Sự thật vụ nghệ sĩ Chí Trung “ra đi” bất thình lình vì gặp tai nạn giao thông
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 12:00, 27/04/2015
Từ đỉa " ẩn mình" trong kẹo
Từ lâu nay, loài đỉa vốn là đề tài được nhiều người mượn để “sáng tác” tin đồn trên mạng Internet. Gần đây nhất là câu chuyện đỉa được gắp ra từ bụng một bệnh nhân sau khi người này ăn loại kẹo cổ nguồn gốc từ Trung Quốc. Tin đồn được phát tán từ facebook có nickname “Bác sĩ T.N”, tự giới thiệu đang công tác tại Bệnh viện Bạch Mai. “Bác sĩ T.N.” đã chia sẻ những hình ảnh ghê rợn về một ca phẫu thuật với một số lượng lớn các con đỉa được cho là lấy ra từ bụng một bệnh nhân ở Tuyên Quang.
“Bác sĩ T.N” viết: “Cách đây không lâu bọn chúng đã mua đỉa đem về sấy khô tán thành bột và làm thành kẹo. Khi loại kẹo này gặp nước, đỉa sẽ sống lại và lớn rất nhanh khi được hút máu”.
Tuy nhiên, đại diện Bệnh viện Bạch Mai khẳng định nhân vật đưa thông tin không nằm trong danh sách cán bộ bệnh viện Bạch Mai. Đây là thông tin thất thiệt. Tương tự, ngày 9/4, một tin đồn kinh hoàng nữa lại xuất hiện trên mạng xã hội facebook. Theo tin đồn này ngày 9/4, tại ký túc xá ĐH Công nghiệp Hà Nội, người ta phát hiện thi thể em P.T.A., sinh viên của trường, bị hiếp dâm và sát hại trước đó khoảng 6-7 ngày. Ngoài dòng thông tin, kẻ tung tin còn đăng tải kèm theo hình ảnh vụ việc.
Mặc dù đầy đủ chi tiết, hình ảnh “như thật”, nhưng thông tin trên là hoàn toàn bịa đặt. Bởi bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó trưởng phòng Tổ chức Hành chính, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhà trường chưa hề nhận được bất cứ thông tin nào liên quan đến việc nữ sinh của trường bị giết.
Ngoài ra, Công an quận Bắc Từ Liêm cũng khẳng định, chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ đơn vị địa phương cũng như thông tin từ quần chúng nhân dân. Công an TP. Hà Nội đã cử cán bộ xác minh sự việc và truy tìm người đưa thông tin trên lên mạng xã hội facebook.
Cũng trong đầu năm 2015, tin đồn về nữ quái “Hương mắt lồi” cũng đã khiến không ít người lo lắng. “Hương mắt lồi” là tên cướp tinh vi khiến người dân Sài Gòn lo lắng vào những năm 2005 - 2010. Gần đây, cộng đồng facebook trở nên sôi sục vì thông tin tên cướp này tái xuất và trở nên rất manh động ở khu vực Q.3, Q.5, Q.10 - TP.HCM. Mặc dù các cơ quan chức năng khẳng định thông tin trên là bịa đặt, nhưng vụ việc đã gây nên tâm lý bất an khi ra đường cho người dân.
Một kiểu tin đồn khác phổ biến nhưng cũng đánh lừa được nhiều người đọc trên mạng xã hội là việc tung tin các nghệ sĩ nổi tiếng qua đời. Một trong những nạn nhân là nam ca sỹ trẻ Sơn Tùng M- TP. Ca sỹ này bị ốm trong quá trình tham dự một cuộc thi truyền hình thực tế. Ngay lập tức tin anh... qua đời được đăng tải trên mạng xã hội.
Nghệ sỹ Chí Trung cũng đã từng bị “chết oan trên mạng xã hội” khi một facebook cá nhân dẫn links từ một bài báo với dòng caption hết sức “giật gân”: “Kinh hoàng! Nghệ sỹ Chí Trung “ra đi” vì gặp tai nạn giao thông trên đường! Táo Giao thông “ra đi” vì giao thông... ôi... thật không ngờ...
