Đám cưới là ngày ta bắt đầu “hành nhau” đến hết đời...
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:09, 18/10/2015
Tối cuối tuần vật vã mãi vẫn chẳng có ai lôi được mình ra khỏi nhà, từ thằng bạn thân đẹp trai, cho đến thằng anh đẹp trai và chân thật, cuối cùng thì ngồi lải nhải chuyện bỉm sữa chút xíu.
Xem phim châu Á, nhất là mấy phim hồi thế kỉ trước, đám cưới lúc nào cũng nằm ở cuối phim. Thế nhưng xem phim phương Tây, đám cưới lại nằm ở giữa phim, đầu phim, hoặc ở đâu đó trước cả khi bộ phim bắt đầu. Không phải là những câu chuyện cổ tích, thế nhưng xem phim phương Tây, vẫn cứ có cả một bầu trời gợi mở để mơ ước và tin tưởng. Nơi cánh cửa mở ấy, có cả hạnh phúc của hi sinh và cảm thông.
Trong "The theory of everything", có cả tình yêu sâu sắc và đợi chờ của "The wow", có cả những đắng cay của "Gone with the wind", và có khi, một lúc nào đó, người ta còn nhận ra nhau để rồi mất nhau như trong "The Danish girl"... Thậm chí, khi tôi xem "One day", thật sự, hai nhân vật chính đã đi một chặng đường dài gần như hết tuổi trẻ chỉ để nhận ra nhau. Đám cưới nằm ở khoảng 3/4 phim. Ấy thế mà, đoạn hôn nhân của họ vẫn lắm nỗi buồn. Kết thúc, người vợ ngày nào cũng khóc vì không thể có con sau nhiều năm chung sống. Rồi cuối cùng, cô qua đời vì tai nạn vào một sáng mùa thu. Vì sao lại thế?
Vì sao với người châu Á, hôn nhân chỉ như một giấc mơ không dám nhìn trực diện? Nếu nói đến người phụ nữ mà ba tôi sợ nhất trên đời, ngoài bà tôi, thì đó có lẽ là tôi, chứ không phải là mẹ. "Sợ" ở đây không phải như kiểu sợ của cấp dưới sợ sếp, như vợ sợ chồng vũ phu, như con sợ mẹ đánh. Mà là sợ không được tôn trọng, sợ không được tin yêu, sợ đánh mất.
Vì sợ tôi, nên suốt cuộc hôn nhân gần 30 năm qua với má, ba tôi không bao giờ dám rước một người đàn bà nào vào tiềm thức của mọi người trong gia đình. Đến giờ vẫn thế. Ba luôn là người đàn ông yêu tôi nhất trên đời, cũng là người duy nhất mà tôi có thể tin tưởng. Tôi nghĩ rằng, thay vì dạy con gái phải làm sao để đẹp theo chuẩn cộng đồng, theo ý mẹ muốn, dạy con gái phải chọn ai làm chồng, phải bầu bì và nuôi con ra sao,..., cũng nên dạy con gái phải làm sao để giữ lửa gia đình.
Những bà mẹ nên dạy con gái biết nấu ăn ngon, biết trang hoàng nhà cửa đẹp, biết lấy lòng nhà chồng, biết làm sao để đừng bị áp lực cuộc sống làm đánh mất chồng, và khi đã bị phản bội, thì phải làm thế nào...
Tôi có lẽ là người có diện mạo cổ điển nhưng tư tưởng khá lai căng. Nhỏ giờ chả bao giờ tôi đọc và mê cổ tích cả. Hồi nhỏ đọc Tấm Cám, Lọ Lem, Công chúa ngủ trong rừng, tôi đều thấy nó thật nhảm. Thế nào, độc ác như Tấm có thể được chấp nhận làm mẫu nghi? Sau khi làm mắm Cám, thì liệu sau đó Tấm còn làm mắm bao nhiêu phi tần mỹ nữ nữa?
Từ nhỏ tôi đã nghĩ, đám cưới đã cực nhọc, tốn kém, hậu đám cưới còn kinh hoàng hơn. Mang bầu 3,4 đứa con. Mỗi đứa 9 tháng 10 ngày, vị chi là 3,4 năm trời mang cái bụng, ói mửa, đóng cửa ở trong nhà. Chưa kể sau đó trói chân ít ra cũng 1,2 năm với mỗi đứa để nuôi chúng nó lớn khôn tới khi biết tự ăn cháo mới bắt đầu đi chơi được :v Rồi việc nhà việc cửa, rồi tiền bạc, rồi con đau con bệnh, áp lực nhà chồng. Rồi ngay chính người chồng mình, biết có đang ngoại tình với một người phụ nữ khác bên ngoài không, có tham lam mà ăn chặn ngân sách gì đó rồi đi tù không, có say xỉn cờ bạc không, có bỏ mình khi đang cơ cực không, có tham vàng bỏ ngãi không...
Chính vì dạy con gái rằng đám cưới là happy-ending nên phụ nữ Việt hầu hết đều nghĩ đám cưới là đoạn kết của cuộc đời mình. Lấy chồng rồi là xuân sắc, danh tiết, cuộc đời mình đã hỏng cả. Khi gặp chuyện, hầu hết đều khuỵ ngã, không còn tự tin vào bản thân để sống như đời núi, sống như biển trào.
Nguyễn Đặng Tường Vi