Công Phượng đang cố gượng dậy sau bão tố
Thể thao - Ngày đăng : 06:31, 18/12/2014
Công Phượng tiếp xúc với người lạ chỉ có hai câu “dạ”, “chào anh” hoặc “chào chị”. Ngay cả những bạn bè thân thuộc để nói chuyện hoặc đùa nghịch như trước với Phượng cũng rất vất vả…
Hiếm hoi nụ cười
Công Phượng ngay từ khi “ra ràng” đã hiếm khi cười. Lúc vui nhất, Phượng cũng chỉ hấp háy mắt, cánh mũi to ra và thở mạnh hơn. Pha ăn mừng bàn thắng vào lưới U21 Australia trên sân Mỹ Đình hồi tháng 10 gần như là lần duy nhất người ta chứng kiến Phượng cười hết cỡ. Nhưng nụ cười ấy cũng là nụ cười của người chiến thắng, của giấc mơ từng ấp ủ được dịp nổ tung, chứ không phải nụ cười của người... thường xuyên cười.
Vài lần khác, Công Phượng nhoẻn miệng trước ống kính. Nhưng tôi cá rằng, trong các lần đó Phượng “diễn” đến một nửa. Phần lớn Phượng cười vì... khán giả muốn. Phần còn lại Phượng cười là để thay đổi hình ảnh đôi chút. Trong phần thứ hai, tôi đoán là cũng ai đó “mách nước” thì Phượng mới làm.
Phượng không chỉ ít cười mà còn ít nói. Ban ngày, Phượng im thin thít, chỉ nghiến răng tập luyện, ngồi bàn ăn cũng... chẳng nói năng gì. Khi ngồi một mình, Phượng giải trí bằng cách nhìn xa xăm. Nếu là trong trận đấu, Phượng chỉ mở miệng khi bị đối phương “đốn giò”.
Những lúc ấy, thường là Phượng chỉ nói chỗ đau cho bác sỹ xịt thuốc tê... Chấm hết! Phượng thuộc tuýp người nói ít, làm nhiều và tất thảy đều yêu quý Phượng khi anh chỉ chăm chú vào việc “nói” bằng đôi chân.
“Cậu này ít nói nhưng suy nghĩ sâu sắc lắm. Nghĩ thối ruột mới nói một câu”, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh - nguyên GĐKT HAGL thổ lộ.
Cái ngày U19 Việt Nam thua U19 Hàn Quốc ở giải châu Á, VTV theo chân đội sang Myanmar và “vồ” được Phượng sau trận đấu. Ai cũng tưởng là ngon lành, ghi hình bắt tiếng được cầu thủ này và biến nó thành của “độc”.
Không ngờ, U19 VN thua tan tác 0-6, Phượng vốn dĩ đã ít nói, lại bị sụp đổ giấc mơ nên đứng trước máy thu hình gần như... đóng băng. Phượng nói đúng một câu như mếu: “Đội đã thi đấu hết sức rồi...” và hết.
Khổ cho nhà đài hôm đó, lên giây cót chuẩn bị đủ cả, gần chục người sẵn sàng ứng chiến mà “em nó” nói mỗi một câu nên đành phải tua đi tua lại 2 lần cho đỡ cháy chương trình! Đấy cũng là lần duy nhất Phượng “phát biểu” trên truyền hình.
Bây giờ gặp Phượng, nụ cười càng hiếm hơn. Phượng vẫn giữ được nét chân quê, vẻ hiền lành đáng yêu, sự mạnh mẽ của một cây săn bàn, nhưng ánh mắt thì đậm chất phòng thủ. Phượng tiếp xúc với người lạ chí có hai câu “dạ”, “chào anh” hoặc “chào chị” rồi rút rất nhanh vào vỏ ốc.
Ngay cả những bạn bè thân thuộc, để cậy mồm hoặc đùa nghịch như trước với Phượng cũng rất vất vả. Sau cú đấm mạnh của truyền thông về nghi án tuổi tác, cuộc sống đã thay đổi với Phượng rất nhiều. Một cậu thanh niên chưa lớn vốn đã rất hoang mang vì sự nổi tiếng, bây giờ gánh thêm scandal như “tội phạm” thì khó mà cởi mở được. Phượng bị tổn thương ghê gớm, cậu buồn hơn cả lần nhận quyết định bị loại từ lò Sông Lam.
