Vốn ODA sẽ được quản lý chặt chẽ hơn

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:00, 19/03/2016

Đó là nội dung trong Nghị định quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do Chính phủ vừa ban hành, thay thế Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23.4.2013.

Lĩnh vực ưu tiên

Theo Nghị định, các lĩnh vực được ưu tiên sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi gồm: Hỗ trợ thực hiện chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường thể chế quản lý nhà nước; Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Nghị định cũng ưu tiên hỗ trợ cho việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; Sử dụng làm nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP)…

Theo Nghị định này, các chương trình, dự án được đề xuất sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi phải đảm bảo tiêu chí như phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, chính sách, định hướng ưu tiên cung cấp vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài phải bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường và phát triển bền vững,  bảo đảm tính bền vững về kinh tế, phù hợp với khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng.

Bên cạnh đó, dự án phải phù hợp với khả năng trả nợ công, nợ Chính phủ và nợ chính quyền địa phương (đối với chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi).

Tiêu chí tiếp theo là phải đảm bảo không trùng lặp với chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư.

Nghị định cũng quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đầu tư công.

Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật Đầu tư công.

Dự án phải trình Thủ tướng quyết định

Thủ tướng Chính phủ cũng quyết định chủ trương đầu tư đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, hỗ trợ ngân sách.

Cụ thể, chương trình, dự án, phi dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau: Chương trình, dự án đầu tư nhóm A và nhóm B; Chương trình, dự án, phi dự án kèm theo khung chính sách; Chương trình, dự án, phi dự án trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, tôn giáo.

Tiếp theo là các chương trình tiếp cận theo ngành, dự án hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị chương trình, dự án vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi; Dự án hỗ trợ kỹ thuật có quy mô vốn tài trợ tương đương từ 2 triệu đô la Mỹ trở lên; Viện trợ mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; Sự tham gia của Việt Nam vào chương trình, dự án khu vực.

Đối với các chương trình, dự án, phi dự án không thuộc quy định trên thì người đứng đầu cơ quan chủ quản quyết định chủ trương đầu tư.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan lựa chọn đề xuất chương trình, dự án phù hợp theo tiêu chí trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thông báo bằng văn bản cho cơ quan chủ quản quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề xuất chương trình, dự án được cho phép triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và thẩm định, quyết định đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi...

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020”.

Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở phân cấp gắn với trách nhiệm, quyền hạn, năng lực quản lý và tính chủ động của các ngành, các cấp; bảo đảm sự phối hợp quản lý, kiểm tra và giám sát chặt chẽ của các cơ quan liên quan.

Trí Lâm

Một Thế Giới