Lee Nguyễn: “Tôi kiếm đủ tiền ở Việt Nam rồi“
Thể thao - Ngày đăng : 21:14, 04/11/2014
Cảm giác của Lee Nguyễn sau khi nghe thông báo từ HLV người Scotland của Whitecaps là “hụt hẫng, không thể tin được” dù rằng anh cũng đoán trước việc này. Hụt hẫng nên Lee Nguyễn không nói được thêm câu gì với Rennie. Đội bóng đang tập huấn chuyến cuối cùng ở Orlando trước khi MLS 2012 khai mạc vào ngày 10.3
Người đầu tiên mà Lee gọi điện báo chuyện không ai khác là cha mình, ông Nguyễn Văn Phẩm đang ở Dallas (Texas): “Con sẽ về nhà Ba à!”.
Lúc nào cũng vậy, khi có chuyện gì quan trọng, Lee đều gọi cho cha, người gieo đam mê và dạy Lee những đường banh đầu tiên và sẵn sàng vì anh mà gác công việc của một kỹ sư điện toán để về Việt Nam sống khi Lee đầu quân cho HAGL năm 2009.
Nghe con báo tin, ông Phẩm hơi hoang mang không biết phải làm sao vì chỉ còn đúng 1 tuần nữa là MLS 2012 khai mạc. Giống như nhiều lần khác, ông Phẩm lại xoay sở bằng cách gọi điện cho Spencer Wadworth là cậu bạn thân với Lee ở Học viện Dallas Texans nay chuyển sang làm môi giới cầu thủ (FIFA Agent) để nhờ thông báo đến các HLV ở MLS về việc Vancoucer Whitecaps mới sa thải Lee Nguyễn.
Lee Nguyễn đã tập luyện 2 tháng trời ở Vancouver Whitecaps nhưng bị HLV Martin Rennie loại khỏi CLB trước khi MLS 2012 khai mạc đúng 1 tuần |
Sau khi thông báo với cha về chuyện ở Whitecaps, Lee Nguyễn một mình đặt vé máy bay từ Orlando City về Vancouver để thu dọn đồ rồi sau đó bay về luôn Dallas. Tuy nhiên sau khoảng 6 tiếng trên không, vừa đáp xuống phi trường ở Vancouver, Lee Nguyễn mở máy điện thoại ra và nhận được tin nhắn của Spencer: “Cậu gọi lại ngay cho tớ khi đến nơi nhé”. Kết quả cuộc gọi là việc Spencer thông báo Lee đổi vé máy bay, thay vì về Dallas thì đến Boston, nơi HLV Jay Heaps của New England Revolution đang chờ anh. Lúc đó Lee Nguyễn cảm thấy “nhẹ cả người”.
Thực ra Lee Nguyễn đã biết trước Martin Rennie sẽ không dùng anh: “Trong một loạt các trận đấu giao hữu chuẩn bị cho mùa giải 2012 của Whitecaps thì tôi chỉ được đá có 2 trận và nhiều trận khác, thậm chí không được đăng ký nên tôi đoán mình không nằm trong kế hoạch của Rennie”, Lee Nguyễn nói với Boston Radio.
Lee Nguyễn cũng không sợ thất nghiệp, vì anh có thể quay lại Việt Nam bất cứ lúc nào mình muốn. Tháng 12.2012, Lee Nguyễn và ông Phẩm đã được bầu Trường của Vissai Ninh Bình chào mời bản hợp đồng còn lớn hơn bản hợp đồng mà anh ký với Becamex Bình Dương (B.BD trả lương 12.000 USD/tháng, lót tay 250.000 USD/mùa).
Tuy nhiên, điều mà Lee Nguyễn mong muốn ở lại Mỹ và chơi bóng tại MLS, nơi mà anh sẵn sàng chấp nhận mức lương cực thấp 44.000 USD/năm, mức thu nhập chỉ bằng một cầu thủ trẻ vừa tốt nghiệp Học viện được đôn lên đội 1.
“Đó là sự trừng phạt của MLS dành cho những cầu thủ nào bỏ họ ra đi”, ông Nguyễn Văn Phẩm giải thích với Một Thế Giới.
Ông Phẩm cho biết: “Giải MLS không giống các giải khác vì ở đây BTC chứ không phải CLB mới là quy định rất rõ về điều kiện chơi bóng và mức lương được ấn định cho cầu thủ. Do Lee trước kia đã từ chối lời mời của MLS với mức lương 200.000 USD/năm để sang PSV Eindhoven năm 2006 rồi sau đó Lee đến Việt Nam. MLS cho rằng Lee chơi bóng ở một giải có đẳng cấp thấp nên muốn đá ở MLS phải chịu mức lương thấp, đồng ý thì đá, còn không thì thôi”.
