Vì đâu Đại hội VFF khóa 7 liên tục bị ách lại?

Thể thao - Ngày đăng : 21:41, 11/03/2014

Trong lịch sử các kỳ Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chưa có kỳ Đại hội nào lại long đong như Đại hội khóa 7 lần này. Sau hai lần bị trì hoãn, lần thứ ba, VFF đã đệ đơn trình Bộ nội vụ xin tổ chức vào ngày 25.3 tới  nhưng đến giờ lá đơn của VFF vẫn chưa nhận được phản hồi hay ít ra là một tín hiệu khả quan. Vậy tại sao Đại hội VFF lại liên tục bị ách ?

Không nhìn thẳng yếu kém, không có được tiến bộ

Theo quy định về tổ hội đoàn thì Đại hội VFF muốn được tiến hành tổ chức phải đáp ứng các yêu cầu về nhân sự với ứng viên lãnh đạo và chương trình đại hội rồi được Bộ Nội vụ phê duyệt thông qua. Trong 2 lần trì bị hoãn trước (tháng 10. 2013 và tháng 1.2014) của Đại hội VFF khóa 7 là do không có ứng viên chức chủ tịch nào hoàn thành hồ sơ ứng cử theo đúng yêu cầu.

Ở thời điểm vào tháng 10.2013 thì ông Lê Khánh Hải – Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch cùng với ông Lê Hùng Dũng – chủ tịch HĐQT Eximbban và đương kiêm Phó chủ tịch VFF là hai ứng viên Chủ tịch VFF khóa 7. Ở lần bị trì hoãn tiếp theo (tháng 1.2014), ông Lê Khánh Hải được cho là rút lui khỏi cuộc chạy đua vào chiếc ghế quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam, trong khi đó ông Lê Hùng Dũng chỉ mới hoàn thành hồ sơ ứng viên.

Như vậy về tiêu chí đầu tiên là nhân sự,  Đại hội VFF  khóa 7 cơ bản hoàn thành. Kế đến để được cơ quan chức năng phê duyệt thông qua, VFF phải hoàn thành yêu cầu còn lại là chương trình hoạt động của Đại hội khóa 7.
Vi dau Dai hoi VFF khoa 7 lien tuc bi ach lai?
 
Chương trình hoạt động ở đây có thể được biết chia thành hai nội dung chính là: Nhìn lại, đánh giá những công việc đã qua của khóa 6 và phương án hành động của khóa 7 sắp tới. Về mặt yêu cầu của các cơ quan quản lý, bản báo cáo đánh giá lại quá trình hoạt động của VFF phải nhìn thẳng vào những khuyết điểm, nguyên nhân khiến bóng đá VN suốt thời gian dài sa sút trầm trọng và vai trò cơ quan quản lý điều hành là VFF giảm sút, mất uy tín trong xã hội.

Chỉ có sự nhìn nhận nghiêm túc về khuyết điểm, yếu kém thì mới có được phương án, đường lối hành động đúng đắn cho nhiệm kỳ mới, còn nếu bản báo cáo nhìn lại của VFF đệ trình vẫn đi theo “chủ nghĩa qua loa, đại khái” và dĩ nhiên không có bất kỳ dấu hiệu đột phá nào nên không thể thuyết phục được “cấp trên” phê chuẩn.

Hiện trạng bi bét của bóng đá VN hiện nay rất được các cơ quan ban ngành, các cấp lãnh đạo quan tâm sâu sát và muốn tạo ra sự thay đổi tích cực, hiệu quả. Do vậy, nếu bộ máy VFF không viết và đệ trình được một bản báo cáo thể hiện đúng tầm mức thì chuyện Đại hội VFF khóa 7 tiếp tục bị ách lại không phải là chuyện quá bất ngờ.

Tóm lại, Đại hội VFF khóa 7 phải thể hiện đúng tính chất, tầm vóc của một Đại hội chứ không phải là nơi để “hội đại”, bầu bán chia các ghế đã được định sẵn rồi “xong xuôi tất cả lại về” và bóng đá VN sẽ “vũ như cẩn”.

