"Ánh sáng" vinh quang không rọi nổi đời cầu thủ nữ
Thể thao - Ngày đăng : 15:10, 18/05/2014
Vé World Cup: Giải đặc biệt bất ngờ
Bóng đá nữ vốn ít được CĐV, khán giả quan tâm nên không ít người tỏ ra ngạc nhiên không rõ vì sao ở kỳ Asian Cup ở sân Thống Nhất, ĐT nữ Việt Nam lại có cơ hội tham dự World Cup 2015 tổ chức tại Canada. Phải chăng trong mấy năm qua bóng đá nữ VN đã có bước tiến thần kỳ?
Thực ra cơ hội tranh chiếc vé dự World Cup 2015 cho tuyển VN, Thái Lan, Myanmar được ví như một chiếc vé sổ xố trúng “giải đặc biệt” rất bất ngờ khi tuyển CHDCND Triều Tiên bị FIFA treo giò do sử dụng doping có hệ thống ở kỳ World Cup 2011 ở Đức.
Tại giải đấu cách đây 3 năm, đội nữ Triều Tiên bị phát hiện có đến 5 cầu thủ dùng chất cấm trong những lần test doping ngẫu nhiên. FIFA đã phạt rất nặng CHDCND Triều Tiên khi treo giò 5 cầu thủ dùng doping và bác sỹ của đội, phạt 400.000 USD và cấm đội tuyển nước này thi đấu trong 4 năm, đồng nghĩa với việc tước quyền dự World Cup 2015.
Dưới chân đèn vẫn còn… tối
Lãnh đạo VFF như chủ tịch Lê Hùng Dũng từng phát biểu: “Chiếc vé dự World Cup là cơ hội ngàn năm có một”. Không ai phủ nhận chuyện “ngàn năm có một” này và rằng cứ lấy được vé World Cup là hãnh diện rồi, còn sang Canada đá như thế nào, thua bao nhiêu bàn thì “cứ đợi khi đó hẵng hay”.
Cựu đội trưởng Kim Chi là nhiều thế hệ cầu thủ nữ đã đổ máu để mang lại vinh quang cho bóng đá Việt Nam nhưng chưa bao giờ bóng đá nữ VN được quan tâm đúng mức (ảnh: Quang Minh - VTC) |
Trong cuộc trò chuyện với Một Thế Giới, tiền đạo ĐT nữ VN Minh Nguyệt cho biết: “Lương của tôi ở đội Hà Nội 1 xếp loại A cũng chỉ 3 triệu/tháng, còn loại B-C thì ít hơn nữa. Đá bóng quanh năm chỉ trông chờ vào tiền thưởng khi có thành tích cùng ĐTQG. Đối với những người không được lên tuyển thì cuộc sống rất cơ cực và bấp bênh”.
Ngay cả với nhiều tuyển thủ QG thì tiền thưởng mà họ dành dụm được cũng chẳng thể đảm bảo được tương lai ổn định. Trung vệ Nguyễn Thị Nga (Hà Nội 1) từng treo giày, lập gia đình, sinh con năm 2011 và chuyển sang công tác huấn luyện nhưng thu nhập ở công việc mới quá ít ỏi (3 triệu/tháng) nên chị phải cắn răng tập luyện để quay lại ĐT nữ VN khi HLV Trần Vân Phát đề nghị.
Cựu tiền đạo Đỗ Ngọc Châm, hoa khôi một thời của bóng đá nữ VN, cho biết: “Kiếm VĐV trẻ rất khó vì người ta không cho con gái đi đá bóng như Than KSVN phải đi về tận Quảng Ngãi, Hà Nam để tìm người nên rất là thông cảm cho các HLV, lãnh đội vì họ rất sợ khi nghe cầu thủ nữ nào đó chuẩn bị lập gia đình hay có ý định treo giày”.
Giải VĐQG nữ ra đời đã 16 năm nhưng số lượng chỉ vỏn vẹn có 6 đội, một số địa phương trước đây từng đầu tư bóng đá nữ như Quảng Ngãi, Long An, Lâm Đồng đã bỏ cuộc. Thái Nguyên là đội bóng yếu nhất giải VĐQG cũng vài lần có ý định từ bỏ và VFF phải cố gắng động viên để duy trì phong trào.
Ngay cả giới trọng tài nữ cũng khổ không kém vì tiền công của họ ở giải VĐQG chỉ 1,2 triệu/trận (chính) và 800 ngàn/trận (trợ lý) nhưng cả năm chỉ bắt giỏi lắm 5 trận. Họ phải lăn lộn với cuộc sống mưu sinh và phải yêu nghề vô cùng họ mới có thể đeo đuổi được.
Lãnh đạo VFF nào cũng than “kiếm từ bóng đá nữ khó lắm” và tình trạng cứ tiếp tục kéo dài hết năm nọ sang năm kia mà không thấy lối thoát. Khi nào ĐT nữ VN có thành tích thì VFF lại ca ngợi, thưởng cho đôi ba tỷ đồng, báo cáo thành tích rồi đâu lại vào đấy.
Nói không quá bóng đá nữ VN đang sống bằng việc “lợi dụng” tình yêu bóng đá của các cầu thủ nữ. Nếu kỳ này ĐT nữ VN giành vé dự World Cup với những hào quang lại lấp lóa và có người sẽ được hưởng lợi rất nhiều nhưng dưới chân đèn vẫn là một bóng tối phủ lên đời cầu thủ nữ.
Nam Kha