Nhìn lại bức tranh kinh tế Việt Nam quý I.2016: Lo nhiều hơn vui

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 04:59, 27/03/2016

Đối với nền kinh tế Việt Nam, năm 2016 được kỳ vọng là một năm đóng vai trò bước ngoặt để bắt đầu một chu kỳ kinh tế mới thành công và khởi sắc sau giai đoạn hậu khủng hoảng 2011-2015.
Mục tiêu đã được đặt ra đến năm 2035, đó là đưa thu nhập bình quân đầu người Việt Nam từ mức 2.100 USD hiện nay lên mức 7.000 USD. Những kỳ vọng lớn về một sự đổi mới toàn diện để hội nhập và nắm bắt thành công những cơ hội mà các hiệp định thương mại quan trọng đem lại trong năm 2016 là rất lớn. Thế nhưng, khi mà quý đầu tiên của năm 2016 sắp trôi qua, chúng ta mới giật mình khi nhìn lại những gì đã trải qua trong 1/4 thời gian của năm đầy kỳ vọng đó. Nó không phải là một bức tranh có gam màu tươi sáng, mà là một gam màu trầm chủ đạo.
Thực vậy, trong cuộc họp công bố số liệu thống kê GDP, lao động và việc làm quý I.2016 của Tổng cục Thống kê vào ngày 25.3, những chỉ số vĩ mô được báo cáo sẽ cho chúng ta một cái nhìn khá toàn diện về nền kinh tế Việt Nam trong quý đầu năm. Cụ thể, GDP quý I.2016 tăng 5,46%, thấp hơn khá nhiều so với tốc độ 6,12% của quý I.2015, và thậm chí còn thấp hơn mức 5,9% của quý I.2011 – thời điểm kinh tế Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn khó khăn khi mà tác động của khủng hoảng vẫn còn khá rõ nét.
Con số tăng trưởng có phần thất vọng này là kết quả của một sự sụt giảm tăng trưởng trong một loạt các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Cụ thể, ngành công nghiệp trong quý I chỉ tăng trưởng 6,2% kém xa mức 9,27% của quý I năm 2015; còn trong nông nghiệp thì mức tăng trưởng đã giảm mạnh xuống còn -2,69%.
Những chỉ số vĩ mô đáng thất vọng trong một năm đầy kỳ vọng này là kết quả tổng hợp của cả những khó khăn đến từ trong và ngoài nước. Nền kinh tế toàn cầu trở nên ảm đảm và trì trệ trong phần lớn thời gian 3 tháng đầu năm đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế Việt Nam, mà chủ yếu là thông qua sự sụt giảm xuất khẩu, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong quý I chỉ đạt 4,1%, thấp hơn khá nhiều mức dự kiến. Trong khi đó, tình hình thời tiết bất thường lại gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp, tình trạng giá rét ở miền Bắc cùng với hạn hán và xâm mặn ở miền Nam đang khiến cho ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thông qua việc mức tăng trưởng toàn ngành trong quý I bị đẩy xuống mức âm lần đầu tiên trong nhiều năm qua.
Hầu hết các tác động gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 3 tháng đầu năm có thể thấy, phần lớn đều là những nguyên nhân khách quan, do tình hình kinh tế thế giới và sự biến đổi khí hậu gây nên. Tuy nhiên, nó không phải là toàn bộ nguyên nhân khiến bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý đầu năm ở tình trạng màu xám như hiện tại. Ngược lại, nó đang chỉ ra cho chúng ta thấy nền kinh tế Việt Nam so với thời gian trước đây gần như vẫn không có thay đổi gì đáng kể, vì thế trở nên mong manh và dễ bị ảnh hưởng hơn bao giờ hết.
Thực vậy, nếu thống kê các vấn đề chủ chốt của nền kinh tế Việt Nam trong 3 tháng qua, thì chúng ta sẽ thấy các vấn đề tiêu cực lớn hơn nhiều lần các vấn đề tích cực. Những cải cách và đổi mới một cách toàn diện và sâu rộng trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế đủ để bắt nhịp với hội nhập gần như vẫn chưa xuất hiện, trong khi đó một loạt các vấn đề khó khăn phát sinh. Từ mức nợ công tăng cao, khó khăn ngân sách cho đến tình hình thiên tai tác động đến nông nghiệp. Tất cả những khó khăn này đang gây ra những trở ngại lớn trong thời điểm mà Việt Nam lẽ ra cần có những bước tiến dài nhất để nắm lấy cơ hội, trong khi những động thái đột phá cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thì vẫn chưa thấy đâu.
