Mất cân bằng giới: Phụ nữ Việt có nguy cơ cao bị lạm dụng tình dục
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:37, 21/12/2015
PV: Xin ông cho biết tình trạng mất cân bằng giới tính hiện nay ở Việt Nam?
- Ông Nguyễn Văn Tân: Số liệu năm 2014 cho thấy, lần đầu tiên sau nhiều năm, tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) của Việt Nam đã giảm xuống còn 112,4 bé trai/100 bé gái.
Tuy nhiên, đây là tỷ số không bền vững, do tâm lý ưa thích con trai vẫn còn "thâm căn cố đế" trong đời sống người dân. Hiện vẫn có trên 40 tỉnh thành phố có tỷ số GTKS cao hơn mức an toàn. Nếu các ban ngành không tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động, phá bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ thì tình trạng mất cân bằng GTKS sẽ tăng cao bất cứ lúc nào và khó kìm hãm.
Nhiều người cho rằng họ cứ sinh con trai để nối dõi đã, còn hậu quả mất cân bằng GTKS rất xa vời, hơn nữa lại là vấn đề của xã hội. Ông chia sẻ thế nào về suy nghĩ này?
- Hoàn toàn không xa vời và “không liên quan” như nhiều người đang nghĩ. Vì theo các nhà nghiên cứu, với tỷ lệ mất cân bằng GTKS như hiện nay, khoảng 15-20 năm nữa sẽ có khoảng 4,3 triệu nam giới khuyết thiếu một nửa của mình. 4,3 triệu nam giới cô đơn, nhu cầu tâm lý, sinh lý không được giải quyết sẽ nảy sinh ức chế, bạo lực, cạnh tranh nhau để “bắt vợ” hoặc mua dâm. Xã hội sẽ nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Tân |
Như thế thì phụ nữ sẽ “có giá”, sẽ không còn bị coi thường như hiện nay?
- Hoàn toàn không phải như vậy. Khi phụ nữ trở nên hiếm hoi thì sẽ bị gia đình coi như “bảo bối”, giam hãm, “bảo quản” trong nhà, sẽ mất tự do. Nếu “có giá” có thể bị gia đình coi như món hàng trao đổi để tìm kiếm một cuộc hôn nhân “vì tiền”. Khi ít nữ, tình trạng bắt cóc, lừa bán làm vợ người khác hoặc ép buộc đi bán dâm cũng sẽ gia tăng. Trong gia đình, người chồng sợ “mất vợ” cũng sẽ giám sát, cũng sẽ dùng mọi cách kể cả bạo lực để giám sát người vợ. Hôn nhân có thể vì bạo lực, vì tiền bạc mà dễ tan vỡ hơn.
Vậy Việt Nam đã làm gì để giải quyết tình trạng này?
- Gần 10 năm nay Việt Nam đã có nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm thay đổi quan niệm ưa thích con trai trong tâm lý của người dân. Tuy nhiên tư tưởng này đã ăn sâu, bám rễ trong tâm thức của nhiều người Việt nên việc vận động, tuyên truyền cần một thời gian dài. Các biện pháp cấp thiết nhất là cán bộ thanh tra y tế, dân số phải rà soát các cơ sở siêu âm để tuyên truyền cho họ hiểu pháp luật nghiêm cấm hành vi công bố giới tính thai nhi.
Hiện việc tìm bằng chứng để xử phạt các cơ sở y tế vi phạm còn khó khăn vì họ chỉ nói lái, nói ngụ ý về giới tính như “dép cả đôi”, “có người thừa tự”... Còn để xử phạt người chồng ép vợ phá thai hay người mẹ phá thai vì giới tính thai nhi thì còn khó khăn hơn vì cần có “người trong cuộc” tố cáo. Dự thảo Ðề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020 với nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn việc áp dụng công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi (siêu âm, xét nghiệm máu, uống thuốc…). Muốn bắt quả tang lựa chọn giới tính thai nhi phải có bằng chứng.
Do đó, chúng tôi kiến nghị cả công an vào cuộc, đồng thời bố trí hệ thống giám sát bằng camera công khai quá trình khám thai – các giải pháp mạnh mẽ hơn để hạn chế điều này. Ngoài ra cần xây dựng hệ thống chính sách ưu tiên hỗ trợ gia đình sinh con gái một bề, hỗ trợ trẻ em gái…
Xin cảm ơn ông!