Còn đó những tấm lòng tâm huyết với…cổ tích!

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 10:43, 08/05/2015

Một hội thảo khoa học tầm cỡ nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Học giả - Nhà văn Nguyễn Đổng Chi, tác giả bộ sách nổi tiếng "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" do hội nghiên cứu giảng dạy văn học TPHCM, tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và nhà xuất bản Trẻ tổ chức sáng  7.5.2015...
Thưở nhỏ không có Ipad, games, facebook… tuổi thơ chúng tôi say sưa với những câu chuyện cổ tích của học giả Nguyễn Đổng Chi: Sự tích quả dưa hấu, sự tích trái sầu riêng, sự tích đất nước Việt, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam…. Mỗi câu chuyện mà khi đọc, sự tưởng tượng hồn nhiên ấy cứ theo vẫn suốt cho đến lúc trưởng thành.
Nguyen Dong Chi
Nhà báo Nguyễn Công Khế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên phát biểu khai mạc buổi hội thảo Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Học giả -Nhà văn Nguyễn Đổng Chi
Chính vì vậy, sáng nay 7.5.2015, một hội thảo về Học giả - Nhà văn Nguyễn Đổng Chi – người nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 -  nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (6.01.1915 – 6.01.2015) do Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, NXB Trẻ, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM (NC&GDVH) đã thu hút gần 200 học giả, nhà nghiên cứu - phê bình, các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như GS Phong Lê, Nguyễn Thế Hữu, Trần Thị Băng Thanh, Trần Hữu Tá, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trần Hoài Anh, Nguyễn Thành Thi, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Quang Thân, Lưu Trọng Văn, Trần Lê Hoa Tranh, Nguyễn Hữu Sơn, Hồ Quốc Hùng… thật sự làm cho nhưng người nghe hết sức xúc động.
Nguyen Dong Chi
PGS Trần Hữu Tá, đoàn Chủ tịch hội thảo đang phát biểu  
Vẫn còn đó những tấm lòng tâm huyết với cổ tích, PGS TS Trần Thị An, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhớ lại: “Tôi đọc Nguyễn Đổng Chi khi mới là học sinh cấp 1 của một trường làng. Chính tại không gian làng quê heo hút, nơi chân trời được giới hạn bởi một đoạn đường quanh co bị chặn lại bởi những ngọn núi, những câu chuyện cổ tích của ông đã tạo nên một ấn tượng sâu sắc không thể phai mờ về một thế giới của lòng nhân, tính thiện; đã ươm trong tôi những hạt giống ước mơ mà nhờ nó tôi đã vươn ra khỏi lũy tre làng để tới những chân trời mới.
Nguyen Dong Chi
 Mọi KonTum - Một tác phẩm nghiên cứu dân tộc học có giá trị và đầu tiên ở Việt Nam ở thể loại này do hai anh em Nguyễn Kinh Chi - Nguyễn Đổng Chi thực hiện
Bản thân tôi cũng không ngờ để hiểu được người kể chuyện duyên dáng và hóm hỉnh đó, cần phải khổ học nhiều năm vẫn chưa đủ; nhưng có một điều chắc chắn là để hiểu điều ông kể thì cần có/cần nuôi dưỡng một tâm hồn trong trẻo – đó cũng chính là điều Nguyễn Đổng Chi muốn đạt tới thông qua những câu chuyện mang khát vọng về sự chiến thắng của cái thiện mà ông khổ công suốt cả cuộc đời dành cho người đọc”.
Nguyen Dong Chi
Giáo sư Phong Lê băn khoăn, tầm vóc "Nguyễn Đổng Chi, nhà văn hóa lớn xứ Nghệ" với rất nhiều cống hiến ở các lĩnh vực nghiên cứu khác như dân tộc học, văn học... nhưng đến hôm nay vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Ông tin từ hội thảo này các di cảo của học giả sẽ được xuất bản
PGS -TS Ngữ văn Trần Hữu Tá - Chủ tịch Hội NC&GDVH TP HCM còn kể nhiều kỷ niệm gắn bó với học giả Nguyễn Đổng Chi và căn phòng nhỏ bé mấy chục m2 ở khu tập thể đông đúc:
