Phạm Huỳnh Tam Lang - Người thắp lên ngọn lửa Cảng Sài Gòn
Thể thao - Ngày đăng : 08:42, 04/06/2014
Ở lại để xây lại từ đầu
Sau ngày 30.4.1975, đời sống thể thao và bóng đá ở Sài Gòn coi như sang một trang mới hoàn toàn. Tất cả đội bóng mạnh của miền Nam trước đây như AJS (đội Cảnh sát quốc gia), Bộ tổng tham mưu, Việt Nam thương tín, Quan thuế, Thương khẩu Sài Gòn… đều giải thể. Nhiều cầu thủ nổi danh di tản ra nước ngoài, số còn lại lui về quê lo toan cuộc sống mưu sinh... Bóng đá Sài Gòn do vậy tứ tán hết.
Bản thân ông Phạm Huỳnh Tam Lang ngày đó khoác áo đội Cảnh sát quốc gia, đeo lon trung úy nhưng ở lại quê hương và sau ngày 30.4, ông ra trình diện rồi đi học tập 1 tuần. Những ngày tháng đầu không bóng đá, danh thủ Tam Lang và nhiều cầu thủ khác như thủ môn Lưu Kim Hoàng, Lê Đình Thăng, Tư Lê, Dương Văn Thà… được phân bổ rải rác về các phân xưởng của Cảng Sài Gòn với nhiều nhiệm vụ khác nhau ở tổ xếp dỡ hàng hóa, lái tàu, kiểm kê, tổ điện máy.
Đội Cảng Sài Gòn những ngày đầu thành lập với đội trưởng Tam Lang (đứng thứ tư, từ phải qua) - Ảnh tư liệu CLB Cảng Sài Gòn |
Tròn 1 năm sau, ngày 7.11.1976, đội Cảng Sài Gòn là đội bóng đầu tiên tiếp đón đội Tổng cục Đường sắt tại sân Thống Nhất (đổi tên từ sân Cộng Hòa), trong trận đấu lịch sử của hai miền Nam - Bắc sau ngày thống nhất.
Trận cầu đó, Cảng Sài Gòn tung ra lực lượng chơi theo sơ đồ 4-2-4 gồm: thủ môn Lưu Kim Hoàng, hậu vệ Trung, Thăng, Tam Lang, Quang tiền vệ Kịch, Thà, tiền đạo Ngọc, Cù Sinh, Tư Lê, Ngôn. Phía Tổng cục Đường sắt cũng dùng sơ đồ 4-2-4 là thủ môn Trường Sinh, hậu vệ Phương, Khắc Chính, Quang, Thụy; tiền vệ Thụy Hải, Đức Chung; tiền đạo Minh Điểm, Lộc, Hoàng Gia, Ân.
Kết quả trận đấu 2-0 nghiêng về Tổng cụcĐường sắt, với 2 bàn thắng được ghi bởi Mai Đức Chung từ cú đánh đầu và Lê Thụy Hải với quả sút xa. Ông Lê Thụy Hải sau này vẫn hay kể: “Về chuyên môn thì các anh bên Cảng khá kỹ thuật, chơi bóng có nét gì đó bay bướm song thể lực hơi yếu, còn cầu thủ chúng tôi chơi bóng kỷ luật, giàu sức mạnh theo trường phái các nước XHCN thời bấy giờ”.
Sau 5 năm chơi bóng cho Cảng Sài Gòn ở các giải đấu của TP.HCM và miền Nam và chủ yếu để phát động phong trào, vì lúc đó Phạm Huỳnh Tam Lang đã lớn tuổi, đến năm 1980 sau giải vô địch quốc gia đầu tiên, Phạm Huỳnh Tam Lang giải nghệ để chuyển sang vai trò mới: huấn luyện viên.
Ươm mầm thành đội bóng lẫy lừng
Phạm Huỳnh Tam Lang là một trong số ít các danh thủ miền Nam được Nhà nước tạo điều kiện nhiều mặt để làm hạt giống xây dựng bóng đá TP.HCM ở thời kỳ mới. Sau khi giải nghệ, danh thủ Tam Lang được cử sang Cộng hòa Dân chủ Đức để học chuyên sâu về các khóa huấn luyện. Ông đã mất 2 năm ở trời Âu để rèn giũa chuyên môn và được coi là một trong những HLV phía Nam được đào tạo bài bản bậc nhất thời đó.
