Ngôi sao cải lương Tú Sương, Hữu Quốc chinh phục khán giả kịch!
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:20, 31/03/2015
Trong cách nhìn của những người am hiểu sân khấu, lối diễn của nghệ sỹ cải lương hơi thậm xưng hay nói nôm na là hơi “lố” so với phong cách kịch. Tuy nhiên, cũng có những nghệ sỹ cải lương lấn sân sang kịch nói đã mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Vở Tình lá diêu bông (tác giả Hà Nam Quang, đạo diễn NSƯT Hữu Quốc) vừa ra mắt khán giả tại sân khấu 5B là ví dụ cụ thể nhất.
Trong vở diễn này, có đến hai ngôi sao cải lương giữ vai trò quan trọng trong vở diễn. NSƯT Hữu Quốc vừa là đạo diễn, vừa đảm nhiệm vai Chờ - người đàn ông yêu theo kiểu cho đi mà không nhận lại. Tú Sương giữ vai chính – người chị cả hết lòng hy sinh cho các em thơ còn dại khờ.
NSƯT Hữu Quốc đã từng thành công trong kịch nói qua vai diễn người con trai của bà lão nhà giàu trong vở Đêm vượn hú cũng thành công đặc biệt tại sân khấu 5B. Trong vở diễn này, lối diễn của anh không “trợn mắt, dậm chân” một cách quá lố mà rất vừa phải theo kiểu kịch. Đặc biệt, đài từ là một nét dễ nhận thấy của cải lương cũng được anh điều tiết nhẹ nhàng đúng chất thoại kịch.
Có lẽ đã có kinh nghiệm diễn kịch nên vai Chờ của Hữu Quốc cũng được thể hiện một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng. Một người đàn ông yêu đơn phương, cảm thấy buồn và cô đơn nhưng không bi lụy. Nếu Hữu Quốc khiến nhiều người ngạc nhiên vì diễn kịch hay, thì Tú Sương còn khiến khán giả bất ngờ hơn trong lần đầu đóng kịch trong vở Tình lá diêu bông.
Lý do là vì từ trước đến giờ, Tú Sương đã in dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả qua các vai “đào thương” trong tuồng Hồ Quảng. Đây là phong cách mà lời thoại cần nhấn nhá đậm, diễn xuất mang tính ước lệ nhiều nên luôn quá chuẩn nếu so với sân khấu kịch. Thế nhưng, trong vai Hai Thương, từ dáng đi đến lời nói của Tú Sương giống như sinh hoạt bình thường chứ không phảng phất một chút nào hơi hướm cải lương.
Không chỉ vậy, chị biết cách tận dụng ưu điểm của cải lương là đầy cảm xúc lên cao độ qua những giọt nước mắt. Tú Sương khóc rất ngọt và do đó, chị đã tạo nên một xúc cảm rất mạnh trong những tình huống bi trong vở diễn. Chính Tú Sương đã góp công rất lớn để câu chuyện buồn của Tình là diêu bông trở nên giàu cảm xúc, hay nói cách khác là chạm được vào trái tim người xem.
Nghệ sĩ Tú Sương và Mỹ Uyên trong Tình lá diêu bông |
Bằng chứng là những giọt nước mắt khán giả đã trào ra trong cảnh chị đau đớn trước nỗi mất mát của các em, quặn lòng trước sự hy sinh của Chờ, hay là cảnh chị hóa dại khi biết sự thật đã được giấu kín hơn 10 năm. Nói một cách nào đó, sự xuất hiện của hai ngôi sao cải lương trong Tình lá diêu bông trước tiên gây tò mò, kế đến là bất ngờ và cuối cùng là chấp nhận.
Tú Sương chia sẻ: “Thông thường một nghệ sỹ cải lương lâu năm rất khó diễn giống kiểu kịch hay kiểu điện ảnh vì lối diễn đã ăn sâu vào tiềm thức.của họ. Tôi đã e sợ mình mang nguyên cách diễn kiểu cải lương lên sân khấu kịch khi được mời tham gia Tình là diêu bông. Thế nhưng, sau một tháng tập luyện dưới sự hướng dẫn tận tình của chị Mỹ Uyên và anh Hữu Quốc, tôi đã tiết chế được diễn xuất của mình. Tôi rất hạnh phúc vì đã được khán giả khen ngay trong suất diễn đầu tiên”.