Nếu tạm thời bỏ qua các con số thống kê vĩ mô mà nhìn sâu hơn vào bức tranh nền kinh tế Việt Nam, một người bàng quan cũng có thể cảm thấy thực sự lo ngại. Nỗi lo trước hết là ngân sách, yếu tố giữ vai trò sinh tử nhất đối với nền kinh tế. Giá dầu sụt giảm đang khiến ngân sách hụt thu hàng ngàn tỉ đồng trong khi số tiền phải chi để thanh toán nợ ngắn hạn và lãi suất đang trở nên quá lớn. Theo thống kê của ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), thì trong năm 2016 số tiền mà Việt Nam phải trả các khoản nợ có thể lên tới 24% tổng thu ngân sách nhà nước. Và đó vẫn chưa phải là đỉnh lớn nhất, khi mà nó sẽ còn tiếp tục tăng lên và đạt đỉnh vào giai đoạn 2022-2025.
Việc ngân sách phải chi ra gần 1/4 để trả nợ quả là một tin tức gây sốc. Khi một gia đình phải bỏ ra tới 1/4 nguồn thu định kỳ để trả nợ thì gia đình đó không thể coi là có một nền tài chính ổn định được, và khoản nợ quá lớn ấy sẽ tác động lớn tới cuộc sống của gia đình đó theo một chiều hướng không lấy gì làm tốt đẹp. Một đất nước cũng như vậy. Phải bỏ ra tới 1/4 tổng thu ngân sách để trả nợ (tương đương khoảng gần 200.000 tỉ đồng) thì không hiểu sẽ còn được bao nhiêu tiền để dành cho phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong thời điểm Việt Nam đang cần đầu tư phát triển kinh tế hơn bao giờ hết.
Việc ngành nông nghiệp rơi vào khó khăn do tình trạng hạn hán và xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long cũng vậy. Ở một ý nghĩa nhất định, đó là kết quả tất yếu sẽ xảy ra đối với sự thờ ơ mà Việt Nam dành cho ngành nông nghiệp. Trên thực tế, ngành nông nghiệp đã rơi vào tình trạng suy trầm từ 2-3 năm nay và được liệt vào danh sách các lĩnh vực cần cải tổ gấp gáp hơn hết, nhưng tính đến thời điểm hiện tại hầu như vẫn chưa có gì diễn ra. Việc hạn hán và xâm mặn diễn ra chỉ là một cú đánh chót cho một lĩnh vực được đánh giá là quan trọng hàng đầu nhưng đã rơi vào tình trạng quá trì trệ trong nhiều năm mà thôi.
Đó là chưa kể đến việc, các cảnh báo về tình trạng khô hạn ở đồng bằng sông Cửu Long đã được đưa ra từ nhiều năm trước, khi các quốc gia trên thượng nguồn sông Mekong liên tục xây dựng các con đập lớn, cũng như hiện tượng El Nino đã được dự báo từ nhiều năm nay. Tình trạng thiên tai (và cả “nhân tai”) trầm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay chỉ là kết quả của việc không có sự chuẩn bị bất chấp những dự báo mà thôi. Sự thiếu chuẩn bị cho kịch bản hạn hán và xâm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vì thế cũng là biểu trưng cho sự thiếu chuẩn bị cho tương lai đối với toàn bộ ngành nông nghiệp trên cả nước.
Và giờ đây, khi các con số thống kê về tăng trưởng GDP sụt giảm mạnh trong quý đầu năm, chúng ta mới bắt đầu nhận ra một điều. Đó là Việt Nam đang bước vào năm bản lề 2016 với quá nhiều sự phấn khích và ảo tưởng, chứ không phải là một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chu tất cho thời điểm được xem là quan trọng nhất đối với nền kinh tế trong nhiều năm trở lại đây. Những gì đang diễn ra với ngành nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đang là điều đang diễn ra với cả nền kinh tế Việt Nam, đó là: tai họa chứ không phải là vận may sẽ đến đối với người thiếu sự chuẩn bị. Chúng ta vẫn còn tới 3 quý còn lại của năm 2016, vẫn là chưa muộn để rút ra bài học từ quý đầu tiên để có thể bứt phá trong khoảng thời gian còn lại.
Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, Cafebiz, Dantri)

Một Thế Giới