“500 nghìn một nụ hôn”: Trò chơi đánh mất mình
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 07:40, 09/07/2015
Ngay sau khi đăng tải, clip nhanh chóng nhận được sự quan tâm và bình luận của cư dân mạng.
500 nghìn đồng một nụ hôn, giá quá “bèo”
Bạn Nguyễn Thùy Linh (sinh viên Trường Học Viện Ngân Hàng) cho rằng, trò chơi này không hợp với văn hóa người Việt. Các bạn gái tham gia trò chơi dường như sẵn sàng vứt bỏ danh dự của mình khi dùng nó để đổi lấy tiền.
“Các bạn nữ không nên vì tiền mà tham gia những trò chơi vô bổ như vậy, bởi nếu thua người thiệt thòi là các cô gái. Hơn nữa, sẽ ra sao khi người yêu bạn thấy bạn hôn một người lạ”, Thùy Linh chia sẻ.
Thua cuộc cô gái phải hôn chàng trai |
Thu Thủy cho hay, văn hóa người Việt rất kín kẽ, nhất là chuyện thể hiện tình yêu ra bên ngoài. Vậy mà các bạn lại có thể thánh đố nhau tình cảm bằng vật chất giữa những người không quen biết.
“Bản thân mình khi xem xong clip này có suy nghĩ rằng 1 bộ phận giới trẻ ngày nay đang dần thoáng hơn cả trong suy nghĩ lẫn hành động. Đừng vì sự tò mò, cả tin hay muốn có 500.000 đồng mà hùa theo phong trào”, Thủy bày tỏ quan điểm.
Bạn Tuấn Anh, sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn chia sẻ: “Mới đầu xem mình cũng thấy trò chơi này khá hay, vì cái trò này bên tây có nhiều rồi nhưng giờ mới thấy ở Việt Nam. Nhưng xem đến gần cuối thì hơi sốc, vì ngoài 1 số bạn gái e dè, thua cuộc chỉ dám chạm môi anh chàng này thì có 1 số bạn gái thua cuộc còn hôn rất nồng nhiệt trong khoảng thời gian khá dài với một người con trai lạ. Theo mình, các bạn hình như đang bị cuốn theo trò chơi, thậm chí đã đi ngược với phong tục của người Việt trong cách thể hiện tình cảm”.
Nếu bạn gái mình là người tham gia trò chơi và thua cuộc buộc phải hôn một người lạ như trong clip mình sẽ rất tức giận và không biết điều gì sẽ xảy ra sau đó”, Tuấn Anh cười nói.Theo Nhà Nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, chàng trai trong clip và nhiều chàng trai khác có tư tưởng, suy nghĩ lấy đồng tiền làm thước đo giá trị, có tiền mua gì cũng được là đang áp dụng lệch lạc câu nói của các cụ “Có tiền mua tiên” cũng được.
“Văn hóa người Việt Nam rất thanh lịch: “Giàu thì phải sang”. Chàng trai này có thể giàu khi có tờ 500 nghìn đồng hoặc nhiều tờ tiền tương tự, nhưng chàng trai không biết “sang” là gì khi lấy đồng tiền để chơi một trò chơi làm giảm giá trị cuộc sống”, ông nói.
Theo đánh giá của nhà Nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, chàng trai trong clip và các cô gái hưởng ứng trò chơi đó đã tự đánh mất giá trị của mình. Tưởng rằng tham gia trò chơi là cách thể hiện sự sành điệu, nổi tiếng nhưng trên thực tế, hành động đó đã khiến hình ảnh của họ xấu đi vì bị xã hội phán xét, chê cười”.
“Đây là trò chơi bằng hành động dại dội của những người thiếu kĩ năng sống, lấy tiền làm thú vui, nhưng thú vui đó không có trí tuệ”, ông nói.
Nhà Nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất khuyên rằng, những hành động không đem lại lợi ích thì các bạn không nên làm. Hãy làm rạng danh mình bằng đam mê trí tuệ, được xã hội thán phục, ủng hộ thay bằng những trò chơi vô bổ như vậy.
Theo Nguyễn Hồng/Dân Việt