Chí Trung viết status đính chính mình vẫn... còn sống để đáp trả lại thông tin thất thiệt- sở dĩ có thông tin ác ý này, là bởi trước đó nghệ sỹ Chí Trung có chia sẻ trên trang cá nhân rằng anh gặp tai nạn trên đường , nhưng chỉ là một tai nạn nhỏ. Và bức ảnh anh đang nằm viện đã bị lợi dụng để làm tăng thêm cho tính “chân thực” của tin đồn nhảm kia.
Nhận án phạt vì "vạ miệng"
Dù không ít trường hợp đã bị phạt vì “chém gió” trên facebook, nhưng chuyện sáng tác tin đồn vẫn chưa chịu dừng lại. Chỉ vì muốn nổi tiếng, Ngô Đình Sơn (SN 1993) trú phường Hải Đình, TP. Đồng Hới, Quảng Bình đã lập một trang facebook có tên là “Quảng Bình quê ta” rồi tung tin giết người lên đó. 21/2/2014, Sơn tung hoang tin: Tại địa bàn Quảng Bình, một thanh niên đi trên xe Toyota Camry do va quẹt với xe tải đã chặn đầu xe tải, xả súng làm tử vong 2 người trên xe tải rồi vứt xe bỏ chạy.
Tại cơ quan điều tra, Sơn thừa nhận bịa đặt thông tin trên nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi và để cho nhiều người biết đến facebook “Quảng Bình quê ta” hơn. Với hành vi này, Ngô Đình Sơn đã bị phạt 25 triệu đồng về việc lập mạng điện tử không có giấy phép và đưa thông tin không đúng sự thật.
Sáng 22/8/2014, Công an Hà Nội cũng đã tiến hành xử phạt hành chính cặp vợ chồng Vương Bá H. (SN 1983, ở Đống Đa, Hà Nội) và Đỗ Thuỳ L. (SN 1985, quê Hưng Yên) mỗi người 10 triệu đồng liên quan đến việc “sáng tác” tin đồn: Việt Nam đã có bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên, đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.
Họ đã đưa tin không đúng sự thật, gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước và hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai. Tương tự, Võ Quốc Anh (20 tuổi, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), chủ nhân của tài khoản facebook mang tên “Yamaha Xóm Chùa” cũng nhận được bài học đắt giá khi tung hoang tin lên facebook.
Theo đó, vào hai ngày 17 và 18/11/2014, Quốc Anh đã đăng tải hình ảnh kèm theo dòng tin bắt giữ người thả 30kg rắn lục đuôi đỏ ở huyện Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi. Ngay sau khi Võ Quốc Anh cập nhật trạng thái lên trang facebook cá nhân, đã có hàng ngàn lượt like (thích) và gần 1.000 lượt chia sẻ thông tin này. Tuy nhiên, ngay cả khi bị Cơ quan điều tra sờ gáy, Võ Quốc Anh vẫn chưa ý thức được việc làm sai trái của mình. Nam thanh niên này cho rằng, đơn giản là vì chỉ muốn mua vui trên facebook chứ không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư TP. Hà Nội, hành vi bịa đặt, thêu dệt các câu chuyện chết người, tai nạn, hiếp dâm, đánh nhau ở một địa điểm nào đó trên Facebook là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự quy định: Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet. Điều 226 ghi rõ: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Thạc Sỹ, Luật Sư Phạm Thanh Bình – Công Ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội:
“Người sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống… sẽ bị xử lý hình sự”
Hành vi cung cấp, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Xử phạt hành chính: Nếu thông tin thất thiệt có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì hành vi tung hoang tin, bịa đặt bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm C khoản 1 Điều 6 Nghị định 28/2009/NĐ-CP và điểm b khoản 5 Điều 6 Nghị định 63/2007/NĐ-CP, hành vi “cung cấp,trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Theo Điều 37 Bộ luật Dân sự, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Xử lý hình sự: Tùy theo từng trường hợp, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể xử lý như sau:
- Nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.
- Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người tung tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, người nào thực hiện hành vi “đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trượng hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này” xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.
- Ngoài những quy định chung nêu trên, tùy theo từng lĩnh vực, người có hành vi tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý riêng theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực đó. Ví dụ người có hành vi “bịa đặt, loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường” có thể bị phạt theo Điều 18 Nghị định 84/2011/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; người có hành vi “tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.