín ngưỡng này bị cấm vì bị cho là mê tín, dị đoan, song với những giá trị, tính nhân văn vốn có, Đạo Mẫu đã được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.

Mẫu trong Đạo Mẫu là một hình tượng của người mẹ Việt Nam, hình tượng của một đấng thần linh luôn luôn cứu vớt chúng sinh thoát khỏi những cơn hiểm nguy trong cuộc sống. Nét đặc trưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi thức hầu đồng.

Với 36 giá đồng, Mẫu đã hoá thân vào tất thẩy để giúp cho nhân dân, cầu cho nhân dân vượt qua mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, no ấm, hoà bình hơn. Đặc biệt, Đạo Mẫu luôn ca ngợi, tôn vinh công đức của những danh nhân, những người có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giúp đỡ nhân dân thoát khỏi những tai ương trong cuộc sống.

Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, Đạo Mẫu còn tích hợp những giá trị văn hoá, nghệ thuật mà ít có tín ngưỡng nào có được gồm: văn học dân gian, nghệ thuật diễn xướng (hát, múa, nhạc), tạo hình. Đây cũng là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng, thu hút nhiều người, nhất là các bà, các mẹ tham gia.
hat-chau-van-Hai-Phong-mo-rong-2015-hinh-anh-4
 Ban tổ chức Liên hoan trao bằng khen cho các nghệ nhân, thanh đồng tham gia biểu diễn.
Trong quá trình hình thành, phát triển của Đạo Mẫu có hàng trăm bài văn chầu được dân gian sáng tác. Các bài văn chầu được ví như những truyền thuyết bằng thơ, thường có hàng trăm câu với nội dung mô tả cảnh tình, ca ngợi công đức, răn dạy người đời.

Đạo Mẫu sản sinh ra những hình thức diễn xướng riêng, bắt nguồn từ dân gian, mang sắc thái dân gian độc đáo, không bị trộn lẫn với bất cứ hình thức diễn xướng nào. Nét đặc trưng của hình thức diễn xướng này là hát chầu văn. Tự bao đời, dân gian đã sáng tạo nên hàng chục điệu chầu khác nhau như Bỉ, Miễu, Thống, Phú, Dọc, Cờn, Xá...

Bà Trần Thị Thanh Hải, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát văn và chầu văn Hải Phòng mở rộng 2015 cho biết: “Liên hoan lần này nhằm giúp người dân hiểu hơn được về cái gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu và làm sao cho công chúng chấp nhận được những cái mới, cái sáng tạo để phù hợp với đời sống hiện tại”.

 Triệu Quang

Một Thế Giới