Không phải cầu thủ nào ở Mỹ cũng chấp nhận được mức lương “bèo” như thế nhưng Lee Nguyễn vẫn chấp nhận tất cả vì cựu tiền vệ của HAGL nói: “Ở Việt Nam tôi đã kiếm đủ tiền rồi. Tôi đã tiết kiệm được một khoản kha khá cho tương lai nên tôi không ngại gì cả. Điều quan trọng nhất với tôi khi trở lại (Mỹ) là được chơi bóng, thể hiện và chứng minh bản thân của mình. Và thực sự tôi đã gặp được may mắn”
Lee Nguyễn là mảnh ghép hoàn hảo trong tay của HLV Jay Heaps, nhà cầm quân trẻ được giao nhiệm vụ tái thiết lại New England Revolution sau nhiều năm ì ạch tại MLS. Jay Heaps (SN 1976) là cựu trung vệ của NE Revs và treo giày cách đó 3 năm để theo đuổi nghiệp HLV.
Ông Nguyễn Văn Phẩm (bìa trái) trong những ngày theo Lee Nguyễn đến sống tại trung tâm Hàm Rồng của CLB Hoàng Anh Gia Lai |
Jay Heaps biết Lee Nguyễn từ khi anh chơi xuất sắc ở giải Sinh viên cho ĐH Indiana và đoạt giải “Freshman 2005” (Cầu thủ sinh viên hay nhất năm). Để tái thiết đội bóng Jay Heaps cần một cầu thủ có kỹ thuật điêu luyện, tư duy chiến thuật sắc sảo, nhanh nhẹn để đóng vai trò nhạc trưởng và Lee Nguyễn là người thích hợp nhất.
Jay Heaps đã rất muốn có Lee Nguyễn khi anh về lại Mỹ, tuy nhiên theo quy định MLS đề ra, vì Lee Nguyễn từng khoác áo ĐTQG Mỹ nên để công bằng đội nào muốn chọn anh phải “quay xổ số” và Vancouver Whitecaps là đội may mắn nhất. Đến khi nghe Martin Rennie sa thải Lee Nguyễn, Jay Heaps đã chộp ngay cơ hội bằng vàng để đưa về cầu thủ mà ông cần có. “Tôi luôn tin một cầu thủ đạt đẳng cấp và sang Hà Lan khi mới 19 tuổi không dễ gì mai một được khả năng”
Lee Nguyễn vừa phẫu thuật vai và nhận giải thưởng "Cầu thủ hay nhất năm của New England Revolution 2012" bên cạnh HLV Jay Heaps (bìa phải) |
Lee Nguyễn chưa bao giờ hối tiếc về chuyện đến Việt Nam, mặc dù đó là sự lựa chọn của cha anh hơn là của anh: “Ban đầu tôi từ chối lời đề nghị của họ (HAGL), tuy nhiên sau một chuyến đi cùng với cha mình đến thăm đội bóng, tôi đã bị thuyết phục bởi một bản hợp đồng vô cùng lớn”.
“Tôi biết rõ là khi đến Việt Nam chơi bóng thì tôi sẽ ở một góc khuất của thế giới và ở đây (Mỹ) sẽ không có HLV hay nhà tuyển trạch nào theo dõi tôi nữa nên tên tuổi, hình ảnh của tôi sẽ bị quên lãng. Tuy nhiên, ở đó (Việt Nam) đã cho tôi rất nhiều tiền, giúp tôi để dành được số vốn để đảm bảo đượccuộc sống sau này khi treo giày”
Lee Nguyễn đến Việt Nam lúc 23 tuổi, có tiền trong tay nhưng không hình dung được cuộc sống ở nơi quê cha ra sao. “Thật quá sức tưởng tượng, tôi biến thành một siêu sao ở đó chỉ trong phút chốc. Phóng viên và người hâm mộ theo tôi ở mọi nơi, thậm chí đến việc đi ra ngoài ăn tối, ăn trưa cũng khó mà không bị làm phiền”.
Ở Việt Nam, Lee Nguyễn có mọi thứ, thậm chí là cả việc có thêm quốc tịch Việt Nam, điều kiện để anh có thể gia tăng giá trị trong các bản hợp đồng mới với các CLB tại V.League. Tuy nhiên, khát vọng quay trở lại tuyển Mỹ lại bùng cháy khi Lee Nguyễn thấy Bob Bradley đã rời khỏi ĐTQG và Jurgen Klinsmann là người thay thế.
“Tôi biết là nhiều người đã đánh giá thấp tôi khi tôi trở về từ Việt Nam. Họ nghĩ rằng tôi sẽ không thể chơi được ở đây (MLS) và “anh sẽ không chịu nổi áp lực đâu”. Tôi thì nghĩ tôi có thể chứng minh điều ngược lại, tôi sẽ chơi tốt ở giải đấu này với những cầu thủ giỏi nhất”, Lee Nguyễn nói với Boston Radio.
Lee Nguyễn được cả MLS ngưỡng mộ vì tài chơi bóng và anh đang trở thành niềm tự hào của người hâm mộ bóng đá Việt Nam |
Cuối cùng, sau khi bôn ba khắp nơi từ Âu sang Á, Lee Nguyễn cũng tìm được bến đỗ lý tưởng cho mình. “Bóng đá có nhiều điều rất thú vị. Có rất nhiều nơi bạn có thể chơi bóng và bạn chỉ cần tìm đúng đội bóng mà ở đó bạn có cảm giác như ngôi nhà của mình và cố gắng phát huy mọi năng lực của mình”, Lee Nguyễn khép lại câu chuyện.
Đăng Khoa