Châu Âu khủng hoảng, Trung Quốc ra tay thâu tóm CLB bóng đá

Thể thao - Ngày đăng : 15:32, 03/03/2015

Trong bối cảnh nền kinh tế châu Âu rơi vào khủng hoảng thời gian gần đây. Các tỷ phú Trung Quốc đã bắt đầu xâm nhập và thâu tóm nhiều CLB bóng đá tại lục địa này, nhằm thể hiện sức mạnh kinh tế cũng như lợi dụng lối chơi của các CLB hàng đầu thế giới để nâng cao nền bóng đá nước nhà.

Một tháng trước khi chính quyền Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Tập Cận Bình, phê duyệt các kế hoạch ưu tiên cho quá trình phát triển nền bóng đá nước nhà. Các doanh nhân và tỷ phú Trung Quốc lần lượt tiến hành hàng loạt thương vụ thâu tóm hay hợp tác với nhiều CLB bóng đá hàng đầu thế giới. Chủ yếu hướng đến các CLB ở Tây Ban Nha, Hà Lan và Pháp.

Trong đó, thương vụ đình đám nhất thuộc về Wang Jianlin, giám đốc tập đoàn Dalian Wanda Group. Ông Jianlin công bố hôm 21.01 cho biết, công ty của ông đã mua lại 20% cổ phần nhà đương kim vô địch Tây Ban Nha - Atletico de Madrid với 52 triệu USD.

Hai ngày sau khi ông Jianlin hoàn thành hợp đồng với CLB Tây Ban Nha, Liên đoàn Thể thao Quốc tế Vansen Trung Quốc cũng cho biết, họ gần như đã hoàn tất mọi thủ tục cho việc tiếp quản CLB Hà Lan - Alles Door Oefening Den Haag. Một câu lạc bộ hng trung đang chơi tại Giải vô địch bóng đá Hà Lan.

Đầu tháng 2.2015, Tập đoàn Dalian Wanda tiếp tục gây bão dư luận Trung Quốc, khi thực hiện động thái táo bạo thứ 2 trong vòng chưa đầy 3 tuần. Tập đoàn này đã mua lại công ty tiếp thị thể thao Thụy Sĩ, Sport & Media, thông qua một thỏa thuận trị giá khoảng 1,2 tỉ USD.

Tiếp đó, là những tin tức liên quan đến một nhà sản xuất linh kiện điện tại Hồng Kông, Công ty Phát triển Công Nghệ Pro, đang tiến hành đàm phán để mua lại câu lạc bộ Pháp-Sochaux, từ hãng xe Peugeot. CLB này có vẻ “thấp bé nhẹ cân” hơn khi chỉ thi đấu cho Giải Bóng đá Hạng nhì Pháp, nhưng động thái này cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu để ý đến lĩnh vực thể thao của Pháp.

Việc các tỷ phú Trung Quốc thu mua hàng loạt những câu lạc bộ tại Châu Âu, đã thể hiện tham vọng nhúng tay vào các thương vụ đình đám thuộc lĩnh vực thể thao của giới nhà giàu nước này. Qua đó, xây dựng các kênh quảng bá cho doanh nghiệp mình, cũng như giúp các đội bóng trong nước có môi trường tốt hơn để rèn luyện.

“Tôi tin rằng, những người đầu tư vào ngành công nghiệp thể thao và các câu lạc bộ tại châu Âu đều có một mục đích chung và duy nhất. Đó là hướng đến những cải cách tốt đẹp và sâu sắc bên trong nền bóng đá và lĩnh vực thể thao của Trung Quốc”, Lu Hao, Chủ tịch công ty quản lý D & F cho biết.

“Ngành công nghiệp văn hóa và thể thao đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc, và chính phủ đã có những điều chỉnh khác nhau để khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực này từ năm 2014”, ông nói thêm.

Tình hình kinh tế khủng hoảng tại một số nước ở châu Âu đã phần nào giúp các công ty Trung Quốc thực hiện kế hoạch của mình. Và trong thời gian tới, nhiều khả năng các tập đoàn đa quốc gia của nước này sẽ tiếp tục xúc tiến chiến lược kinh doanh mới nhằm vào hoạt động thể thao tại lục địa già.

Hàn Giang (theo Reuters )

Một Thế Giới