Vụ Liên Kết Việt: Lỗ hổng lớn nhất chính là trách nhiệm quản lý

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:35, 03/03/2016

Trước việc Công ty Liên Kết Việt lừa đảo 6 vạn người với số tiền lên tới 1.900 tỉ đồng làm rúng động dư luận, một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm nhất chính là "trách nhiệm của cơ quan quản lý".
Sau khi vụ lừa đảo của Công ty Liên Kết Việt vỡ lở, vào ngày 28.2, ông Bạch Văn Mừng - Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) - người đứng đầu đơn vị trực tiếp quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp - đã lên tiếng về những lùm xùm liên quan đến Liên Kết Việt.
Ông Mừng cho biết sau khi Công ty Liên Kết Việt được cấp đăng ký hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của công ty vào ngày 15.7.2015. Căn cứ kết quả điều tra, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt công ty với số tiền 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm những quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Vào ngày 29.2, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định rằng "Bộ Công Thương không hành động chậm trễ trong vấn đề xử lý Công ty Liên Kết Việt".
Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn khẳng định với con số người bị lừa lên tới 6 vạn thì đó chính là lỗi về trách nhiệm quản lý và trách nhiệm xây dựng chính sách của cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Công Thương. Nếu Bộ phát đi thông báo cảnh báo sớm thì số lượng người bị lừa đã không lên tới hàng vạn.
Trao đổi với Báo điện tử Một Thế Giới về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng - cho biết: "Kinh doanh đa cấp là kinh doanh có điều kiện. Điều kiện ở đây không phải là bình thường mà khá chặt chẽ, đòi hỏi quản lý, rà soát phải cao. Bộ Công Thương chính là cơ quan cấp phép và có trách nhiệm quản lý trong sự việc này".
Qua sự việc của Công ty Liên Kết Việt có thể thấy rằng dù báo chí đã lên tiếng nhiều lần nhưng Bộ Công Thương vẫn chưa chịu vào cuộc xử lý, còn khi xử lý thì Bộ vẫn chưa ra thông báo cảnh báo khiến hàng vạn người bị lừa như vậy. Theo luật sư Đức, trong vụ việc của Liên Kết Việt thì không đơn giản là cảnh báo nữa mà phải thu hồi giấy phép, yêu cầu cơ quan pháp luật xử lý, vào cuộc ngay. Đây chính là trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương.
Như vậy, trách nhiệm của Bộ Công Thương trong vấn đề này chính là trách nhiệm quản lý và xây dựng chính sách. Nếu có sự giám sát chặt chẽ các hoạt động của công ty trên trong quá trình kinh doanh xem có đúng với giấy phép và điều luật của kinh doanh đa cấp hay không thì hậu quả sẽ không đến mức nghiêm trọng như thế. Khi mọi việc đã phơi bày bung bét, thì cơ quan quản lý mới vào cuộc và Bộ Công Thương mới lên tiếng chịu trách nhiệm, luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Nhận định về vấn đề này, luật sư Lương Quang Tuấn -Trưởng văn phòng luật sư An Thái, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, nói: "Vấn đề cần bàn ở đây là việc thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước từ cơ sở cho tới các tỉnh thành mà Công ty Liên Kết Việt hoạt động. Liên Kết Việt không hoạt động lén lút mà hoạt động công khai ở các địa điểm công cộng, có rất nhiều người tham gia, loa đài, băng rôn ồn ào… Vậy tại sao họ hoạt động như vậy trong thời gian dài mà các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, cơ quan công an không có động thái nào kiểm tra, ngăn chặn? Để đến khi hậu quả 60.000 nạn nhân nhân mắc vào và 1.900 tỉ đồng thiệt hại xảy ra rồi thì mới được ngăn chặn, gây ra biết bao hệ lụy cho người dân và xã hội. Như vậy thì lỗ hổng ở đây chính là trách nhiệm quản lý, giám sát".
Tuyết Nhung




Một Thế Giới