Những điều chưa biết về kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên
Thể thao - Ngày đăng : 06:26, 11/06/2015
Thi đấu ấn tượng với 6 chiếc huy chương vàng và phá 7 kỷ lục SEA Games và chưa dừng lại, Nguyễn Thị Ánh Viên đã trở thành cái tên không chỉ truyền thông trong nước, khu vực quan tâm mà còn khiến thế giới bất ngờ. Thế nhưng ít ai biết để có thành tích như hiện nay, kình ngư vàng của thể thao Việt Nam đã từng tự luyện bơi trong dòng nước đục ngầu của con rạch Ba Cau trước nhà...
Tập bơi để phòng đuối nước, ngờ đâu trở thành vận động viên
Chia sẻ về cô con gái Nguyễn Thị Ánh Viên (SN 1996), giờ đã thành đứa con cưng của làng bơi lội Việt Nam, anh Nguyễn Văn Tác (SN 1975, cha của Ánh Viên) cho biết, Ánh Viên chào đời bình thường như bao trẻ khác. Khi Ánh Viên vừa tròn 1 tuổi, trong vùng có vài ca bệnh sốt xuất huyết và Ánh Viên là 1 trong số đó.
Thấy nóng sốt mấy ngày liền, gia đình đưa Ánh Viên đi bệnh viện. Bác sĩ lấy mẫu máu, phân tích nhưng sau đó lại cho về nhà. Đêm đó Ánh Viên thở nặng nhọc, nên trời sáng gia đình lại đưa bé trở lại bệnh viện khi trên da đã xuất hiện nhiều chấm đỏ. Theo các bác sĩ, đây là trường hợp khá nặng và may mắn là Ánh Viên đã qua khỏi. “Sau lần duy nhất tới bệnh viện đó cho tới lớn, bé chỉ thỉnh thoảng ấm đầu, sổ mũi lặt vặt thôi chứ không còn tình trạng vợ chồng tui phải vác con chạy tới bệnh viện kêu cứu nữa”, anh Tác kể.
Anh Nguyễn Văn Tác tự hào khi nói về Ánh Viên |
PV TT&ĐS: Lúc Ánh Viên ra đời, điều kiện kinh tế gia đình ra sao thưa anh?
Anh Nguyễn Văn Tác: Gia đình tui nông dân chính gốc, quanh năm lam lũ với 3 - 4 công ruộng vườn nên cuộc sống cũng vừa tạm đủ. Chỉ có điều cha mẹ tui, tức ông bà nội của nó, phải trở thành “bảo mẫu” bất đắc dĩ, ở nhà trông coi cháu cho vợ chồng tui ra đồng.
Gia đình đã nhận ra năng khiếu bơi lội của Ánh Viên từ lúc nào?
Dù nơi ở của gia đình thuộc TP. Cần Thơ nhưng ấp Ba Cau (xã Giai Xuân, huyện Phong Điền) lại không khác gì một vùng quê với đặc thù ruộng lúa, vườn cây đan xen với hệ thống sông rạch chằng chịt. Hàng năm nước nổi tràn về, chuyện trẻ em đuối nước là nỗi ám ảnh của những gia đình có con nhỏ. Biết bơi là điều kiện giúp trẻ em chung sống an toàn với sông nước và cũng là tiêu chí của không ít gia đình nông thôn. Lúc bé Viên khoảng 3 - 4 tuổi, cha tui thường hay dắt cháu ra bến nước trước nhà tập cho bé bơi vì ông cho rằng đó là cách giữ bé tốt hơn là coi chừng từng bước đi. Bởi bé cũng có tính rất hiếu động. Tập chưa đầy 1 tuần lễ là bé đã biết bơi cha tui mừng và khen con nhỏ bơi giỏi. Lúc ấy gia đình chỉ đỡ lo chết đuối thôi chứ cũng chẳng nghĩ đó là năng khiếu gì.
2 bên nội ngoại của Ánh Viên có truyền thống hay có ai có năng khiếu gì nổi trội?
Cả 2 bên gia đình đều có truyền thống... sống với nghề nông nên ngoài “năng khiếu” dãi nắng dầm mưa ngoài ruộng trong vườn chẳng thấy có gì nổi trội khác.
Những năm tiểu học, anh có nhận ra học lực của bé có gì nổi bật?
Ánh Viên là một học sinh bình thường với học lực ở mức trung bình. Chỉ có điều đặc biệt là khi học tới lớp 5, những lúc ở nhà, bé thường hay lội xuống bến nước, một mình thực hành những động tác bơi. Hỏi ra mới biết ở trường có dạy bơi nên về nhà bé phải tập thêm để đi thi. Tới lúc bé được chọn đi thi Hội khỏe Phù đổng cấp huyện rồi tới cấp tỉnh, đi đâu được giải tới đó, gia đình tui mới phần nào yên tâm hơn. Bởi con gái gì mà lúc nào cũng nghịch dưới sông! Ở quê người ta nói như vậy là “hổng nên”.
Từ lúc đó gia đình đã đầu tư thêm gì cho bé phát triển năng khiếu?
