BQTH V.League: Tranh nhau mẻ đầu, giờ lại ế chỏng chơ
Thể thao - Ngày đăng : 11:54, 21/01/2015
BQTH: một tương lai huy hoàng của V.League
Năm 2011, VFF là đơn vị tổ chức V.League và đã bán bản quyền truyền hình (BQTH) của giải VĐQG cho Đài truyền hình AVG với thời hạn lên đến… 20 năm. Trị giá BQTH là 6 tỷ/mùa và lũy tiến 10% sau mỗi mùa.
Cuối năm 2011, nhân cuộc họp tổng kết mùa giải, bầu Kiên đã làm cuộc “nổi dậy” với bài phát biểu gây chấn động dư luận để rồi từ đó hình thành nên công ty VPF để giành quyền tổ chức giải V.League từ tay VFF. Một trong mục tiêu của VPF lúc đó là phủ nhận tính hợp pháp của bản hợp đồng BQTH giữa VFF và AVG để rồi từ đó đòi lại BQTH giải V.League để tự kinh doanh.
Cuộc chiến BQTH V.League trở nên khốc liệt, trở thành đề tài nóng hằng ngày trên các trang báo và cũng chia giới truyền thông ra làm 2 phe vì cả VPF lẫn VFF-AVG đều cố sức tạo ra ảnh hưởng lên dư luận. Sau một thời gian so găng căng hơn dây đàn, cuối cùng cuộc chiến BQTH đã kết thúc với phần thắng thuộc về phe bầu Kiên.
Cuộc chiến giữa bầu Kiên (VPF) và ông Phạm Nhật Vũ (AVG) cách đây 3 năm đã khiến báo chí hao tốn không biết bao nhiêu giấy mực |
Sau khi giành chiến thắng vang dội trước AVG, đó bầu Kiên mạnh miệng tuyên bố mỗi năm tiền BQTH của V.League sẽ là 80 tỷ đồng và tăng khoảng 15% sau mỗi năm. Số tiền BQTH nếu đem chia lại cho 14 CLB theo cách ” đội lớn, đội nhỏ” thì mỗi CLB lớn nhận được đến cả 10 tỷ đồng.
Nguồn thu BQTH tăng dần lên từng năm sẽ giúp cho CLB dần kiếm được nguồn thu từ bóng đá, tự nuôi sống mình đúng như quy trình các giải bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Khi đó cả làng bóng đá Việt ai ai cũng mừng khấp khởi, nghĩ đến tương lai sáng lạn về nguồn thu khổng lồ từ BQTH.
BQTH chỉ là miếng bánh đổi quảng cáo
Tuy nhiên, ở mùa giải đầu tiên do VPF đứng ra tổ chức - V.League 2012, gói BQTH không phải được bán cho các nhà đài theo kiểu “tiền trao cháo múc” như giải Ngoại hạng Anh mà là cuộc trao đổi giữa VPF với VTV để đổi lại bằng sóng quảng cáo
Nhờ việc đổi gói quảng cáo lấy sóng trực tiếp giữa VPF và VTV mà năm 2012, VPF cho biết đạt lợi nhuận ròng 11 tỷ đồng.
Tuy nhiên kể từ khi bầu Kiên vướng vòng lao lý vào cuối năm 2012 đến nay, tức là trong 2 mùa bóng 2013 và 2014, tiền BQTH gần như không còn được nhắc đến nữa. Nhóm doanh nghiệp "Bảo trợ BĐVN" không chính thức tuyên bố song cũng tự động rã ngũ và trên thực tế sóng trực tiếp V.League chỉ còn quảng cáo cho HAGL, Đồng Tâm và nhà tài trợ chính Eximbank.
Chính vì vậy mà mới đây, nhân chuyện VTV trực tiếp cả 13 trận của CLB HAGL thì một số CLB ở V.League đã phản ứng mạnh với VPF rằng: “Tiền BQTH đâu, sao không thấy chia cho CLB chút gì hết”.
Đến lúc này, đại diện của VPF là Tổng giám đốc Phạm Ngọc Viễn với thừa nhận: “VPF vẫn chưa bán được BQTH nên không kiếm được tiền từ các nhà đài. Số tiền lâu nay VPF hỗ trợ cho các CLB không phải là tiền BQTH mà là tiền của các nhà tài trợ của giải đấu”.
Vì đâu nên nỗi?
Câu chuyện BQTH của V.League giờ mang tính bi hài. Ngày trước thì bầu Kiên cùng các cộng sự như bầu Đức, bầu Thắng đã vẽ ra một tương lai “sáng ngời ngời” nhưng gần 3 năm trôi qua, miếng bánh BQTH hứa hẹn ngày nào thực ra chỉ là… bánh vẽ.
Vậy bản chất chuyện BQTH V.League là gì?
Giá trị BQTH một giải đấu cao hay thấp phụ thuộc vào công nghệ tổ chức, tính chất hấp dẫn, cạnh tranh và cả khả năng PR, quảng cáo của đơn vị tổ chức cho giải đấu đó. Ví dụ BQTH giải Ngoại hạng Anh luôn đắt nhất thế giới song chưa bao giờ được coi là giải đấu có chuyên môn cao nhất.
V.League về cơ bản là giải đấu ngày càng nhuốm màu tiêu cực và cứ mỗi mùa giải trôi qua lại thể hiện tính chất thiếu chuyên nghiệp, gây ra nhiều tai tiếng khiến người hâm mộ dần quay lưng. Lỗi ở đây thuộc về công tác tổ chức của VFF, VPF cũng như từ các CLB, cầu thủ và HLV.
Một giải đấu “tiếng tốt ít, tiếng xấu nhiều” như V.League theo quy luật thị trường không thể có giá trị BQTH cao.
Trận đấu giữa 2 đội mạnh SHB.ĐN (cam) và B.BD ngay tại sân Chi Lăng cũng vắng hoe CĐV |
Giá trị BQTH đầy mơ ước mà bầu Kiên hứa hẹn 3 năm trước chỉ là “giá trị ảo”, dựa vào mối quan hệ và sự vận động của ông bầu tóc bạc này với các doanh nghiệp chứ không đến từ giá thực chất mà V.League đem lại với khán giả, cộng đồng.
Chính vì mang giá trị ảo, phụ thuộc vào một cá nhân nên khi bầu Kiên vướng vòng lao lý, ngay lập tức BQTH đã trở về giá trị thực, được ví như miếng bánh bị ôi thiu nên dẫu có bày biện ra song vẫn không có người mua.
Thứ gì thuộc về thị trường, thị trường sẽ có tiếng nói quyết định. BQTH V.League đơn giản là như vậy!
Nguyên An