Về phần CLB Cảng Sài Gòn, sau những năm đầu tận dụng các cầu thủ ngày trước mà nhiều người đã bước qua thời kỳ đỉnh cao, nên dù là đại diện của bóng đá TP.HCM tham dự giải vô địch quốc gia từ những ngày đầu, đội cũng không đạt thành tích cao trước các đội bóng miền Bắc mạnh về tính kỷ luật, giàu thể lực.
Sau khi học xong khóa huấn luyện ở Đông Đức trở về, ông Tam Lang được tín nhiệm giao chức HLV trưởng Cảng Sài Gòn vào năm 1983. Đây cũng là thời điểm mà Cảng Sài Gòn bắt đầu chuyển giao thế hệ, tiếp nhận các cầu thủ trẻ thuộc khóa 1 trường Năng khiếu Nghiệp vụ Thể dục Thể thao TP.HCM vừa mới tốt nghiệp. Nhiều cầu thủ xuất thân từ phong trào hay từ các tỉnh lẻ hay ở CLB khác cũng tìm đến Cảng Sài Gòn "thử giò" và ông Tam Lang, với trợ lý Dương Văn Thà đã bỏ công sàng lọc gắt gao.
Những gương mặt trẻ đó về sau này đã làm rạng danh Cảng Sài Gòn và bóng đá TP.HCM gồm: Đặng Trần Chỉnh, Phan Hữu Phát, Hà Vương Ngầu Nại, Phạm Văn Tám, Nguyễn Thanh Tùng, Võ Hoàng Tân, Vương Diệu Thành, Hồ Văn Tam, Nguyễn Hoàng Châu… Trong số này, tiền đạo Đặng Trần Chỉnh và tiền vệ Phan Hữu Phát sớm phát tiết và được chọn vào đội tuyển quốc gia dự giải SKDA 1984 (giải quân đội các nước XHCN).
Thế hệ cầu thủ kết hợp giữa các cựu binh như Lưu Kim Hoàng, Dương Văn Thà, Lê Đình Thăng và lớp trẻ dưới dự dẫn dắt của HLV Phạm Huỳnh Tam Lang đã mất khoảng 2 năm để dần trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam những năm 1980.
Ít có đội bóng nào được người hâm mộ cả nước yêu mến như Cảng Sài Gòn (ảnh: Quang Minh) |
Sau chức vô địch quốc gia lần đầu tiên, Cảng Sài Gòn tiếp nhận thêm lứa cầu thủ mới gồm có Võ Hoàng Bửu, Lư Đình Tuấn, thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm… để củng cố lực lượng ngày một dày dạn.
Cùng với CLB Hải quan, Công nghiệp Thực phẩm, Sở Công nghiệp, Cảng Sài Gòn trở thành lá cờ đầu của bóng đá miền Nam vào những năm 1980, thời kỳ được coi là vàng son của bóng đá Sài thành sau 1975.
Đó là thời kỳ bao cấp nhiều gian khó nhưng hạnh phúc. Cảng Sài Gòn đi đến đâu cũng được chào đón, nhất là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cảng Sài Gòn gần như là đội bóng ruột của người miền Nam chứ không riêng gì ở TP.HCM. Khán đài B sân Thống Nhất luôn là “cứ địa” bất khả xâm phạm của cổ động viên Cảng, dù đây cũng là sân nhà của nhiều đội khác như Hải quan, Sở Công nghiệp…
Quan trọng hơn cả, ở CLB Cảng Sài Gòn người ta luôn nhìn thấy lối chơi kỹ thuật, bóng ngắn ăn ý, di chuyển linh hoạt và phong cách thi đấu hòa nhã, lịch thiệp như một “định dạng” không lẫn với đội bóng nào khác. Hình ảnh của CLB Cảng Sài Gòn đã mang đậm dấu ấn của người thuyền trưởng tài hoa: Phạm Huỳnh Tam Lang.
Nguyên An