Tổng thống Putin ra mặt, cấp dưới đả kích Anh

Thể thao - Ngày đăng : 14:48, 12/11/2015

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa chính thức yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thể thao và các ban ngành liên quan cần hợp tác đầy đủ với Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA), đồng thời phải nghiêm túc tiếp nhận những nội dung cáo buộc để xử lý theo hướng... quy trách nhiệm cá nhân.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Thể thao Nga Vitaly Mutko vẫn hết sức căng thẳng, thậm chí đã có phát biểu bị đánh giá là thiếu thận trọng, không tương xứng với tầm của người đứng đầu một bộ. 

Đang trong tâm bão scandal doping, ông Mutko lại lên tiếng đả kích nước Anh khi cho rằng nếu như Ban tổ chức Olympic London 2012 không phát hiện được những trường hợp gian lận, thì "công tác xét nghiệm, kiểm tra mẫu thử tại kỳ Thế vận hội ở nước Anh chỉ là con số 0 và thậm chí còn tệ hơn hệ thống xét nghiệm của chúng tôi".

Phía Anh lập tức đáp trả thông qua người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao: "Chúng tôi tin rằng hệ thống phòng chống doping ở Anh rất mạnh. Cơ quan phòng chống doping Anh (UKAD) hoạt động một cách thông minh, song hành với các cơ quan thực thi pháp luật, sự phối hợp này hỗ trợ cho chương trình giáo dục và kiểm soát nghiêm ngặt việc sử dụng các chất cấm dành cho các VĐV. Đó là hệ thống được lãnh đạo ngành thể thao Anh đánh giá cao và tất cả VĐV của chúng tôi đều trong sạch, không dính doping".

Sự căng thẳng của ông Mutko là dễ hiểu, bởi sau khi công bố bản báo cáo hôm 9.11, ông Dick Pound, người phụ trách Ủy ban điều tra độc lập của WADA, đã nói thẳng ra rằng Bộ trưởng Bộ Thể thao Nga Mutko không thể không biết gì về quy mô của việc sử dụng doping ở Nga: "Ông ta không thể nào không biết về chuyện này. Và nếu ông ấy biết, thì ông ta chính là người đồng lõa".

Dien kinh Nga, doping, Tong thong Putin
Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko vẫn cứ tuyên bố hùng hồn dù đang bị nhấn chìm giữa cơn bão doping của thể thao Nga
Bản báo cáo dày 325 trang mà Ủy ban độc lập của WADA công bố hôm đầu tuần cáo buộc thể thao Nga không những không ngăn cấm, mà thậm chí còn bao che, tạo điều kiện cho các VĐV Nga sử dụng doping một cách hệ thống. Theo Ủy ban điều tra độc lập này, có 6 VĐV Nga mà mẫu thử doping có những yếu tố đáng nghi nhưng lại vẫn được bao che để tham dự Olympic 2012. Với sự gian lận này, điền kinh Nga đã làm hỏng kỳ Thế vận hội ở nước Anh. Thế nên trong báo cáo đã có kiến nghị treo giò suốt đời 5 VĐV điền kinh cự ly trung bình và 5 HLV.

Không chỉ đả kích người ngoài, ông Mutko còn căng thẳng cả với người trong nhà khi chỉ trích Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nga Greg Dyke chỉ vì ông này cho rằng scandal doping điền kinh Nga sẽ làm lung lay chiếc ghế thành viên Ủy ban Điều hành FIFA của Mutko. Trong phát biểu với hãng thông tấn Interfax, Bộ trưởng Mutko cho rằng nhận định của Dyke hết sức vô lý: "Là thành viên Ủy ban Điều hành FIFA và chủ tịch Hiệp hội bóng đá Nga, tôi có thể nói rằng tôi không phải là vật trang trí, không giống như ai đó, và tôi đã hoàn thành một số việc phù hợp, điều đó phải được tôn trọng".


