Ngắm phố cổ Hà Nội thời kì Pháp thuộc
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 11:10, 18/04/2015
Những con phố như Hàng Đồng, Hàng Nón, Hàng Bạc, Hàng Mắm, Lò Rèn… ở Hà Nội trải qua quá trình hình thành và phát triển, trường tồn cùng thời gian.
Tối 17.4, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hàng Buồn, Hoàn Kiếm), Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với thành phố Toulouse (Pháp) đã tổ chức Triển lãm “Kẻ chợ - Phố cổ”.
Triển lãm tái hiện quá trình hình thành và phát triển của khu phố cổ Hà Nội, một trong những khu phố buôn bán truyền thống cuối cùng của Đông Nam Á.
Thông qua các hình thức trưng bày phong phú như hình ảnh, panô, sơ đồ, mô hình..., triển lãm giới thiệu đến người xem những thay đổi của khu phố cổ theo thời gian, công tác trùng tu phố cổ, mô hình kiến trúc nhà ở, các sinh hoạt của người dân xưa và nay. Đặc biệt, tại đây cũng trưng bày sơ đồ hình thành và phát triển của Hà Nội từ thời Hùng Vương đến nay.
Hà Nội bắt đầu được hình thành từ ngôi làng Long Đỗ nằm ở hợp lưu sông Hồng và sông Tô Lịch, trải qua các thời kỳ Tống Bình-Thăng Long-Đông Đô-Đông Quan-Đông Kinh-Bắc Thành-tiếp tục Thăng Long và Hà Nội ngày nay.
Từ năm 2010, nhóm chuyên gia thành phố Toulouse đã thu thập, sưu tầm tài liệu lưu trữ từ cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước, phối hợp với các nhà khoa học, nhà sử học Việt Nam, nhà thiết kế đồ họa, các họa sĩ, nhiếp ảnh... để thực hiện triển lãm.
Triển lãm muốn hướng đến những người dân đang sinh sống trong khu phố cổ Hà Nội để họ hiểu hơn giá trị nơi họ đang sống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị phố cổ Hà Nội.
Một số hình ảnh các tuyến phố cổ Hà Nội xưa tại triển lãm:
|
Rất đông người dân đã đến tham dự triển lãm để tìm hiều về một Hà Nội xưa và so sánh với một Hà Nội nay. |
|
Những bức ảnh ghi lại quá trình hình thành và phát triển của khu phố cổ Hà Nội. Trải qua quá trình phát triển nhanh chóng của Hà Nội, khu phố cổ vẫn là trung tâm văn hóa-kinh tế và là điểm du lịch hấp dẫn của thành phố. |
|
Phố Hàng Lọng xưa nay là tuyến phố Lê Duẩn. Con phố này ngày xưa chuyên làm lọng để cho các người hầu kẻ hạ che mưa che nắng cho các bề trên của mình. |
|
Tuyến phố Hàng Khay gần Hồ Gươm không có nhiều thay đổi so với bây giờ với 2 hàng cây xanh mát 2 bên đường. |
|
Phố Hàng Tre ngày trước có tên là phố Hàng Cau do các thuyền bè buôn cau thường hay đổ về đây buôn bán. Về sau, nơi đây trở thành nơi tháo dỡ các bè mảng chở gỗ và tre nứa từ miền ngược về nên gọi là Hàng Tre. |
|
Chùa Quan Thượng nằm bên Hồ Gươm nhưng sau này bị quân Pháp phá bỏ để xây tòa nhà Bưu điện, Phủ Thống sứ và chỉ giữ lại tháp Hòa Phong. Ngày nay, đây là tuyến đường Đinh Tiên Hoàng. |
|
Phố Hàng Mắm là cửa ngõ buôn mắm để các vạn chài ven sông Hồng trao đổi buôn bán. Đến nay, người buôn mắm đã chuyển hết vào chợ Hàng Bè nhưng tên phố thì vẫn giữ nguyên như vậy. |
|
Phố Hàng Đồng chuyên cung cấp các vật dụng làm bằng đồng như chân nến, đỉnh, thau, chậu… Các cửa hàng ở phố này chỉ bày bán các sản phẩm làm từ đồng và thu mua đồng cũ. |
|
Phố Lò Rèn nằm trên đất Tân Khai xưa có người dân chuyên đi sửa chữa các nông cụ, đồ dùng sinh hoạt ở khắp nơi. Do nằm gần sông Tô Lịch nên sau khi con sông bị lấp, nơi đây trở thành phố, có nhiều người tụ về làm nghề rèn. Nhất là sau khi thực dân Pháp xây dựng cầu Long Biên, nhu cầu sử dụng về nguyên vật liệu như tán ốc vít, bu lông nhiều nên nghề rèn khá phát triển nơi đây. |
Một Thế Giới