Nhìn lại đời sống kịch nhiều năm qua, việc ngôi sao cải lương bước qua kịch nói và được khán giả đón nhận không phải là mới. NSƯT Hùng Minh xuất hiện trong nhiều vở kịch tại sân khấu Hồng Vân. Nghệ sỹ hài Hồng Tơ xuất thân từ cải lương cũng đã có nhiều vai hay tại sân khấu này. Tiêu biểu hơn NSƯT Bảo Quốc là con nhà nòi của cải lương cũng có nhiều vai ấn tượng tại sân khấu Thế Giới Trẻ và nhiều sân khấu khác. Hay gần đây, Võ Minh Lâm đã dành nhiều thời gian để học diễn kịch tại sân khấu Hoàng Thái Thanh và được nơi này trọng dụng.
Nhìn chung những điểm nổi bật của nghệ sỹ cải lương khi chuyển qua kịch là họ sở hữu tiếng nói sân khấu tốt, cảm xúc đầy đặn. Vấn đề còn lại là họ điều chỉnh lối diễn trở nên nhẹ nhàng và gần gũi với sinh hoạt bình thường. Nếu làm được điều này thì một nghệ sỹ cải lương dễ dàng chiếm được tình cảm khán giả.
Bài và ảnh: Nguyễn Huy
Dấu ấn Mỹ Uyên
Trong vở Tình lá diêu bông, ngoài sự ấn tượng của hai nghệ sỹ cải lương Hữu Quốc và Tú Sương thì không thể không nhắc đến NSƯT Mỹ Uyên, người đảm nhiệm vai Ba Mến rất dễ thương, hồn hậu và nhiều dằn xé trong tâm hồn.
Nếu như Hai Thương của Tú Sương dịu dàng, thuỳ mỵ, chịu thương chịu khó dễ gây cảm tình cho người xem thì chính Ba Mến của Mỹ Uyên lại làm người xem thấy nhẹ tênh nhưng không hời hợt. Một cô gái mới lớn nhiều khát khao và hoài bảo nhưng gia đình nghèo khó nên những đòi hỏi nhu cầu cơ bản nhất của cô gái mới lớn là được làm đẹp, làm điệu vẫn không có. Để rồi, khi được chàng công tử nhà giàu để ý nên thay vì cưới cô chị, chàng thiếu gia này đã cưới Ba Mến. Dù không yêu nhưng muốn trả nợ cho gia đình và muốn thoát cảnh nghèo túng, Ba Mến chấp nhận.
Nhưng, cái chân chất hồn nhiên của người nông dân, cái tâm tính hiền lành của Ba Mến không thay đổi. Chính vì thế, dù khi biết chồng (Hùng Thuận) vô tình giết bạn trong cơn say, Ba Mến không bao che nhưng cũng không dám thú nhận vì đứa con trong bụng. Để rồi, người chồng hoá điên vì hối hận, cô vẫn hết lòng chăm sóc nhưng tận sau tâm hồn là nỗi dằn xé khôn nguôi. Đến cuối cùng, khi tất cả được đưa ra ánh sáng và Hai Thương cùng Chờ đến với nhau cô đã khóc nấc lên như được giải thoát, như trút gánh nặng trong tâm hồn.
NSƯT Hữu Quốc và NSƯT Mỹ Uyên trong cảnh diễn |
Nói về vai diễn đáng yêu này, Mỹ Uyên chia sẻ, ban đầu, chị không định tham gia vở diễn mà chỉ đứng ngoài lo vòng bao (Mỹ Uyên đang là Phó Giám dốc sân khấu kịch 5b). Tuy nhiên, đây là vở kịch đầu tiên NSƯT Hữu Quốc dàn dựng và cũng vì Mỹ Uyên mời anh về 5b hợp tác nên Hữu Quốc "gợi ý" Mỹ Uyên hãy song hành. "Thật sự ra tôi quá nhiều việc phải lo. Ngoài chuyện sắp xếp, lo lắng mọi thứ từ diễn viên, kinh phí, marketing... tôi còn những vai diễn khác. Nhưng vì anh em đã hết lòng với nhau nên tôi đã theo anh em dù đôi khi như kiệt sức. Bây giờ được khán giả ủng hộ, tôi lại thấy mình có động lực hơn để làm những dự án kế tiếp", NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ.