Người mang kịch câm trở lại
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 10:00, 26/03/2015
Lần đầu tiên buổi độc diễn kịch câm “made in Việt Nam” 100% sẽ ra mắt công chúng TP.HCM. Đó là chương trình Kịch câm trở lại của nghệ sĩ Hoàng Tùng (Nhà hát Tuổi Trẻ Hà Nội), vào ngày 26.3.
Đã khá lâu, kịch câm gần như “biến mất” ở Việt Nam, nếu có chăng chỉ là những tiết mục nhỏ trong các chương trình tạp kỹ thiếu nhi. Những tác phẩm độc diễn của các nghệ sĩ kịch câm nổi tiếng thế giới tuy đã một vài lần công diễn ở Việt Nam, nhưng có vẻ đó vẫn là chuyện của thế giới.
Lần này, kịch câm trở lại trong một diện mạo hoàn toàn mới lạ. Được dàn dựng với tiết tấu khá nhanh, chỉ khoảng một giờ đồng hồ, rất nhiều vấn đề của xã hội, của cuộc sống đã được đặt ra trong Kịch câm trở lại: Trào lưu chụp ảnh “tự sướng” mọi lúc mọi nơi đôi khi đưa “chủ nhân” của nó rơi vào tình huống dở khóc dở cười. Khi mải mê chạy đua với những giá trị vật chất, có bao nhiêu người chợt chạm tay vào khuôn mặt mình và tự hỏi: “Đây là khuôn mặt thật của mình hay mặt nạ?”. Cuộc sống hiện đại quá nhiều áp lực đôi khi là nguyên nhân dẫn đến ý định tự tử, cái chết liệu có giải quyết được mọi vấn đề?
Chỉ có động tác hình thể và những biểu cảm của người nghệ sĩ trên khuôn mặt, ánh mắt… những vấn đề của cuộc sống vẫn hiển hiện đầy đặn, dung dị, đời thường pha chút hóm hỉnh, hài hước, đủ sức dẫn dắt cảm xúc người xem, buộc họ phải trăn trở, suy nghĩ.
Không còn ai dạy kịch câm, cũng không còn mấy khán giả “nhớ” kịch câm, Hoàng Tùng vẫn có niềm đam mê kỳ lạ với loại hình nghệ thuật “không lời”.
Anh làm quen với kịch câm từ khi còn là học viên lớp kịch nói ở Nhà thiếu nhi Hà Nội. Khi đó, kịch câm chỉ là một bài học trong môn hình thể, nhưng những động tác kịch câm cứ theo đuổi anh suốt thời thơ ấu cho đến khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội, trở thành diễn viên đoàn kịch Thể nghiệm - Nhà hát Tuổi Trẻ. Thấy Hoàng Tùng thỉnh thoảng lại “dợt” các động tác kịch câm, bạn bè trêu: “Đố kịch câm không có sở tường và đi ngược gió!”.
“Mà thật vậy, kịch câm chắc sẽ không thể thiếu động tác đi ngược gió, sở tường và cả những quy định trong biểu cảm nét mặt rất đặc trưng. Tuy vậy, khi được xem nghệ sĩ Iimuro Naoki (Nhật) và Jean Louis Danvoye (Bỉ) sang Việt Nam biểu diễn thì tôi mới “ngộ” ra rằng, kịch câm bây giờ rất khác. Từ những động tác kinh điển của Marcel Marceau, mỗi người nghệ sĩ kịch câm đều có thể tự sáng tạo những lối biểu diễn theo phong cách của mình. Sáng tạo của người nghệ sĩ gần như không có giới hạn”, Hoàng Tùng chia sẻ.
