Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: 'Nâng cao năng lực cạnh tranh có ý nghĩa sống còn'
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:11, 24/02/2016
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hiện nay, yêu cầu đổi mới và cải cách đối với nền kinh tế Việt Nam ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết. Đặc biệt, chấp nhận hội nhập nghĩa là chấp nhận cạnh tranh, do vậy nâng cao năng lực cạnh tranh là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế.
Góp mặt tại Lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội vào ngày 23.2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có bài phát biểu ấn tượng liên quan tới những cải cách mà Việt Nam cần phải thực hiện nếu không muốn nguy cơ tụt hậu xa hơn.
Mở đầu bài phát biểu, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định: "Việt Nam vẫn là một nước nghèo, nhưng chúng ta chưa thỏa mãn với những gì chúng ta đạt được trong tương quan với các nước có cùng điều kiện như chúng ta".
"Theo số liệu của năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của nước ta chỉ bằng 1/5 mức trung bình của thế giới và chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan và chỉ bằng 1/5 thu nhập bình quân đầu người của Malaysia. Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng vì trong quá khứ Việt Nam đã phải trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến".
Bộ trưởng đề ra: Hiện nay, yêu cầu đổi mới và cải cách đối với nền kinh tế Việt Nam là cấp bách hơn bao giờ hết, vì Việt Nam đang ở trong giai đoạn ngắn ngủi của thời kỳ dân số vàng bắt đầu từ năm 1970-2025. Như vậy, Việt Nam chỉ còn hơn 10 năm để cơ cấu lại độ tuổi lao động, vì Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới.
"Việt Nam phải cách cách đổi mới hơn nữa nếu như không muốn tụt lại phía sau hay rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp. Chúng ta chấp nhận hội nhập nghĩa là chấp nhận cạnh tranh, do vậy nâng cao năng lực cạnh tranh là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế đất nước.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam phải tập trung phát triển doanh nghiệp trong nước mà tập trung vào doanh nghiệp tư nhân cả về số lượng và chất lượng. Sức khỏe của doanh nghiệp trong nước chính là sức khỏe của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi... nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trong khối doanh nghiệp", Bộ trưởng nói.
Đánh giá về năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho khu vực tư nhân phát triển, người đứng đầu Bộ KH&ĐT chỉ ra rằng nguyên nhân là do Nhà nước còn thiếu hiệu quả, thiếu sự giám sát đối với người dân. Để Việt Nam có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7% (tương đương GDP 8%/năm), mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.0000-18.000 USD thì con đường duy nhất là tăng năng suất lao động.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vinh cũng không quên thừa nhận rằng: Việt Nam là câu chuyện thành công trên thế giới về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo, đã tròn 30 năm Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới. Việt Nam từ môt nước nghèo nhất thế giới giờ đã trở thành một nước có thu nhập trung bình. Từ năm 1986, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 4 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 50%, xuống còn dưới 5%. Những thành tựu về đổi mới là không thể phủ nhận và đó chính là nguyên nhân giúp Việt Nam vượt qua thách thức trong hơn 30 năm qua.
Tuyết Nhung