Ánh Viên được đầu tư mấy tỷ để được như hôm nay?
Thể thao - Ngày đăng : 08:30, 12/06/2015
Để kình ngư này trở thành ngôi sao trên đường đua xanh, khiến cả cường quốc bơi lội Singapore phải “phát sốt” thì số tiền đầu tư không hề ít. Trong khoảng 4 năm qua, những chuyến tập huấn ở Mỹ của Ánh Viên cùng thầy Đặng Anh Tuấn đã “ngốn” khoảng 7 tỷ đồng.
Lâu nay thể thao Việt Nam tốn rất nhiều tiền đầu tư, nhưng thành tích ở các môn Olympic chưa khả quan. Nó xuất phát từ việc đầu tư dàn trải, thiếu chuyên sâu và chạy theo các môn “ao làng”.
Việc chạy theo các môn thuộc “hội làng” SEA Games không thuộc hệ thống Olympic chỉ để thi thố ở khu vực, dẫn đến việc đầu tư dàn trải vì mỗi kỳ đại hội nước chủ nhà lại thay đổi môn thi đấu xoành xoạch. Thế nên mới có cảnh nhiều môn tốn kém tiền bạc để tập luyện quanh năm, rồi đến SEA Games lại phải ở nhà “ngồi chơi xơi nước”, vì nước chủ nhà đã gạch môn đó khỏi đại hội.
Trong khi đó, với những môn Olympic thì đẳng cấp của VĐV sẽ quyết định thành tích, chứ không phải lo sợ tác động của khách quan. Vì thế, các tấm HCV này rất đáng giá và được xem là “vàng mười”. Đầu tư cho các môn Olympic thì không chỉ vùng vẫy ở “vùng trũng” nữa, mà phải hướng đến tầm châu lục và thế giới. Nhưng để có một VĐV đạt chuẩn tham dự Olympic, chứ chưa nói đến việc tranh huy chương, phải là quá trình đầu tư chuyên biệt với rất nhiều tiền của để VĐV nâng cao dần thành tích, tiến lên tiệm cận với trình độ châu lục.
Đơn cử như trường hợp của Ánh Viên. Để kình ngư này trở thành ngôi sao trên đường đua xanh, khiến cả cường quốc bơi lội Singapore phải “phát sốt” thì số tiền đầu tư không hề ít. Trong khoảng 4 năm qua, những chuyến tập huấn ở Mỹ của Ánh Viên cùng thầy Đặng Anh Tuấn đã “ngốn” khoảng 7 tỷ đồng, là số tiền của Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản Ánh Viên - là quân đội chi trả. Nhưng đó là khoản đầu tư rất xứng đáng khi Ánh Viên đã nâng cao thành tích của mình để tiến dần đến trình độ châu lục. Ở khu vực Đông Nam Á, cô có thể “làm mưa làm gió” với 7 HCV tại SEA Games này.
Hoàng Quý Phước được đầu tư ít hơn. Tuy nhiên, chuyến tập huấn gần nhất của anh tại Nhật Bản cũng hết khoảng 1,6 tỷ đồng. Trước đó, Phước có phần chững lại và không thành công khi tập huấn ở Mỹ và Trung Quốc, nhưng khi chuyển qua với các HLV người Nhật thì thành tích của Phước đã đạt chuẩn B để tham dự Olympic 2016. Ở SEA Games 28, dù phải cạnh tranh với đối thủ rất mạnh của Singapore là Schooling nhưng Phước cũng giành được 1 HCV nội dung 200m tự do.
Với việc đầu tư đúng hướng đó, thể thao Việt Nam từ không có VĐV tranh chấp HCV ở môn bơi, giờ đã trở thành một thế lực mới của khu vực, khiến hai cường quốc bơi là Singapore và Thái Lan cũng phải e dè. Cùng với đó, những môn thuộc hệ thống Olympic khác cũng được Việt Nam đầu tư chuyên sâu và đang gặt hái thành quả tại đại hội lần này.
Ngọc Uyên- Linh Vũ/ Theo Công An TPHCM
Một Thế Giới