Tìm đủ mọi cách để tiếp cận với nghệ thuật kịch câm của các nước, từ “truy lùng” trên mạng internet đến nhờ bạn bè, người thân “săn” băng đĩa của các nghệ sĩ kịch câm nước ngoài… Hoàng Tùng lặng lẽ, miệt mài luyện tập. Cũng có lúc anh chợt chạnh lòng với nỗi lo đã quá lâu khán giả không còn có thói quen xem kịch câm và suy nghĩ loại hình này chỉ dành cho thiếu nhi; lại thêm nỗi buồn vì chỉ có mình “đơn độc” với kịch câm. Được gia đình, người thân ủng hộ, Hoàng Tùng lại tự động viên: “Duy nhất” đôi khi cũng là một lợi thế vì sẽ được khán giả “đặc biệt quan tâm”.
Nghĩ là vậy, nhưng mọi thứ không đơn giản, nhất là khi anh phải “tự thân vận động” từ A đến Z, từ sáng tạo phong cách biểu diễn, luyện tập động tác đến “tư duy” ý tưởng và hoàn tất tác phẩm. Chỉ có âm nhạc và những ngữ điệu cơ thể, nhưng phải đủ sức hấp dẫn người xem, đó là thử thách không nhỏ của Hoàng Tùng.
Nhà hát Tuổi Trẻ có một khóa tập huấn bốn tháng dành cho nghệ sĩ, diễn viên tại Nhật. “Chớp” lấy cơ hội, Hoàng Tùng xin được sang tập huấn. Kịch câm lại không nằm trong kế hoạch tập huấn chính của khóa đào tạo nên anh phải tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để được nghệ sĩ Naoki giúp đỡ, hỗ trợ. Chính thời gian đó, Kịch câm trở lại đã manh nha trong tâm trí Hoàng Tùng.
Chương trình diễn ra lúc 20g ngày 26/3 tại sân khấu Thế Giới Trẻ - 125 Cống Quỳnh, Q.1. |
Kịch câm thường có sân khấu trang trí đơn giản, diễn viên không thay đổi phục trang, hóa trang trong suốt chương trình. Vì vậy, nếu không khéo, các nhân vật sẽ bị trùng lặp và dễ gây nhàm chán. Hiểu rõ “mấu chốt” này, Hoàng Tùng đã chọn lọc đưa vào chương trình biểu diễn đầu tiên của mình những vấn đề thời sự với góc nhìn, cách cảm nhận của những con người thuộc mọi lứa tuổi, giới tính. Để làm được điều đó, anh tự thử thách mình với những hóa thân khác nhau: khi là một đứa bé, khi là chàng thanh niên, lúc lại trở thành bà mẹ hay người tàn tật… với những tính cách riêng biệt.
Một mình loay hoay tập luyện, Hoàng Tùng phải tự soi gương, ghi hình các buổi tập để xem lại và tự hoàn chỉnh từng tiết mục. Hoàn thành một tiểu phẩm, anh lại mời bạn bè, đồng nghiệp đến xem và góp ý dưới góc độ là những khán giả. Tác phẩm một lần nữa được sửa chữa dựa trên góp ý của hội đồng nghệ thuật và hội đồng phúc khảo. Vì vậy chỉ tám tiểu phẩm: Tự sướng, Tự tử, Cánh chim, Trong bệnh viện, Nhật ký của một bà mẹ, Cái gương, Tương phản và Mặt nạ, mỗi tiểu phẩm từ 5 - 8 phút nhưng Hoàng Tùng đã mất khoảng sáu tháng để hoàn thiện chương trình.
Tự bỏ tiền túi tổ chức biểu diễn với mong muốn có thể đưa kịch câm trở lại với công chúng, Hoàng Tùng bộc bạch: “Áp lực về doanh thu với tôi không “nặng” bằng áp lực phải làm sao thu hút được nhiều khán giả đến với chương trình. Tôi khát khao có thể mang lại cho công chúng một cái nhìn mới về kịch câm Việt Nam; nỗ lực để khẳng định nghệ thuật này vẫn tồn tại và phát triển trong sự phát triển chung của nghệ thuật kịch câm thế giới. Dù những bước đi đầu tiên sẽ có không ít khó khăn, nhưng tôi vẫn không thôi ấp ủ những ý tưởng, sáng tạo mới để tiếp tục với chương trình thứ hai sau Kịch câm trở lại”.
(Theo PNO)