Ông Tanaka Koji: “Bóng đá VN phải thay đổi toàn bộ”. “Đúng, nhưng ai thay đổi?”

Ông Tanaka Koji là tân trưởng BTC giải V.League người Nhật Bản mà công ty VPF, đơn vị tổ chức V.League đã thuê để điều hành giải. Sau hơn nửa tháng làm việc, bằng góc sau quan sát của một chuyên gia đến từ nền bóng đá số 1 châu Á, ông Tanaka Koji đã phát biểu: “Bóng đá VN muốn phát triển thì phải thay đổi toàn bộ. Tuy nhiên để thay đổi thì cần phải có sự vào cuộc của các bên với tinh thần trách nhiệm cao nhất”

Với khả năng, trình độ và kinh nghiệm của mình, ông Tanaka Koji đã dần định hình và sẽ viết phác thảo kế hoạch chi tiết để đệ trình lên công ty VPF  cho việc “thay đổi toàn bộ” mà ông đã nói. Có nghĩa về mặt lý thuyết, bóng đá VN đã có được chất xám ngoại cho công việc cải tổ, nhưng vấn đề ở đây là ai ở bộ máy VFF và cả VPF chịu thay đổi để làm lại?
Vi dau Dai hoi VFF khoa 7 lien tuc bi ach lai?
Ông Tanaka Koji - Tân trưởng BTC giải V.League: "Bóng đá VN muốn phát triển cần thay đổi toàn bộ". Ông Koji nói đúng, nhưng vấn đề là ai ở VFF sẽ thay đổi ? 

Bộ máy VFF hay hệ thống điều hành, quản lý bóng đá VN lâu nay được biết đến như một thành trì bảo thủ, lạc hậu mà như cựu chủ tịch VFF Mai Liêm Trực nhận xét 10 năm trước: “Mặt bằng VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”. Sự trì trệ kéo dài bởi quyền lợi mà nhiều cá nhân trong bộ máy đó được thụ hưởng quá lớn, kết thành dây rễ chằng chịt và được điều khiển bởi những con người kém năng lực lẫn tâm huyết. Bởi vậy, thay đổi cả một hệ thống là công việc không đơn giản vì chắc chắn sẽ đụng đến “nồi cơm” của không ít người.

Lấy ví dụ về công ty VPF ra đời với mục đích thay đổi phương thức tổ chức giải đấu chuyên nghiệp V.League nhưng rốt cuộc VPF vẫn không thoát được cái bóng phủ trùm của VFF, đặc biệt trong 3 bộ phận: Trọng tài, kỷ luật và pháp chế. Ngay cả việc Ban Tư vấn đạo đức của VPF ra đời, rồi cũng bất lực khi những ý kiến đóng góp làm trong sạch môi trường bóng đá của họ đã bị gạt ra, lờ đi và còn bị vô hiệu. Sự giải thể mới đây của Ban Tư vấn đạo đức VPF một lần nữa chứng minh sự thất bại ở cấp độ “từ dưới lên” khi muốn thay đổi thành trì bảo thủ, trì trệ của bộ máy điều hành BĐVN.

Sẽ phi thực tế và thậm chí là ảo tưởng nếu cho rằng, tự bản thân VFF sẽ thay đổi cách nghĩ, cách làm và rằng họ sẽ tận dụng chất xám của những chuyên gia ngoại quốc như ông Tanaka Koji. Tại sao VFF lại thay đổi khi chính hiện trạng bây giờ đang mang lại quyền lợi và lợi ích quá lớn cho họ ?

Chính vì vậy, việc Đại hội VFF khóa 7 bị ách lại và không định trước thời gian tổ chức là một cơ hội lớn để bóng đá VN thay đổi toàn bộ theo phương cách “từ trên xuống dưới”.

Đăng Khoa
Ảnh đại diện: Đại hội VFF khóa 7 diễn ra để làm gì khi người ta không dám nhìn vào những hình ảnh khán đài trơ hoác khán giả như sân Gò Đậu của B.Bình Dương ở V.League 2014

Một Thế Giới