Nghệ sĩ bức xúc vì nhà hát được xây theo kiểu 'bức tử cải lương...'
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 05:25, 10/04/2015
Hôm nay (10-4), dự kiến Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo (xây mới trên nền rạp Hưng Đạo) sẽ được bàn giao cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chuẩn bị cho lễ khánh thành diễn ra vào ngày 18 tới đây. Nhận nhà mới mà giới cải lương lại chưa vui trọn vẹn, vì sao?
Những ngày qua, giới nghệ sĩ cải lương bày tỏ băn khoăn khi rạp mới được xây dựng hoành tráng nhưng thiết kế còn “bó tay bó chân” nghệ sĩ.
Gần 10 năm mới có nhà hát
Kể từ năm 2006, khi UBND TP.HCM chính thức giao Sở VH-TT&DL TP.HCM thành lập Ban Quản lý dự án xây dựng Trung tâm biểu diễn nghệ thuật cải lương Hưng Đạo đến nay đã gần 10 năm.
Thế nhưng khi công trình gần hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao, nghệ sĩ mới té ngửa vì những thiết kế không đúng chuẩn của nhà hát cải lương. Cụ thể, sân khấu biểu diễn quá nhỏ; sàn diễn có quá nhiều bệ nâng nhưng độ cao sàn diễn thấp nên khó trong việc giấu cảnh trí; sàn diễn quá thấp so với khán phòng; dàn âm thanh, ánh sáng hiện đại nhưng khó lắp đặt và thiết kế với sàn diễn, khán phòng nhỏ; không có phòng chứa đạo cụ…
Gần 40 năm TP mới xây mới một nhà hát và đây lại là một nhà hát cho bộ môn nghệ thuật cải lương vốn đang rất cần được bảo tồn, nghệ sĩ nào cũng trông chờ. Thế nhưng NSƯT Kim Tử Long tâm tư: “Bao nhiêu anh em nghệ sĩ chờ đợi để cùng nắm tay nhau xây dựng tác phẩm hay ở một không gian mới, vậy mà cuối cùng quá thất vọng”.
Muốn làm vở lớn thì đến sân khấu ca nhạc
Biên kịch Huỳnh Tuấn Anh cho biết: “Với nghệ thuật sân khấu, nhà hát là quan trọng nhất. Nếu xây dựng nhà hát mà không đáp ứng được tiêu chuẩn sân khấu biểu diễn là thua. Không khó để tham vấn những nhà chuyên môn về yêu cầu sân khấu cho những vở diễn cải lương bởi như ngay tại Trường CĐ Sân khấu điện ảnh TP.HCM có thầy Lê Văn Định dạy về các thông số cần thiết cho một sân khấu, thước tấc trên sân khấu, sân khấu kẻ ô như thế nào, lòng sân khấu bao nhiêu…”.
Theo lời biên kịch Huỳnh Tuấn Anh thì với một nhà hát cải lương sắp khánh thành như hiện nay không phải là xây nhà cho cải lương, phát huy cải lương mà là “cách bức tử cải lương nhanh nhất, bởi mang danh biểu diễn cải lương nhưng muốn làm vở lớn phải ra sân khấu ca nhạc như Nhà hát Hòa Bình, Nhà hát Bến Thành… Cải lương vẫn tiếp tục là kiếp ở trọ!”.
Còn với NSƯT Kim Tử Long thì anh không xem đây là nhà hát mà Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo chỉ xứng tầm trung tâm văn hóa quận. “Làm sao chúng tôi chấp nhận sân khấu nhỏ ngang 8m mà trần quá thấp, không có chỗ để đặt ánh sáng? Với 8m ngang tôi bước tầm chục bước là hết sân khấu, làm sao chúng tôi diễn? Khi dàn dựng những cảnh công phu làm sao có thể dựng? Tôi nghĩ khi xây dựng một nhà hát phải có một chuyên viên thiết kế sân khấu, ánh sáng, âm thanh cùng ngồi vẽ bản thảo. nhà hát đâu phải hội trường!”.
Không chỉ dưới góc độ diễn viên, trong vai trò là thành viên Nhóm xã hội hóa Vũ Luân, NSƯT Kim Tử Long còn chia sẻ: “Dù đạo diễn giỏi cỡ nào mà đưa vào sân khấu đó cũng chết. Những nhóm xã hội hóa như chúng tôi phải có kho để cảnh trí, giờ không có kho chúng tôi bỏ cảnh trí ở đâu? Hay mỗi lần hát lại thuê xe tải để chỗ khác rồi xong diễn lại chở về lại?”.
Sân khấu nhỏ do phụ thuộc diện tích đất
Việc thiết kế sân khấu nhỏ hay lớn phụ thuộc vào diện tích đất và quy chuẩn PCCC. Chúng tôi cũng đã góp ý để phía nhà thầu sửa và khắc phục. Tuy nhiên, sân khấu nhỏ không đến mức không dựng vở được mà chỉ là không dựng được vở lớn. Không dựng vở lớn được thì đành làm vở nhỏ. Tức nếu sân khấu lớn thì làm vở theo kiểu lớn, nhỏ làm theo nhỏ. Chúng tôi chỉ tiếc nuối là xây mới nhà hát mà sân khấu không có chỗ cho vở lớn, chúng tôi phải dựng vở thích ứng theo sân khấu mà thôi.
Riêng không có kho chứa đạo cụ cũng sẽ có cách khắc phục. Tôi chưa tiếp nhận nên chưa biết bố trí nơi chứa đạo cụ như thế nào. Tuy nhiên, lâu dài nhà hát cũng phải xin kho đạo cụ riêng chứ nhà hát không chứa được.
Quỳnh Trang / Pháp luật TPHCMViệc thiết kế sân khấu nhỏ hay lớn phụ thuộc vào diện tích đất và quy chuẩn PCCC. Chúng tôi cũng đã góp ý để phía nhà thầu sửa và khắc phục. Tuy nhiên, sân khấu nhỏ không đến mức không dựng vở được mà chỉ là không dựng được vở lớn. Không dựng vở lớn được thì đành làm vở nhỏ. Tức nếu sân khấu lớn thì làm vở theo kiểu lớn, nhỏ làm theo nhỏ. Chúng tôi chỉ tiếc nuối là xây mới nhà hát mà sân khấu không có chỗ cho vở lớn, chúng tôi phải dựng vở thích ứng theo sân khấu mà thôi.
Riêng không có kho chứa đạo cụ cũng sẽ có cách khắc phục. Tôi chưa tiếp nhận nên chưa biết bố trí nơi chứa đạo cụ như thế nào. Tuy nhiên, lâu dài nhà hát cũng phải xin kho đạo cụ riêng chứ nhà hát không chứa được.
NSND TRẦN NGỌC GIÀU, Giám đốc Nhà hát cải lương
Trần Hữu Trang
132,29 tỉ đồng là tổng vốn đầu tư Trung tâm biểu diễn nghệ thuật cải lương Hưng Đạo. Theo dự án, trung tâm có diện tích đất là 929 m2, tổng diện tích sàn xây dựng là 6.358 m2. Công trình gồm một hầm và năm tầng với chiều cao 34 m. Trung tâm sẽ gồm hai khán phòng: Khán phòng biểu diễn chính 634 chỗ ngồi, sân khấu thể nghiệm gồm 298 chỗ ngồi. Ngoài phần hệ thống âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật sân khấu hiện đại, công trình còn có khu đào tạo, làm việc, thư viện và khu vực sản xuất băng đĩa.