3 nguyên nhân khiến ASIAD ngày càng nhạt nhòa
Thể thao - Ngày đăng : 10:58, 20/09/2014
1-Xu thế toàn cầu hóa thể thao
Đầu tiên chúng ta cần biết được nguồn gốc của Asiad vốn bắt đầu từ nhu cầu của nhiều nước ở châu Á mới giành được độc lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2 muốn có một sân chơi thể thao để thắt chặt tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau.
Kỳ Asiad đầu tiên tổ chức vào năm 1951 ở New Delhi (Ấn Độ) với 11 quốc gia tham dự với vỏn vẹn 489 VĐV tranh tài với 6 bộ môn. Đến kỳ Asiad thứ 3 năm 1958 tại Tokyo (Nhật Bản) đã tăng lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự với số lượng VĐV lên tới 1.422 người, dự tranh 13 môn thi đấu và lúc này Asiad đã gây tiếng vang lớn, có sức lan tỏa khắp châu lục.
Năm 1966, kỳ Asiad thứ 5 tổ chức tại Bangkok (Thái Lan) đã nâng mức quy mô Đại hội lên 18 quốc gia-vùng lãnh thổ với 1945 VĐV tranh tài ở 14 bộ môn. Đây là kỳ Đại hội thành công rực rỡ, bắt đầu đánh dấu dự giai đoạn chạy đà và cất cánh của thể thao châu Á.
Cho đến kỳ Asiad 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc) ghi nhận số lượng quốc gia-vùng lãnh thổ tham dự đông nhất với con 45 đoàn và với số lượng VĐV kỷ lục trên 11.700 người, tranh tài ở 42 môn.
Ở kỳ Asiad 17 tại Incheon (Hàn Quốc) vừa khai mạc tối qua, số đoàn dự vẫn là 45 nhưng lượng VĐV giảm chỉ còn 9535 người và tranh tài ở 36 môn.
Giống như nhiều Đại hội thể thao của châu lục khác và khu vực, Asiad ra đời đã hơn 60 năm trước trong tình hình thế giới còn nhiều biến động. Về sau nay khi xu thế hòa bình, hợp tác ngày càng lớn mạnh thì Asiad cũng lớn mạnh theo thời gian.
Bây giờ nhiều người dành sự quan tâm nhiều đến sân chơi Olymppic với những siêu sao như Usain Bolt (điền kinh) hay Micheal Phelps (bơi lội) hơn là sân chơi như Asiad |
Tuy nhiên trong khoảng 8 năm gần đây nhất, thế giới bước vào thời đại toàn cầu hóa, bùng nổ internet thì những ranh giới về địa lý, khu vực dần xóa nhòa, kể cả trong lĩnh vực thể thao. Hầu như tâm lý chung của các nền thể thao trên thế giới hiện nay đều hướng về sân chơi Olympic với quy mô toàn cầu, hấp dẫn cạnh tranh quyết liệt.
Không chỉ Asiad mà các giải lớn như Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội thể thao Nam Á (SAF Games), Đại hội thể thao Bắc Mỹ (NAIG) hay Đại hội thể thao Khối thịnh vượng (Commonwealth) đều dần dần mất đi sự hào hứng, quan tâm của các quốc gia thành viên. Thế giới ngày càng “hẹp hơn, nhỏ bé hơn” là nguyên nhân chính khiến Asiad dần mất đi tính hấp dẫn.
2-Sự thống trị tuyệt đối của thể thao Trung Quốc
Yếu tố mang lại tính hấp dẫn của thể thao là tính ganh đua, cạnh tranh, tuy nhiên ở sân chơi Asiad thì điều này từ lâu đã không còn vì sự thống trị tuyệt đối của Trung Quốc.
Năm 1978, Asiad lần thứ 8 tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), đoàn Nhật Bản đứng đầu với 70 HCV và Trung Quốc đứng nhì với 51 HCV, Hàn Quốc xếp ba với 18 HCV.
Năm 1982, Asiad lần thứ 9 tại New Delhi (Ấn Độ), đoàn Trung Quốc lần đầu vươn lên đứng nhất với 61 HCV và chỉ hơn đoàn Nhật Bản đứng nhì 4 HCV.
Năm 1986, Asiad lần 10 tại Seoul, đoàn Trung Quốc vẫn là số 1 với 94 HCV song chỉ hơn đoàn đứng nhì là chủ nhà Hàn Quốc đúng 1 HCV (đoàn Nhật Bản đứng ba với 58 HCV).
