'Nữ hoàng chân đất': Chân đất có gì tự hào?!
Thể thao - Ngày đăng : 20:19, 18/03/2014
Đúng là Phạm Thị Bình chạy chân trần và hiện là tuyển thủ số 1 của tuyển marathon Việt Nam. Ở SEA Games 27 cuối năm ngoái tại Myanmar, Phạm Thị Bình đoạt HCV cự ly 42km và trước đó ở giải vô địch điền kinh châu Á năm 2011, chị đoạt HCĐ khi chạy bằng đôi chân trần. Chứng kiến thành tích tuyệt vời của cô gái 24 tuổi trên đất Myanmar, báo chí thể thao đã phong cho Phạm Thị Bình biệt danh: “Nữ hoàng chân đất”.
Thế kỷ 21 vẫn sướng với “Chân dép lốp bay vào vũ trụ”
Độc giả rất thích thú với biệt danh này và đều nghĩ rằng đó là một điều đáng để tự hào khi chân đất đã thắng “chân mang giày” cũng như thể hiện được “ý chí, niềm tin và nghị lực sắt đá” hay đại loại là những danh từ tốt đẹp nào mà người ta có thể “gắn” được vô đôi chân trần của Phạm Thị Bình.
Xuất phát từ chuyện đó mà danh xưng “Nữ hoàng chân đất” được gắn cho VĐV Phạm Thị Bình và bây giờ người ta đã sử dụng biệt danh này cho hoạt động thương mại.
40 năm trước, điền kinh Việt Nam cũng có một "Nữ hoàng chân đất" là VĐV Trần Thị Soa (ảnh: Tư liệu bà Soa cung cấp). |
Bà Soa chạy chân đất vì bà ở nông thôn quen đi chân trần nên xỏ giày vào khó chịu, không quen được. Vì bà đi chân trần nhưng vẫn chạy tốt, chạy giỏi và thắng các VĐV đi giày nên các HLV thấy chẳng có vấn đề gì: “Chạy gì mà chẳng được, cứ thắng, cứ vô địch là được”. Bản chất là thành tích trên hết!
Song đó là câu chuyện của gần 40 năm trước, chúng ta có thể chấp nhận được vì đó là quãng thời gian dân ta vẫn rất tự hào với chuyện: “Chân dép lốp bay vào vụ trụ”(!)
Tự hào chân đất, ai tự hào ngoài người Việt chúng ta?
Bây giờ, câu chuyện của Phạm Thị Bình đang ở năm 2014 khi thế kỷ 21 đã trôi qua được 15 năm. Nói về chuyên môn, đặt giả sử nếu cô gái ở vùng quê Bình Sơn – Quảng Ngãi được các thầy, các HLV tập cho mang giày thì thành tích có tốt hơn là đi chân không? Câu trả lời: “Có”.
Với đôi chân mang giày, VĐV sẽ được bảo vệ khỏi tai nạn trên đường chạy cũng như cải thiện thông số thành tích nhờ tiến bộ về công nghệ trong sản xuất giày thể thao. Nếu VĐV chạy chân đất mà tốt hơn mang giày, hẳn những hãng Nike, Adidas, Puma, Asic, Umbro, Lotto… đã phá sản từ lâu!
Song giống như bà Trần Thị Soa của 40 năm trước, khi mới được gọi lên tuyển điền kinh tỉnh Quảng Ngãi rồi Tuyển Việt Nam, Bình không quen mang giày, chạy chân không vẫn “sướng” hơn.
Để tập được cho Bình mang giày hẳn sẽ mất không ít thời gian và chắc chắn ban đầu thành tích không được như lúc đi chân không. Vậy thì cứ chân không mà chạy, mang giày vào làm gì! Rồi rốt cuộc cái mà các thầy, các HLV và cả bản thân Bình nghĩ sẽ là: “Chạy bằng gì chẳng được, miễn là thắng, miễn là vô địch”.
Phạm Thị Bình ăn mừng chiếc HCV ở SEA Games 27. Đối với nhiều người làm thể thao chân đất hay chân giày không quan trọng, quan trọng là chiến thắng và thành tích (ảnh: Ngô Nguyễn - Thanh Niên Thể thao). |
Bản chất bệnh thành tích 40 năm trước với bà Trần Thị Soa. 40 năm sau với Phạm Thị Bình vẫn giống nhau và đã trở thành “máu thịt” của nền thể thao Việt Nam. Vì bệnh thành tích này mà người ta bất chấp sự an toàn, sức khỏe lâu dài của VĐV hay cả hình ảnh “thương hiệu” của nền thể thao hay xa hơn là quốc gia.
Giờ nhiều người đang tự hào về chuyện Phạm Thị Bình chạy chân đất nhưng thử hình dung xem khi Bình thi đấu ở quốc tế như ASIAD hay Olympic, báo chí quốc tế, người dân nước ngoài sẽ nghĩ gì khi chứng kiến một VĐV Việt Nam chạy chân đất giữa một rừng các VĐV mang giày đàng hoàng.
Liệu họ có tự hào về “niềm tin, ý chí sắt đá, tinh thần vượt khó” như chúng ta hay họ đang nghĩ về đến một nền thể thao ra “nông nỗi” thế nào mà để một VĐV chạy chân không?
“Nữ hoàng chân đất”. Chân đất có gì để tự hào hay đó chính là một tinh thần AQ thứ thiệt đang hiện hữu ?
Đăng Khoa
Ảnh đại diện: Phạm Thị Bình trong lễ ký hợp đồng tài trợ với nước khoáng Thạch Bích
Ấn Độ từng bỏ VCK World Cup vì không chịu mang giày
Đội tuyển bóng đá Ấn Độ ở thập kỷ 1930-1940 qua bức tranh vẽ khi tất cả cầu thủ đều không mang giày |