“Gương khổ công tự học, tự học suốt đời của ông đáng được các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau noi theo. Do gia đình ông thuộc loại “cừu gia tử đệ” nên bị chính quyền thực dân thường xuyên gây khó dễ, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, vì vậy Nguyễn Đổng Chi mới chỉ học hết năm thứ ba bậc Trung học tại một trường tư thục ở Vinh. Không chịu rơi vào bi kịch học hành dang dở, ông tìm đến với hai ông thầy lớn: sách vở và trường đời. Đang thuộc lứa tuổi chưa đến độ thành niên, Nguyễn Đổng Chi đã “hạ quyết tâm” không ra khỏi nhà, chuyên tâm tự học. Ông cạo trọc đầu suốt mấy năm liền, “nghiền” bằng hết tủ sách rất phong phú của ông cha, đồng thời nâng trình độ Hán văn và Pháp văn, đủ để có thể sử dụng thành thục hai ngoại ngữ rất cơ bản ấy” - PGS -TS Ngữ văn Trần Hữu Tá bộc bạch.
Nguyen Dong Chi
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển dành trọn số đặc biệt tháng 5.2015 để giới thiệu các bài viết nghiên cứu của giới học giả về Nguyễn Đổng Chi và buổi hội thảo do Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên tổ chức
Còn nhà báo Nguyễn Công Khế khẳng định: “Tuổi thơ của chúng ta đi qua những câu chuyện cổ tích dưới muôn ngàn sắc thái, với biết bao bài học về cuộc sống, về nhân tình thế thái. Mỗi câu chuyện cổ tích làm cho tâm hồn chúng ta trong sáng hơn, nhân cách chúng ta cao quí hơn, vốn sống của chúng ta giàu có hơn, thì chính bộ sách đồ sộ “Kho tàng truyện cổ tích VN” của GS Nguyễn Đổng Chi đã góp phần rất lớn để tuổi thơ mỗi chúng ta có được mọi điều tốt đẹp đó”.
Nguyen Dong Chi
Đoàn chủ tịch Hội thảo: Nhà báo Nguyễn Minh Nhựt - giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp (Viện Văn học), nhà báo Nguyễn Công Khế và giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Kính
GS Phong Lê (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) còn thẳng thắn đề nghị: “Với tôi, một tên đường hoặc một tên trường mang tên Nguyễn Đổng Chi ở quê hương xứ Nghệ, chắc chắn không phải là điều lúc sinh thời ông mong muốn, nhưng với chúng ta và hậu thế là rất nên có, chớ nên để muộn”
Nguyen Dong Chi
Một bộ sưu tập khá công phu về tác phẩm, cuộc đời, sự nghiệp của học giả, nhà văn Nguyễn Đổng Chi được gia đình và bạn bè đưa từ Nghệ An, Hà Nội... vào TP.HCM để giới thiệu trong buổi hội thảo là một bất ngờ thú vị cho khán giả 
Được biết, để có được cuộc hội thảo hoành tráng như ngày hôm nay, chúng tôi được biết Ban tổ chức phải vất vả rất nhiều trong việc tập hợp các tư liệu, xin giấy phép và xuất bản hẳn một cuốn kỷ yếu đồ sộ với gần 60 bản tham luận được nghiên cứu rất công phu và tâm huyết. Điều đó chứng tỏ rằng. giữa thời buổi cơ chế thị trường hiện nay, vẫn còn đó những tấm lòng say mê với cổ tích, để thế hệ sau vẫn “không được lãng quên” một cây đại thụ như học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi và Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam độc đáo, tồn tại mãi với thời gian.

GS Nguyễn Đổng Chi sinh ngày 6.1.1915 tại Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Cụ thân sinh là nhà giáo có đức độ và uy vọng Nguyễn Hiệt Chi, đỗ đầu xứ nên được gọi là đầu xứ Thuận. Thân mẫu ông  là cụ Nguyễn Thị Diên, thuộc dòng họ Thám hoa Nguyễn Văn Giai, là người cùng xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Sau ngày đất nước thống nhất, ông có mặt trong Ủy ban Đổi tên đường phố Sài Gòn; làm chuyên viên Ban Sử học của Viện Khoa học xã hội TP.HCM. Tháng 9.1977, ông ra Hà Nội nhận chức Trưởng ban Ban Hán Nôm, thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Năm 1979, Ban này trở thành Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Nguyễn Đổng Chi được bổ nhiệm Quyền Viện trưởng.

Ông được phong Phó Giáo sư năm 1980, Giáo sư năm 1984. Cụm tác phẩm Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Địa chí văn hóa dân gian Nghệ-Tĩnh được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996). Ông được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì (1999). Nhiều tỉnh, thành (Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM, Kiên Giang) đã đặt đường phố mang tên ông.

Bài: Lê Công Sơn - Ảnh: Thăng Long 

Một Thế Giới