Bước vào thập kỷ 1990 về sau, Trung Quốc đã thống trị tuyệt đối, Nhật Bản lẫn Hàn Quốc không thể cạnh tranh nổi và có cố gắng lắm cũng chỉ bằng 1/2 số lượng HCV mà đoàn Trung Quốc đạt được.
Asiad 1990 tại Bắc Kinh: Trung Quốc đạt 183 HCV (Hàn Quốc: 54 HCV, Nhật Bản: 38 HCV).
Asiad 1994 tại Hiroshima-Nhật: Trung Quốc đạt 126 HCV (Nhật Bản: 64 HCV, Hàn Quốc: 63 HCV)
Asiad 1998 tại Bangkok-Thái Lan: Trung Quốc đạt 129 HCV (Hàn Quốc: 65 HCV, Nhật Bản 52 HCV)
Asiad 2002 tại Busan-Hàn Quốc: Trung Quốc đạt 150 HCV (Hàn Quốc: 96 HCV, Nhật Bản: 44 HCV)
Asiad 2006 tại Doha-Qatar: Trung Quốc đạt 165 HCV (Hàn Quốc 58 HCV, Nhật Bản 50 HCV)
Asiad 2010 tại Quảng Châu: Trung Quốc đạt 199 HCV (Hàn Quốc đạt 76 HCV, Nhật Bản 48 HCV)
Nhìn vào bảng tống sắp huy chương Asian Games 2010 này dễ đoán vì sao người dân châu Á ngày càng thờ ơ với Asian Games |
Những con số biết nói nêu trên cho thấy cứ mỗi kỳ Asiad đi qua, người ta càng thấy khoảng cách giữa đoàn Trung Quốc với Nhật Bản, Hàn Quốc nới rộng ra thêm. Ngay cả khoảng cách giữa đoàn đứng 3 là Nhật Bản với đoàn đứng thứ 4, thứ 5 (Kazakhstan, Uzbekistan, Đài Loan, Iran, Ấn Độ, Thái Lan, …) cũng rất mênh mông với cách biệt chừng… 20-30 HCV !
3-Asiad vẫn còn tính chất… “hội làng”
Trong xu thế toàn cầu hóa, thông tin ngày càng tiếp cận dễ dàng hơn thì người ta càng thấy Asiad vẫn là sân chơi còn nhiều tính chất cục bộ, thiếu tính quy chuẩn Olympic hay nói dễ hiểu là còn tính chất…“hội làng”.
Điển hình cho tính thiếu quy chuẩn là ở Asiad có rất nhiều môn thể thao mang tính “địa phương” như wushu, cầu mây, kabaddi, đua thuyền rồng – tức là các môn mà khu vực này chơi phổ biến nhưng ở vùng khác lại “không biết nó là cái gì”. Ví dụ wushu là môn phổ biến ở các nước có cộng đồng người Hoa, còn cầu mây chỉ có các nước ở ĐNÁ là chơi giỏi hay kabaddi (một hình thức môn vật) lại chỉ có các nước ở Nam Á thi đấu với nhau.
Bên cạnh đó Asiad còn tổ chức nhiều môn cách chấm điểm mang nặng cảm tính, không rõ ràng về điểm số như thể hình, karatedo hay nhiều môn chẳng “rất khó gọi là thể thao” như billards snooker, cờ vua, cờ vây, cờ tướng…
Đây là môn Kabaddi mà ngoại trừ các nước vùng Nam Á thì hầu hết các nước khác ở châu Á không biết nó là môn gì, chơi ra sao |
Nhìn chung, Asiad thực sự vẫn chưa đi vào chuẩn mực, ôm đồm nhiều môn “không giống ai”, ít được quan tâm trong khi các môn thể thao cơ bản Olympic như: điền kinh, bơi lội, cử tạ, bắn cung, bắn súng, xe đạp, thể dục dụng cụ và các môn bóng thì đa số các quốc gia vẫn còn yếu kém, thua sút với nhóm đầu Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay thua sút nhiều với mặt bằng thế giới.
Điểm chốt lại Asiad mất đi tính hấp dẫn cũng bởi thiếu tính cạnh tranh cũng như thành tích thể thao yếu kém, tụt hậu vẫn là tình trạng chung của hầu hết các quốc gia-vùng lãnh thổ đông dân nhất hành tinh.
Nam Kha