Bi hài muôn cảnh 'vạch áo…' chốn hậu trường của nghệ sĩ Việt

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:00, 22/04/2015

Những lùm xùm với nghi án mua giải, đổi tình là câu chuyện cơm bữa trong các cuộc thi gameshow thực tế ở Việt Nam. Bất chấp danh tiếng, bất chấp cả những hình ảnh đẹp đẽ đã được tạo dựng trong suốt cuộc thi, nhiều nghệ sỹ sẵn sàng đăng đàn kể xấu, "vạch áo" những câu chuyện phía sau hậu trường khiến hình ảnh đời sống showbiz vốn phức tạp lại càng trở nên xấu xí trong mắt khán giả.

Không ăn được thì đạp đổ

Lâu nay, người ta vẫn bàn luận nhiều về cuộc đổ bộ thần tốc của truyền hình thực tế vào Việt Nam. Mới chỉ nở rộ trong vòng khoảng 5 năm, thế nhưng dường như mọi phiên bản gameshow trên thế giới đều có mặt ở nước ta. Rất nhiều nghệ sỹ Việt đã bị truyền hình thực tế thu hút như một ma lực dù cát xê không cao, thậm chí phải móc tiền túi để tham gia. Tất cả đều có chung một mục đích: Hình ảnh của mình được phủ sóng một cách rộng rãi trên ti vi. Thế nhưng, vì nhiều lẽ, kết quả cuối cùng dường như thường đi ngược với mong muốn đó của nghệ sỹ. Tính đố kỵ, luôn xem mình là nhất, đã biến truyền hình thực tế trở thành một "thí nghiệm", "chất xúc tác" để lột tẩy, bóc trần bản chất ăn thua, hiếu thắng của nhiều người nổi tiếng.
Bi hai muon canh  vach ao…  chon hau truong cua nghe si Viet-hinh-anh-1
 Vũ công chuyên nghiệp Diệp Lâm Anh hậm hực khi không đạt thứ hạng cao

Mới đây, nữ vũ công chuyên nghiệp kiêm ca sỹ Diệp Lâm Anh, người giành giải Tư chung cuộc chương trình Bước nhảy hoàn vũ (BNHV) 2015, đã lên tiếng cho rằng, trong đêm chung kết, BTC đã cố tình chơi xấu, chèn ép khiến cô chỉ lọt vào top bốn của cuộc thi. Người về ba, diễn viên Chi Pu cũng cho rằng, không thực sự hài lòng với kết quả chung cuộc. Diệp Lâm Anh cho rằng, mình đáng ra phải có thứ hạng cao hơn.

Nghĩ rằng cuộc thi thiếu công bằng, ca sỹ Diệp Lâm Anh chia sẻ: “ Ở lượt biểu diễn đầu, tôi đã thể hiện trọn vẹn, kể cả các động tác phối hợp bưng bê khó. Đến bài thứ hai, tôi dồn hết sức để thể hiện trong tiết mục cuối trên sân khấu. Tôi thấy mình không mắc lỗi nào trong cả hai bài nhảy. Trong khi phần thi của các thí sinh Ninh Dương Lan Ngọc và Angela Phương Trinh múa nhiều hơn là nhảy, thậm chí họ không mang giày cao gót để nhảy dancesport vì sợ ngã. Việc này tuy nhỏ nhưng lại chứng tỏ thiếu chuyên nghiệp. Trong khi giày cao gót trong khiêu vũ là nền tảng cơ bản để đánh giá khả năng nhảy, và cũng là thử thách mà vũ công phải vượt qua”.

Ngoài kỹ thuật nhảy, ca sỹ Diệp Lâm Anh còn cảm thấy các tiết mục thi của cô không được ban tổ chức ưu ái dàn dựng. Cô chia sẻ: “Thật ra ở phần kết thúc bài nhảy thứ hai “Chạng vạng”, tôi đã lên kế hoạch cho mình và bạn nhảy Zhivko thực hiện động tác bay lên. Vì đó là cái kết đầy tính tượng hình về cái chết của nhân vật mà tôi khắc họa sau khi cô bị người yêu cắn cổ để trở thành ma cà rồng. Nhưng tôi không được hỗ trợ phần này do đã có Phương Trinh và Lan Ngọc bay rồi. Động tác đu dây hay hiệu ứng khói lửa trên sân khấu, tôi cũng không nhận được sự giúp đỡ từ ban tổ chức”.

Những chia sẻ có phần công khai “sân sau” cuộc thi BNHV của Diệp Lâm Anh đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng, gameshow luôn tồn tại những mặt trái như chuyện chơi xấu, dìm hàng giữa các đồng nghiệp. Ngoài ra, với những thí sinh luôn được ưu ái vì là người nhà hoặc có khả năng làm nóng cả một chuỗi chương trình nhờ những scandal tình ái. Tuy nhiên, một số khán giả cũng nhận định rằng, phải chăng đây là lâm lý “ăn thua” của thí sinh, khi không được giải cao lại quay ra nói xấu BTC để “vớt vát’ tên tuổi? Đó phải chăng là một dạng tâm lý, không ăn được thì đạp đổ? Hành động tố cáo, dìm hàng liệu có đang trở thành trào lưu của một bộ phận nghệ sỹ Việt?

Không có lửa làm sao có khói?

Chia sẻ quan điểm trên một số diễn đàn, nhiều khán giả cho rằng, chiến thắng trong các gameshow thường rất cảm tính. Tuy nhiên, những lùm xùm ấy lại thường được nhen lên từ những bằng chứng "khó chối cãi". Một số chuyên gia đặt ra câu hỏi: Không có lửa làm sao có khói?