Tuy nhiên, sau phiên họp khẩn cấp tại Sochi hôm 11.9 do đích thân Tổng thống Putin chủ trì để tìm ra đối sách cho những cáo buộc mà WADA đưa ra, ông Mutko đã tỏ ra khoan hòa, chịu nhượng bộ hơn. Thậm chí, ông Mutko còn tuyên bố nếu cần thiết, sẵn sàng chấp nhận việc mời một chuyên gia nước ngoài về phụ trách Phòng thí nghiệm Moscow. Ông và những đồng sự cũng không còn phát biểu rằng cáo buộc của WADA là "đòn tấn công chính trị nhắm vào Nga".

Trong cuộc họp tại Sochi, Tổng thống Putin đã lên tiếng yêu cầu "mọi ban ngành liên quan với thể thao" phải có hành động mạnh mẽ đối với những cáo buộc: "Thật không may khi phải nói rằng cuộc chiến với doping trong thể thao vẫn là cuộc chiến gánh chịu nhiều sức ép và đòi hỏi phải luôn luôn được quan tâm. Doping là phải loại bỏ thôi. Do vụ việc lần này liên quan đến liên đoàn điền kinh của chúng ta, tôi yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thể thao cùng các bộ trưởng có liên quan đến thể thao hãy dành sự quan tâm cao nhất cho vụ việc này. Đó là điều đầu tiên. Điều thứ hai, cần tiến hành một cuộc điều tra nội bộ của chính chúng ta, đồng thời tạo điều kiện cho sự hợp tác chuyên nghiệp và không giới hạn với những cơ quan phòng chống doping quốc tế. Chúng ta cần phải làm tất cả để thoát khỏi vụ tai tiếng này".

Kêu gọi các bộ liên quan tích cực hợp tác với WADA, nhưng bản thân ông Putin lại không đồng tình  với cái mốc thời hạn 13.11, ngày mà Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) tiến hành họp bất thường để đưa ra quyết định có phạt cấm Nga tham dự các giải thi đấu quốc tế hay không. Quả thật, thời hạn đó là quá gấp rút để Liên đoàn Điền kinh Nga (ARAF) chứng minh mình trong sạch.

Tuy ARAF phản bác ngay từ đầu rằng những cáo buộc của WADA là thiếu căn cứ, thiếu bằng chứng thuyết phục, nhưng với những động thái của phía Nga trong những ngày qua, xem chừng ARAF cũng chẳng đủ lý lẽ để rửa sạch vụ tai tiếng này.
Và đối sách của Nga khi ngày 13.11 đã gần kề là... quy trách nhiệm cá nhân, ai sai người đó phải gánh chịu hậu quả, chứ không để tập thể nhận trách nhiệm. Tổng thống Putin nói rõ:

 "Nếu như cuộc điều tra của chúng ta đi đến kết luận rằng một người nào đó phải trả lời về những vi phạm các quy định chống doping hiện hành, thì phải quy trách nhiệm cho cá nhân.

Trách nhiệm thì phải quy về cho cá nhân, và cũng phải làm rõ rằng những VĐV không dính líu đến doping, chưa bao giờ tiếp cận doping, không liên quan đến doping, thì không cần phải trả lời thay cho những kẻ vi phạm".


Hướng xử lý này của Tổng thống Putin là nhằm để thể thao Nga không bị cấm tham dự các giải đấu quốc tế. Nga chấp nhận xử phạt nặng những VĐV sử dụng doping, những HLV và chuyên viên phòng thí nghiệm có liên quan, thậm chí xem xét đến việc xếp tội sử dụng doping vào nhóm tội hình sự, nhưng không phạt đơn vị chủ quản. Theo lập luận này, nếu WADA có bằng chứng VĐV nào sử dụng doping thì IAAF cứ phạt người đó, chứ không thể phạt cả Liên đoàn Điền kinh Nga, vì điều đó bất công đối với những VĐV sạch của nước này.

Cùng chờ xem cuộc họp khẩn bằng hình thức điện thoại hội nghị tại Monaco vào ngày 13.11 này của IAAF có đồng tình với lập luận từ phía Nga hay không. Xem ra tân Chủ tịch IAAF Sebastian Coe cũng đang đối mặt với một quyết định khó khăn trong cuộc chiến chống doping của thể thao trên toàn thế giới.

Hoàng Anh

Một Thế Giới