Gia đình tôi nông dân rặt, có ai biết gì đâu mà đầu tư. Chỉ có vài nơi đến nhà ngỏ ý đưa con tui về để phát triển thêm năng khiếu bơi lội, trong đó có Trung tâm Thể dục thể thao Quốc phòng 4 (Quân khu 9, chịu trách nhiệm huấn luyện, cung cấp vận động viên cho đội tuyển quốc gia). Lúc đó con nhỏ ham lắm nhưng gia đình tui phần thì ngại con còn nhỏ, thứ nữa lại là con gái mà xa cha mẹ thì làm sao yên tâm được. Nhưng nó ham quá! Cuối cùng gia đình tui chọn Trung tâm Quốc phòng 4 là nơi gởi gắm con gái luyện tập vì trung tâm này nằm ở Cần Thơ, gần nhà. Từ đó tới nay, Ánh Viên trở thành vận động viên của đội tuyển, gia đình chỉ còn là “trạm dừng” của nó trong những khoảng thời gian ngắn ngủi được phép nghỉ ngơi. Xem như tụi tui “mất” đứa con gái mình từ đó.
Trong quá trình huấn luyện tập trung, Ánh Viên có tâm sự gì với gia đình về những khó khăn gặp phải?
Có lần Ánh Viên nghe các bạn lớp trước so đo, toan tính về chuyện tương lai của vận động viên chuyên nghiệp. Nó sợ sau này nghỉ bơi thì... đói! Tinh thần có vẻ chao đảo nên nó về nhà thỏ thẻ với tui rằng: “Nghe mấy bạn nói sao thấy nản quá, chắc con bỏ luôn không tập luyện nữa”. Tui không ép con mà chỉ nói tương lai của con do con quyết định, nếu tự nhận thấy mình có thế mạnh gì thì nên chọn và tập trung học tập rèn luyện. Từ đó đến giờ, tui không bao giờ nghe Ánh Viên than thở về chuyện học hành, khổ luyện, tương lai gì nữa. Nó chỉ nói đơn giản là con còn trẻ, cố gắng kiếm nhiều huy chương.
Lịch tập huấn, thi đấu dày đặc, anh có biết Ánh Viên đã giải quyết nỗi nhớ nhà bằng cách nào?
Lúc còn tập luyện ở Cần Thơ, 1 - 2 tuần nó còn về nhà được 1 lần ngày cuối tuần, đến khi tập trung ở Trung tâm Quốc phòng 2 (Thủ Đức, TP.HCM), gia đình cũng không hề hay biết. Vài tháng sau, gia đình biết mới tìm lên Thủ Đức thăm con. Từ đó, tất cả thời gian nó dồn hết cho việc tập luyện, mỗi năm chỉ được về thăm nhà 1 lần trong 1 ngày. Tới khi đi tập huấn nước ngoài, mỗi năm cũng chỉ về nhà được 1 ngày. Tính ra đã 4 năm rồi. Ánh Viên lâu rồi không được ăn Tết tại nhà cùng với ông bà, cha mẹ. Năm đầu tiên ăn Tết trên đất Mỹ, nhìn thấy gia đình người ta, nhớ nhà, nó điện thoại về khóc, mẹ nó cũng khóc theo.
Ngoài những thành tích, điều gì dễ gây xúc động nhất đối với anh mỗi lần gặp mặt hoặc nhìn thấy Ánh Viên qua màn hình điện thoại, ti vi?
Mỗi lần nhìn thấy da con đen sạm, tui thấy nóng ruột lắm. Dù được đi, ở, biết nhiêu nơi, học nhiều thứ nhưng Ánh Viên vẫn còn là đứa con của gia đình với đầy đủ nhũng nét chất phác, chân quê. Có lần con về thăm, tui nói con học tiếng Anh đâu thử nói vài tiếng cho cha nghe với? Con nhỏ cười bẽn lẽn: “Con nói ba cũng đâu biết gì đâu”. Và cái đáng thương nhất là con nhỏ chỉ lo cho người khác mà không đòi hỏi gì, đơn giản nhất là về tới nhà là có gì ăn nấy. Và tội nghiệp nhất là dù biết đi xe đạp từ nhỏ, nhưng tới tận bây giờ Ánh Viên vẫn chưa hề biết điều khiển xe gắn máy, mặc dù bạn bè trang lứa có đứa lái cả xe hơi rồi.
Theo anh Tác, Ánh Viên là người con hiếu thảo. Số tiền thưởng dành dụm được từ thành tích thi đấu, Ánh Viên đều gom lại để phụ giúp gia đình. Năm 2011, Ánh Viên đã xây dựng cho cha mẹ mình căn nhà tường kiên cố. Và những ngày qua, trong lúc Ánh Viên thi đấu xuất sắc tại SEA Games 28, có trong tay 6 HCV và 7 kỷ lục SEA Games, thì bố mẹ của cô ở quê nhà vẫn tất bật với công việc đồng áng.
Ngọc Tùng / Tuổi trẻ & Đời sống