Nghi án mua giải của Ninh Dương Lan Ngọc đạt đến đỉnh điểm khi có thông tin đồn đoán rằng, cô đang cặp kè với ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc công ty Cát Tiên Sa, đơn vị sản xuất chương trình này. Trong suốt cuộc thi, tin nhắn chưa bao giờ là lợi thế của Lan Ngọc . Cô cũng không được BGK đánh giá cao về chuyên môn. "Tài sản lận lưng" của Ngọc khi đến với cuộc thi chỉ là một vai diễn của cô trong bộ phim điện ảnh Cánh đồng bất tận.

Nhiều người trong nghề bày tỏ sự ngạc nhiên khi một vũ công chuyên nghiệp như Diệp Lâm Anh lại phải chịu thất bại trước một dancer nghiệp dư như Ninh Dương Lan Ngọc. Tuy nhiên, đây là một cuộc chơi của 50% thực lực nghệ sỹ và 50% của những tin nhắn bình chọn. Đồng ý tham gia nghĩa là họ phải chấp nhận "luật chơi" hát hay, nhảy giỏi không bằng có nhiều người hâm mộ. Biết là vậy, thế nhưng tính minh bạch của hệ thống tin nhắn bình chọn cho đến nay vẫn là dấu hỏi lớn đối với nhiều người.

Ngay cả Quang Lê cũng từng bức xúc khi cho rằng Bài hát yêu thích đang cố tình “chơi” mình. Anh cho hay: “Không biết bài hát yêu thích đang chơi trò gì nữa. Ban đầu lượt bình chọn của tôi đang 6.063 (20.93% trên tổng số) một ngày sau lượt bình chọn tụt xuống 5.835 bình chọn. Chúng tôi không ham mê giải thưởng, tôi cũng không tranh giành mà thấy nực cười vì họ tự đề cử rồi tự động sửa đổi bình chọn... Rồi thí sinh Uyên Nguyên cũng tố Đàm Vĩnh Hưng và BTC X - Factor chèn ép, chơi xấu mình.

Tuy nhiên, sau câu chuyện "vạch áo cho người xem lưng", người nghệ sỹ thường để mất hình ảnh của mình trong mắt công chúng. Chuyên gia tâm lý Phan Cảnh Hà cho biết: “Không biết từ bao giờ, showbiz Việt lại có hiện tượng “ăn không được thì hất đổ” phản ánh việc thí sinh sau khi tham gia thi mà không được tung hô, đoạt giải thì tố cáo ngược lại BTC? Tôi nghĩ rằng, nhiều nghệ sỹ có cái tôi quá cao nên lúc nào cũng nghĩ mình là nhất, vì thế khi không được xướng tên, vinh danh thì hậm hực với BTC.

Phản hồi về các tin đồn, đại diện BTC khẳng định, họ không ưu ái bất cứ thí sinh nào. Khi làm chương trình, chúng tôi luôn muốn mỗi show diễn phải thu hút người xem. Sự đầu tư dàn trải cho các thí sinh, chứ không tập trung cho một người nào. Có thể tuần này, thí sinh này được hỗ trợ hoành tráng, tuần sau thí sinh khác lại được. Điều đó tùy thuộc vào nội dung và bài biên đạo của từng tiết mục.
Bi hai muon canh  vach ao…  chon hau truong cua nghe si Viet-hinh-anh-2
 Giám khảo Trần Ly Ly

Ở góc độ chuyên môn, biên đạo múa Trần Ly Ly chia sẻ: “Những người không rành về chuyên môn sẽ khó phân biệt được đâu là múa và nhảy. Với tiêu chí của cuộc thi, các tiết mục là một tác phẩm trình diễn được hòa quyện với nhiều yếu tố từ nội dung, bước nhảy và cảm xúc. Vì vậy các bài thi của chung kết đã được cho điểm hợp lý”. Tuy nhiên, nữ giám khảo cũng thừa nhận, dancesport đúng là nên nhảy trên giày cao gót, nhưng tùy từng bài biểu diễn mà cần thiết sử dụng hay không. Trong đêm chung kết, bài nhảy hóa thân thành Thị Nở của Chi Pu hay màn múa Trung Quốc của Lan Ngọc không thể nhảy trên giày cao gót. “Nhân vật Thị Nở là một hình tượng quê mùa, ngây dại nếu đi giày cao gót thì không ra được chất của nhân vật” -Trần Ly Ly nói.

Theo Đời sống & pháp luật

Dễ “ mất điểm” trong giới và người hâm mộ

Chuyên gia Phan Cảnh Hà cho biết thêm: Một bộ phận nghệ sỹ Việt đang có biểu hiện hành xử thiếu thông minh khi không đạt giải cao là quay lưng rồi nói xấu, tố cáo BTC trên các phương tiện truyền thông. Tôi cho rằng đây không phải là cách sống văn minh. Nếu bức xúc, không hài lòng thì nên đến gặp thẳng BTC cuộc thi để đưa ra ý kiến của mình. Càng là nghệ sỹ và hoạt động trong showbiz thì càng nên giữ hình ảnh cho mình, không phải cứ hơi một chút là lên truyền thông tố cáo một chiều. Cách lu loa như thể mình là trung tâm của vũ trụ chính là con dao hai lưỡi sẽ làm cho nghệ sỹ “mất điểm ” trong giới và người hâm mộ...”.

Một Thế Giới