Đôi chân đeo chì
Tôi gặp Phượng trong bối cảnh sự tổn thương đang diễn ra. Cup Tứ hùng ở Gia Lai đầu tháng 12 vừa rồi là cơ hội bầu Đức rèn quân, nhưng cũng có thể hiểu, ông “tiện thể” giúp Phượng tạm quên nhũng nỗi đau đang phải gánh chịu. Bầu Đức còn đúng hơn khi cấm Phượng giao tiếp với người lạ. Báo chí thì cấm cửa. Phượng được an ủi vì điều này. Dẫu vậy, bầu Đức cũng không thể giúp Phượng bỏ qua nỗi sợ hãi bị tổn thương lần thứ hai.
Trong các buổi tập, Phượng lao theo trái bóng không sốt sắng như trước. Cứ có cái gì đó vô hình đang cản đường của cậu, bước chân nặng như chì, ánh mắt cúi nhìn nhiều hơn ngước nhìn.
Đặc biệt là sau mỗi lần xử lý bóng hỏng, Phượng không cay cú như trước nữa mà... nhẹ nhàng để nó trôi qua. Điều này khác hẳn với phong cách trước kia của Phượng. Mất bóng là đuổi, hỏng ăn thì bứt tốc ít nhất 1 lần, thở dài vài cái, thậm chí Phượng ngửa mặt lên trời kêu to một tiếng. Bây giờ, Phượng bỉnh thản lau mồ hôi, mệt mỏi di chuyển sau mỗi lần lỗi nhịp.
Hai trận đầu tiên của giải Cup Tứ hùng, HAGL gặp Khánh Hòa và Cần Thơ. Khán giả đến chật kín khán đài sân Pleiku mong mỏi được chiêm ngưỡng Phượng thi đấu. Nhưng khi đội hình chính nhập cuộc, người ta thấy Phượng lầm lũi cùng tốp dự bị chơi bóng ma và đứng sau cầu môn... nhặt bóng cho đồng đội khởi động.
Phượng đặc biệt không cười trong cả hai trận đấu ấy dù mỗi bước chân đặt trên thảm cỏ của anh đều được khán giả tán thưởng nhiệt liệt.
Đặc biệt trong trận đấu với Cần Thơ, Phượng vào sân phút 60 làm khán đài dậy sóng. Người ta hy vọng sẽ được chứng kiến hình ảnh mạnh mẽ, đầy quyến rũ của tiền đạo xứ Nghệ. Nhưng Phượng lại chính là người tạo ra tiếng ồ lớn sau pha đỡ trượt bóng rất khó hiểu.
Chẳng ai tin một cầu thủ đẳng cấp như Phượng lại thể hiện hình ảnh buồn cười đến thế. Nhưng đấy là sự thật và sự thật ấy minh chúng cho tâm trí không thể tập trung vào chuyên môn của Phượng.
Trước trận đấu cuối cùng với Phú Yên (ngày 5.12), Phượng rời sân tập với bịch đá to gí vào cổ chân. Phượng cứ ngồi góc cabin chườm dễ chừng đến cả tiếng đồng hồ, ánh mắt xa xăm và miệng không nói câu nào.
Phượng ngồi đó khoảng hơn chục phút thì thầy Guillaume Graechen đến. Ông giáo người Pháp vỗ vai, ra hiệu ngồi cạnh. Phượng lí nhí cúi đầu đáp lễ, nhưng mắt không dám nhìn người đối diện. Thầy Guillaume Graechen hỏi han vết thương của Phượng. Ông nhấc túi đá lên chỉ trỏ và nói dăm ba điều, Phượng chỉ ngồi im lắng nghe sau đó lại cúi xuống như né tránh người thầy đã gắn bó với anh hơn 7 năm.
Cuộc trò chuyện giữa hai thầy trò kéo dài hơn 30 phút. Chừng ấy thời gian, Phượng ngồi gần như không thay đổi tư thế trong cabin và hoàn toàn không nhìn ra phía ngoài - nơi có đến hơn chục con mắt dõi theo cậu. Hôm đó, các tay máy có ý định lấy hình Phượng thì chỉ chụp được... lưng và tư thế ngồi nghiêng không rõ mặt. Có vẻ, Phượng vẫn muốn né tránh ngay cả khi an toàn trên “sân nhà”.
Bầu Đức đôi lần úp mở về kế hoạch đưa Phượng rời khỏi Việt Nam để tìm lại sự cân bằng. Điều đó chưa biết có thực hiện được không nhưng nếu Phượng vẫn “có vấn đề”, chắc chắn đấy sẽ là giải pháp được tiến hành gấp. Cuộc sống thật nghiệt ngã. Những con sóng vô tình dường như đã vùi dập một tài năng chớm nở chẳng chút tiếc thương. Có đúng không, khi người ta nhân danh sự thật cao cả và phát huy tối đa lòng sĩ diện chỉ để “ném đá” một cầu thủ trẻ chưa biết tự vệ?
Bảo Thắng (Tuổi trẻ & Đời sống)